Thứ Hai, 9 tháng 11, 2009

Đại lộ Đông - Tây, cầu Phú Mỹ: Hai niềm tự hào mới của TPHCM

Đại lộ Đông Tây và cầu Phú Mỹ hai niềm tự hào mới của TpHCM ngày nay thường được giới thiệu với khách quốc tế, là minh chứng của thành phố đang phát triển năng động, mang nét hiện đại hoá.

Đó cũng là những thí dụ sinh động về sự hợp tác quốc tế, về môi trường đầu tư, về khả năng thực hiện những dự án lớn của TpHCM.

+ Đại lộ Đông- Tây

TpHCM như một chốt quan trọng trên trục đường xuyên Việt. Nó nối miền Tây đầy lúa, thuỷ sản với miền Đông công nghiệp, tạo thành đầu mối xuất khẩu quan trọng.

Thế nhưng phát triển từ thời Hòn ngọc Viễn Đông đến nay, những con thoi kinh tế từ hai đầu đông - tây vẫn thường kẹt nhau giữa lòng thành phố. Giải pháp hiện đại hoá đại lộ Đông - Tây tháo gỡ được khó khăn này, mang lại nét hiện đại, công nghiệp không chỉ trong quy hoạch, mà còn đóng góp lớn vào việc thúc đấy sự phát triển kinh tế xã hội của TPHCM, khu vực và cả nước.

Trục đường này còn có ý nghĩa quan trọng kết nối với tuyến cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây (phía đông) và tuyến cao tốc TPHCM - Trung Lương (phía tây).

Công trình giao thông lớn và hiện đại nhất TP.HCM này đã xuất hiện từ tháng 9-2009 và đang được hối hả hoàn thành những phần tiếp theo với kế hoạch sẽ hoàn tất vào tháng 10-2010.

Đầu phía đông là xa lộ Hà Nội, đầu phía tây là huyện Bình Chánh. Tổng chiều dài 21,8km, đi qua các quận 1, 2, 4, 5, 6, 8, Bình Tân và huyện Bình Chánh, trong đó có 1,49km hầm vượt sông Sài Gòn.

Đại lộ có 10 làn xe, 16 giao lộ , 7 cầu, từ cầu Lò Gốm đến Bến Chương Dương (Q.1) có sáu làn xe lưu thông với tốc độ 80km/giờ, rút ngắn khoảng 1/2 thời gian so với đi các tuyến đường khác.

Tổng kinh phí đầu tư 660,66 triệu USD, vốn ODA Nhật chiếm 64,82%, vốn đối ứng trong nước chiếm 35,18%. Công trình khởi công vào tháng 4-2005 và dự kiến thời gian hoàn thành toàn bộ công trình vào tháng 10-2010.

Hiện chỉ còn đoạn từ ngã ba Cát Lái đến đầu hầm Thủ Thiêm, Q.2 chưa thể thông xe. UBND TPHCM chỉ đạo: Những phần phụ khác như thoát nước, chiếu sáng, cây xanh…phải được hoàn thiện vào cuối tháng 3-2010.

UBND TP cũng đề xuất xem xét đặt tên Đại lộ Đông Tây là đường Võ Văn Kiệt.

Đại lộ đông tây chạy dọc theo bến Hàm Tử, một bên là kênh Tàu Hũ. Thời Pháp con đường này có tên là Route Basse (đường Thấp) sau đổi là Bến Chợ Quán. Năm 1952 đổi tên là Bến Ngô Quyền, năm 1955 đổi thành Bến Hàm Tử.

Trong những năm tháng ấy, nó chỉ là một con đường nhỏ, chạy ngoằn nghèo với dòng sông ô nhiễm, với những nhà tạm cắm cột trên sông. Đó là một trong những nơi ổ chuột, với những người lao động nghèo sống trong điều kiện mất vệ sinh.

Với việc hiện đại hoá, đại lộ Đông-Tây ngày nay góp phần rất quan trọng vào việc phát triển các trung tâm đô thị mới ở phía đông và phía nam của thành phố, đóng góp lớn cho hạ tầng cơ sở và cảnh quan đô thị, góp phần thúc đẩy kinh tế-xã hội, cải thiện điều kiện sống cho người dân và tạo tiền đề cho sự phát triển của thành phố trong tương lai.

+ Cầu Phú Mỹ

Cây cầu lớn và hiện đại nhất này bắc qua sông Sài Gòn nối quận 7 với quận 2, rút ngắn cự ly đi lại khoảng 10km. Đây là chiếc cầu dài và rộng nhất TP.HCM, có tổng chiều dài 2,4km, rộng 27,5m (lớn nhất so với các cầu đã và đang xây dựng ở các tỉnh phía Nam), cầu có bốn làn ôtô và hai làn xe gắn máy.

Cầu Phú Mỹ là cầu dây văng hiện đại nhất và được thiết kế đặc biệt nhất trong cả nước. Hãng truyền hình Discovery (Mỹ) đã đến quay phim cầu Phú Mỹ, coi đây là công trình hiện đại tiêu biểu, có tiến độ thi công nhanh nhất, với chất lượng rất tốt.

Cầu Phú Mỹ được khởi công tháng 9-2005, đến tháng 3-2007 mới chính thức thi công và khánh thành vào dịp 2-9-2009, trước thời hạn bốn tháng (thay vì tháng 1-2010).

Công trình này do Công ty cổ phần BOT cầu Phú Mỹ làm chủ đầu tư, là công trình do tư nhân đầu tư với tổng vốn xây dựng 2.600 tỉ đồng, trong đó 80% vốn vay nước ngoài. Công ty cổ phần BOT cầu Phú Mỹ là doanh nghiệp tư nhân đầu tiên được Bộ Tài chính bảo lãnh vay vốn nước ngoài.

Tổng chiều dài toàn cầu là 2.033 m (trong đó phần cầu chính là 705m và phần cầu dẫn 1.328m), chiều rộng 27,5m, chiều cao thông thuyền 45m và tổng vốn đầu tư là 2.077 tỷ đồng.

Hiện hai đầu cầu đang được xây lắp các trạm kiểm soát, bán vé. Rất nhiều người dân và người nước ngoài đang "đi cho biết" với niềm vui và niềm tự hào.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét