Năm 2009 sắp kết thúc ghi nhận một loạt nỗ lực của ngành hàng không trong việc kết nối các đường bay quốc tế đến Việt Nam.
Ngày 12-12-2009 các chuyến bay thẳng đầu tiên từ Vladivostok (Nga) sẽ đến Cam Ranh, Khánh Hòa, khai trương sân bay quốc tế này, đưa nhà ga vừa được đầu tư hơn 200 tỷ đồng, nâng gấp đôi công suất với các thiết bị mới theo chuẩn quốc tế vào hoạt động.
Đó là hai hãng hàng không Vladivostok Avia và Transero Airlines của Nga, thực hiện bằng loại máy bay TU 204 hai tuần 1 chuyến, sau đó nâng tần suất bay lên, đồng thời triển khai đường bay Moskva - Cam Ranh và ngược lại.
Ngày 21-12-2009, chuyến bay thuê bao trực tiếp Nhật Bản - Đà Nẵng đầu tiên sẽ được mở và hy vọng sẽ mở các đường bay thường xuyên vào năm 2010.
Hai ngày sau đó, ngày 23-12-2009, cũng từ Đà Nẵng, chuyến bay thuê bao trực tiếp thứ hai sẽ cất cánh, nối Đà Nẵng với Hongkong.
Ngày 26-12-2009, đường bay trực tiếp Đài Bắc - Đà Nẵng do hãng Transasia Airlines của Đài Loan khai thác cũng sẽ chính thức khai trương.
Hai tháng trước, một loạt các đường bay quốc tế được tăng tần suất bay và mở mới. Ngày 25-10-2009, hãng Hàng không Hainan Airline đã khai trương đường bay nối đảo Hải Nam (Trung Quốc) với Hà Nội. Đây là hãng Hàng không đầu tiên và hiện là duy nhất có đường bay trực tiếp giữa Hà Nội với đảo Hải Nam.
Các đường bay nối Hà Nội và TPHCM với Paris (Pháp) lần đầu tiên được nâng lên hằng ngày, từ 6 lên 8 chuyến/tuần từ ngày 4-11-2009. Đường bay nối với Frankfurt (Đức) tăng từ 5 lên 6 chuyến/tuần.
Từ các trung tâm của thị trường truyền thống này, các đường bay mới sang châu Âu đang được bàn thảo. Hàng không của Đức cũng đang xúc tiến mở đường bay trực tiếp Hà Nội - Berlin trong thời gian tới, để đáp ứng nhu cầu của khách thương nhân, du lịch từ Đức tới Hà Nội, và hàng chục ngàn người Việt đang sinh sống tại Đức.
Đan Mạch là một thí dụ khác, đang muốn mở đường bay thẳng đến Việt Nam. Lý do là chỉ riêng nửa năm qua khoảng 10.000 người ở Bắc Âu tới Việt Nam bằng cách bay nối chuyến qua trung gian.
Trên các đường bay châu Á, Vietnam Airlines (VA) tăng tần suất trên đường bay TPHCM - Bangkok (Thái Lan) từ 7 lên thành 14 chuyến/tuần (thêm 1 chuyến/ngày vào buổi chiều).
VA cũng tăng tải trên các đường bay Hà Nội-TPHCM đến Pusan (Hàn Quốc) từ 8 lên 10 chuyến/tuần.
Ngày 18-10-2009, Hãng hàng không giá rẻ Châu Á Air Asia khai trương đường bay trực tiếp từ TPHCM đi Jakarta (Indonesia).
Trước đó, vào tháng 6-2009, Cục Hàng không Việt Nam đề xuất lập 4 đường bay mới, nối liền Việt Nam - Lào - Campuchia: Trạm điều khiển bay Nam Định - Vilao - Pakse (Lào); Nội Bài- Nà Sản-Mộc Châu; Tân Sơn Nhất - Enrep; Cần Thơ - Phnom Penh.
Các điểm đến ở miền Trung đang trở nên sôi động, thu hút du khách là tiền đề để mở rộng đường bay, nâng cấp các cảng hàng không, dịch vụ. Năm 2008, lượng khách từ Osaka (Nhật) đến Đà Nẵng khoảng 15.000 lượt người, nhưng phải chuyển tiếp từ Hà Nội, TPHCM.
Đà Nẵng được xác định là điểm đến lớn thứ 3 của Việt Nam. Sân bay quốc tế Đà Nẵng được đầu tư nâng cấp với tổng vốn 84 triệu USD, đến năm 2012 sẽ đạt công suất đón 4 triệu lượt khách/năm và 6 triệu lượt/năm vào năm 2025.
Đường bay thẳng từ Nhật đến Đà Nẵng được mở trong vài ngày tới là một nỗ lực sau nhiều thời gian đàm phán, chuẩn bị. Phía Nhật Bản rất kỳ vọng vào dự án này và xem đây là cơ hội để tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, du lịch vào các tỉnh miền Trung.
Tháng 8-2009, một hội nghị xúc tiến, quảng bá du lịch và bàn các giải pháp thu hút các hãng hàng không quốc tế, được tổ chức tại Huế với sự tham gia của đại diện hơn 50 hãng du lịch và hàng không. Kết quả, 14 hãng hàng không quốc tế đã ký biên bản ghi nhớ thực hiện chương trình hợp tác về xúc tiến mở đường bay đến Huế.
Sân bay Phú Bài (cách TP Huế 13km) được công nhận cảng hàng không quốc tế từ tháng 8-2007, hiện có công suất tiếp nhận 600 hành khách/giờ. Bảy tháng đầu năm 2009 tiếp nhận 417.000 lượt hành khách. Hiện sân bay này đang có kế hoạch cải tạo, kéo dài đường băng và các hạng mục liên quan để có thể tiếp nhận những máy bay lớn.
Cùng với việc nâng cấp, mở rộng các sân bay hiện có, nhiều sân bay mới đang được lên kế hoạch xây dựng. Hiện sân bay quốc tế tại đảo Phú Quốc đang đẩy nhanh tiến độ thi công, trong khi việc chuẩn bị xây dựng một sân bay quốc tế mới tại Long Thành đang khởi động để thay thế cho Tân Sơn Nhất trở thành sân bay quốc tế hàng đầu tại miền Nam.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét