Hàng nghìn ngư dân và du khách đã tới dự lễ hội Nghinh Ông tại Cần Giờ (Tp.HCM) từ ngày 2 đến 5.10. Lễ hội truyền thống hăng năm lần này được tổ chức lớn nhất, như một lễ tổng dượt chuẩn bị nâng cấp thành một sự kiện du lịch của thành phố vào năm 2010, nhằm thu hút thêm khách quốc tế, giới thiệu rộng rãi những giá trị văn hóa truyền thống của người dân Tp,HCM và Việt Nam.
“Đông hơn Tết và vui hơn Tết”- các ngư dân Cần Giờ giới thiệu với du khách như vậy. Với họ, đây là ngày lễ chính, thiêng liêng nhất trong năm. Cuộc sống gắn với biển, với những nét văn hóa miền biển.
Giống như nhiều lễ hội của nhiều dân tộc trên thế giới, các ngư dân Việt sống ven biển từ Quảng Bình đến Kiên Giang có truyền thống lâu đời thờ thần biển, cám ơn thuỷ tướng cứu nạn trên biển và giúp ngư dân thu hoạch hải sản.
Lời cám ơn và cầu mong của ngư dân Việt không hướng tới một vị thần linh tưởng tượng nào, như Vua Thủy Tề hay thần biển, mà cụ thể chỉ là thủy tướng. Tương truyền, đó là những con cá voi đã cứu các ngư dân xưa thoát khỏi những cơn bão tố.
Tại Cần Giờ, có hai con cá voi lớn (dài hơn 12 mét) chết giạt vào bờ, được ngư dân trân trọng an táng, còn lưu lại bộ xương, đặt trong tủ kính tại hai xã. Xương gọi là Ngọc Cốt, con cá lớn được kính trọng gọi là Ông. Ngư dân tin Ông là một thần hộ mệnh, phù hộ cho họ làm ăn, cứu giúp khi gặp nạn.
Hằng năm, vào rằm tháng Tám, ngư dân lại làm lễ Nghinh Ông, như một rước lễ, đưa ngai thờ Ông lên chiếc tàu trang hoàng lộng lẫy, rước ra biển cúng tế. Tất cả tầu thuyền đều trang hoàng rực rỡ, nối đuôi thành một đám rước tưng bừng trên biển.
Với ngư dân, ghe tàu là nhà, là phương tiện làm ăn, là tài sản quan trọng nhất. Mỗi chủ tàu đều lập bàn thờ trên boong, dâng lễ vật là hai con vịt luộc, cũng với trái cây, hương hoa, xôi, rượu, hàng mã… Con người vùng biển chân chất, thành tâm cúng Ông, cầu mong an toàn và được mùa.
Lễ chính là buổi cúng tế trang trọng tại miếu thờ, nơi đặt Ngọc Cốt, tiếp đến là đám rước đông vui từ đền ra bến tàu và ra biển. Chạy vòng khoảng 5 hải lý tới đèn biển rồi vòng về, rước ngai vị đặt trở về chỗ cũ cho đến năm sau.
Các văn bản còn lưu ở miếu thờ Lăng Ông Thủy Tướng cho biết khi Chúa Nguyễn vào Nam đã có các đền thờ và tục lệ Nghinh Ông này lâu rồi. Trong suốt thời gian trị vì, các chúa Nguyễn đều phong thần cho miếu và ban chỉ dụ cho các quan sở tại phải hương khói thờ phụng...
Rất nhiều Việt Kiều từ nhiều nơi đổ về tham dự lễ hội Nghinh Ông 2009 tại Cần Giờ. Nhiều người cho biết họ để dành ngày phép về thăm Việt Nam vào dịp này để được dự lễ Nghinh Ông.
Không chỉ là một lễ hội đầy mầu sắc và âm thanh, mà còn đậm đà bản sắc văn hóa Việt, các trò chơi dân gian, các cuộc thi buộc cua, ghẹ, đi cà kheo đá bóng, bắt heo, đan lưới, múa lân sư rồng, đua ghe, mà còn được trực tiếp tham gia vào các phần lễ tâm linh, nghinh Ông trên bờ và trên biển.
Hơn 200 ghe tầu trang hòang đỏ rực cả một cửa biển sẵn sàng đón chào khách xuống tầu cùng đi nghing Ông. Ngư dân rất hìền hòa và hiếu khách, với nếp nghĩ “càng đông càng vui” và càng nhiều khách càng mang lại điều may mắn cho ghe tầu của mình.
Trên đường rước, những ngư dân mời khách cùng dự các thủ tục cúng tàu, cùng hóa lộc, ca hát vang một khúc biển, reo hò chào đón, chúc tụng giữa các ghe. Họ cũng sẵn lòng kể cho du khách những phong tục tập quán của miền quê mình.
Cần Giờ, cách trung tâm TpHCM 50 km về phía Đông Nam, là huyện biển duy nhất của TpHCM, là cửa ngõ thông ra biển Đông, cũng là nơi được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển đầu tiên của Việt Nam. Cần Giờ cũng là nơi còn lưu giữ nhiều nét văn hóa đặc sắc của ngư dân vùng sông nước Nam Bộ.
Với việc thành phố nâng cấp đầu tư thành một sự kiện lễ hội du lịch, Cần Giờ đang chuẩn bị trở thành một điểm đến hấp dẫn du khách quốc tế về truyền thống văn hóa, du lịch, ẩm thực, nghỉ dưỡng…
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét