Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ gặp lại người đồng nhiệm Pháp, Thủ tướng François Fillon, tại Hà Nội, từ ngày 12 đến 13-11 tới, hai năm sau kể từ chuyến thăm Pháp vào năm 2007.
Đây cũng là chuyến thăm chính thức Việt Nam đầu tiên của Thủ tướng Pháp kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao và là chuyến thăm cấp cao nhất của lãnh đạo Pháp tới Việt Nam kể từ chuyến thăm của Tổng thống J. Chirac hồi năm 2004.
Quan hệ Việt - Pháp phát triển năng động và ngày càng đi vào chiều sâu, đồng thời mở rộng hợp tác trên nhiều lĩnh vực.
Trong chuyến thăm lần này, Thủ tướng François Fillon sẽ hội đàm với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, gặp các lãnh đạo cấp cao Việt Nam: Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng nhằm thúc đẩy mạnh hơn nữa, mở rộng các lĩnh vực hợp tác giữa hai nước.
Nhiều hiệp định, thỏa thuận hợp tác đã được chuẩn bị, dự kiến sẽ được ký nhân chuyến thăm này, trong đó có hợp tác hạt nhân dân sự, quốc phòng, giám sát tàu cá bằng vệ tinh, tăng vốn cho dự án tàu điện ngầm Hà Nội...
Đại diện 40 tập đoàn, doanh nghiệp hàng đầu của Pháp trong các lĩnh vực năng lượng, hàng không vũ trụ, giao thông...tháp tùng Thủ tướng Pháp trong chuyến thăm này sẽ có những cuộc tiếp xúc, xúc tiến các cơ hội giao thương tại diễn đàn doanh nghiệp hai nước với dự kiến sẽ ký nhiều hợp đồng ngay tại diễn đàn.
Hai năm trước, vào tháng 10-2007, nhân chuyến thăm Pháp của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, hai bên đã ký các thoả thuận: hiện đại hóa trường Đại học Y và Bệnh viện Thực hành tại Hà Nội, khôi phục cầu Long Biên, viện trợ dự án Tuyến đường sắt nội đô Nhổn - Ga Hà Nội, tín dụng cho ngành nước, mua máy bay Airbus, hợp tác ngân hàng, cung cấp thiết bị điện cho Nhà máy Thủy điện Sơn La, hợp tác về dầu khí, hỗ trợ Vinashin trong công nghiệp đóng tàu...
Pháp và Việt Nam có bề dày truyền thống hữu nghị. Việt Nam là một trong ít nước được hưởng cả ba kênh viện trợ của Pháp (viện trợ phát triển chính thức ODA, vay ưu đãi từ Cơ quan Phát triển Pháp AFD và từ Quỹ Đoàn kết ưu tiên FSP). Việt Nam hiện đứng thứ 7 trong số các nước nhận ODA của Pháp. Pháp là nhà tài trợ lớn thứ hai cho Việt Nam, sau Nhật Bản.
Đến nay, Pháp đã dành cho Việt Nam hơn 2 tỷ euro cho các dự án và dành cho Việt Nam 1,4 tỷ Euro viện trợ từ nay đến năm 2010.
Pháp là bạn hàng châu Âu thứ 3 của Việt Nam, đứng đầu các nước châu Âu và đứng thứ 13 về đầu tư vào Việt Nam (hơn 3 tỷ USD cho 216 dự án).
Hàng năm, Pháp dành 80 suất học bổng cho sinh viên Việt Nam. Số lượng sinh viên Việt Nam du học tại Pháp tăng khoảng 40% trong vòng 10 năm, hiện có khoảng 5.000 sinh viên Việt Nam tại Pháp. Pháp khẳng định sẽ hợp tác và hỗ trợ Việt Nam đào tạo 10.000 tiến sỹ từ nay đến 2010.
Pháp đang có kế hoạch đến năm 2020 giảm 20% lượng năng lượng sử dụng, giảm 20% chất thải và tăng 20% nguồn năng lượng tái sinh. Pháp sẵn sàng giúp Việt Nam cải thiện hiệu suất sử dụng năng lượng, khai thác các nguồn năng lượng sạch, áp dụng các tiêu chuẩn tiên tiến trong công nghiệp.
“Pháp có thể giúp Việt Nam nhiều dự án lớn” là lời của Quốc vụ khanh đặc trách doanh nghiệp và ngoại thương Pháp, ông Hervé Novelli, nói từ hai năm trước, trong đó đề cập dự án đường sắt đô thị Hà Nội và dự án điện nguyên tử tại Việt Nam.
Chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Pháp lần này sẽ tạo bước ngoặt với việc ký Hiệp định Đối tác Pháp - Việt về việc xây dựng dự án đường sắt đô thị Hà Nội, theo đó, Pháp sẽ hỗ trợ hơn 280 triệu Euro cho dự án.
Về dự án điện nguyên tử, Pháp sẽ sẵn sàng tham gia. Trong chuyến thăm Pháp năm 2007, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đã thăm một nhà máy điện nguyên tử của Pháp và các nhà lãnh đạo Pháp cũng đề cập đến vấn đề này trong các cuộc hội đàm.
Các doanh nghiệp lớn của Pháp đang gia tăng các mối quan tâm đầu tư vào thị trường Việt Nam. Một số hãng đã ra đi, nay mong muốn trở lại, như Total về khai thác thăm dò dầu khí hay Accor về bất động sản du lịch...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét