Nữ hoàng Magrethe II và Phu quân là Hoàng thân Henrik sẽ cùng các thành viên Hoàng gia và Chính phủ Đan Mạch thăm TPHCM từ ngày 5 đến 9-11 (sau khi thăm Hà Nội, Huế cùng một số địa phương khác), trong chuyến thăm chính thức Việt Nam.
Lần đầu tiên một nguyên thủ quốc gia Đan Mạch thăm Việt Nam kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao vào ngày 25-11-1971 và kể từ khi bà lên ngôi Nữ hoàng 35 năm trước.
+ Truyền thống hữu nghị
Đây cũng là lần đầu tiên cả gia đình Hoàng gia Đan Mạch tới thăm chính thức một nước khác. Tháp tùng Nữ hoàng Margrethe II và Phu quân có Thái tử Frederik và Công nương Mary Elizabeth, Bộ trưởng Văn hóa, Môi trường, một số quan chức Văn phòng Hoàng gia và Chính phủ cùng khoảng 60 doanh nghiệp hàng đầu của Đan Mạch.
Trước đó, hai nước thường xuyên duy trì trao đổi các đoàn cấp cao. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thăm Đan Mạch (9-2009) và Phó Thủ tướng Đan Mạch Bendt Bendtsen thăm Việt Nam (9-2006).
Tại TPHCM, đoàn sẽ thăm UBND thành phố, dự Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam- Đan Mạch, thăm một số cơ sở hợp tác, đầu tư của Đan Mạch tại Việt Nam, thắng cảnh và lịch sử thành phố, tham gia một số hoạt động văn hoá xã hội, bảo vệ môi trường…
Nữ hoàng Margrethe II và Công nương Mary lần đầu tới Việt Nam, trong khi Hoàng thân Henrik và Thái tử Frederik đã từng tới Việt Nam.
Tại Hà Nội, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng đã tiếp, hội kiến với đoàn.
Các lãnh đạo Việt Nam đánh giá cao chuyến thăm của Nữ hoàng như một mốc mới nâng quan hệ hai nước lên một tầm cao mới, tăng cường quan hệ hợp tác trên nhiều lĩnh vực, hướng tới xây dựng mối quan hệ đối tác vì sự phát triển lâu dài, ổn định và cùng có lợi.
Đan Mạch là nước Tây Âu sớm đặt quan hệ với Việt Nam, dành cho Việt Nam sự ủng hộ to lớn về tinh thần trong cuộc đấu tranh giành độc lập, thống nhất đất nước.
Đan Mạch cũng là một trong những nước Tây Âu đầu tiên dành cho Việt Nam nguồn viện trợ ODA quý báu, góp phần giúp Việt Nam xoá đói giảm nghèo và hội nhập kinh tế quốc tế.
Suốt gần 4 thập kỷ qua, quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác giữa hai nước không ngừng phát triển tốt đẹp.
Từ năm 1972 đến nay, Đan Mạch đã ủng hộ Việt Nam gần 1 tỷ USD vốn ODA, mới đây Đan Mạch ủng hộ Việt Nam 40 triệu USD vốn ODA dành cho các dự án về biến đổi khí hậu, đối phó với biến đổi khí hậu.
Trong chuyến thăm Việt Nam lần này, Nữ hoàng Magrethe khẳng định sẽ tiếp tục hợp tác và hỗ trợ Việt Nam trong các lĩnh vực Đan Mạch có thế mạnh như xây cơ sở hạ tầng, ứng phó với biến đổi khí hậu, hợp tác văn hóa…
Nữ hoàng Margrethe cũng tham dự Hội thảo kinh doanh, thăm nhà máy sản xuất gốm sứ Bát Tràng, xem biểu diễn nghệ thuật thiếu nhi và khai trương triển lãm Emergency Room và Lễ hội nghệ thuật đường phố.
+ Nâng tầm hợp tác
Hai bên đã trao đổi các đoàn cấp cao, hợp tác trong nhiều lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư, văn hoá, giáo dục, du lịch, bảo vệ môi trường…
Tính đến tháng 6-2009, Đan Mạch có hơn 70 dự án với tổng vốn đăng ký trên 435 triệu USD, đứng thứ 22 trong số 82 nước và vùng lãnh thổ đầu tư trực tiếp vào Việt Nam và đứng thứ 5 trong số các nước EU đầu tư vào Việt Nam.
Tại TpHCM có 31 dự án đầu tư của các doanh nghiệp Đan Mạch với tổng vốn hơn 48 triệu USD.
Hai bên nhất trí coi kinh tế là lĩnh vực ưu tiên hợp tác, phấn đấu nâng kim ngạch thương mại hai chiều lên 1 tỉ USD và đầu tư của Đan Mạch tại VN lên 1 tỉ USD trong một vài năm tới.
Để đạt được mục tiêu này, hai bên sẽ tăng cường tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hai nước trao đổi, gặp gỡ, thực hiện đầu tư và kinh doanh tại thị trường của nhau.
Kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Đan Mạch tăng đều 10-15%/năm, đạt 318 triệu USD năm 2008. Đầu tư trực tiếp của Đan Mạch vào Việt Nam đạt khoảng 400 triệu USD (đứng thứ 22 trong số 82 nước và vùng lãnh thổ đầu tư trực tiếp vào Việt Nam).
Tháng 3/2007, hai nước đã thành lập Uỷ ban liên Chính phủ về hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư và chuyển giao công nghệ.
Hai nước cũng đã ký 8 Hiệp định và đang thực hiện hợp tác trong lĩnh vực văn hóa du lịch.
Hơn 100 công ty của Đan Mạch đang hoạt động tại Việt Nam. Năm 2008, có 22.000 khách du lịch Đan Mạch sang thăm Việt Nam. Hiện có khoảng 500 công dân Đan Mạch sinh sống tại Việt Nam và gần 14.000 người Việt tại Đan Mạch.
+ Hoàng gia Đan Mạch
Nữ hoàng Margrethe II là nguyên thủ quốc gia của Đan Mạch hơn 35 năm qua và được người Đan Mạch tôn trọng như một vị vương công hiện đại.
Nữ hoàng Margrethe học và nghiên cứu các chuyên ngành triết học, khảo cổ học và khoa học chính trị. Bà đồng thời còn là một nghệ sĩ thực thụ, nổi tiếng về những bộ tranh ghép, những mẫu thiết kế cảnh và trang phục cho đoàn ba-lê hoàng gia, sáng tác họa tiết, chữ lồng, trang trí vườn hoa, công viên.
Bà là họa sỹ theo trường phái trừu tượng và có các tác phẩm hội hoạ nổi tiếng.
Hoàng thân Henrik là Cử nhân chuyên ngành Văn học Pháp và Các ngôn ngữ phương Đông. Hoàng thân là Chủ tịch Quỹ bảo tồn thiên nhiên và động vật hoang dã thế giới (đã thăm Việt Nam với tư cách cá nhân tháng 3-1999 và thăm chính thức từ ngày 13-20-9-2003).
Hoàng thân Henrik đóng vai trò tích cực trong một số tổ chức như Hội chữ thập đỏ Đan Mạch.
Ông cũng là tác giả một số đầu sách, trong đó có tập hồi ký và một tuyển tập thơ. Hoàng thân còn là một tác giả viết sách nấu ăn có tên tuổi và là người trồng nho và nấu rượu.
Qua Hoàng thân, gia đình hoàng gia Đan Mạch có mối quan hệ gắn bó với Việt Nam. Hoàng thân đã sống tại Hà Nội 5 năm đầu đời khi cha ngài phụ trách các doanh nghiệp gia đình trong lĩnh vực công nghiệp.
Hoàng thân Henrik đã từng sống 5 năm đầu đời tại Việt Nam và trong chuyến thăm Việt Nam lần này ông đã hướng dẫn gia đình Hoàng gia thăm lại ngôi nhà tuổi thơ của mình, tại 80 Phan Đình Phùng, Hà Nội.
Hoàng thân từng trở lại Việt Nam vào năm 1950 - 1952 và năm 1958, khi ngài theo học tại Sài Gòn.
+ “Nhà vô địch năng lượng gió”
Đan Mạch là nước thuộc vùng Scandinavia, diện tích 43.000 km², có tới 443 hòn đảo. Đan Mạch có đường biên giới với Đức, phía tây là Bắc Hải, phía đông là biển Baltic, có đường bờ biển dài tới 7.314 km.
5,4 triệu dân, thị trường nội địa nhỏ bé, kinh tế Đan Mạch chủ yếu dựa vào việc buôn bán với nước ngoài, với khoảng 70% với các nước EU, trong đó khoảng 17% với Đức, đối tác lớn nhất.
Sống với biển, Đan Mạch có thế mạnh về vận tải biển, đóng tàu, xây dựng cảng biển, chế tạo thiết bị năng lượng, công nghiệp dược, chế biến thủy sản và thực phẩm, năng lượng và công nghệ xanh-sạch, nông nghiệp… v.v.
Đất bằng phẳng, Đan Mạch không có thủy điện, cũng không sử dụng năng lượng hạt nhân, mà sử dụng nhiệt điện và năng lượng sức gió.
Người Đan Mạch tự hào là "nhà vô địch về năng lượng gió". năng lượng gió ở Đan Mạch chiếm tới 20% nguồn nhiên liệu sản xuất điện năng. Những chiếc tourbin gió của đất nước Đan Mạch.
Từ năm 1999 ngành du lịch Đan Mạch bùng nổ, đón hơn 2 triệu lượt kdu khách hách quốc tế, thu khoảng 3,31 tỉ USD/năm.
GDP bình quân theo đầu người của Đan Mạch đạt 62.097 USD/năm, đứng thứ 5 trên thế giới. 7,5% GDP được dành cho phát triển giáo dục chất lượng cao.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét