Hội nghị xúc tiến thương mại, đầu tư, du lịch lần thứ 4 khu vực Tam giác phát triển ba nước Campuchia, Lào và Việt Nam diễn ra ngày 11-11 tại Buôn Ma Thuột, Đắc Lắc.
Hội nghị thảo luận cơ chế chính sách thúc đẩy các hoạt động thương mại, đầu tư, du lịch vào khu vực Tam giác phát triển, đề xuất các chương trình hợp tác toàn diện, dài hạn, chính sách phối hợp chung, tăng cường đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, nhất là hệ thống giao thông, các nhà máy điện, nước...
Đây là cuộc họp liên ngành định kỳ giữa ba nước Campuchia, Lào và Việt Nam nhằm phối hợp thúc đẩy các thoả thuận phát triển kinh tế xã hội khu vực "ngã ba Đông Dương" của cả ba nước.
Tam giác phát triển Campuchia- Lào- Việt Nam (thường được gọi tắt là Tam giác CLV) là một khái niệm chỉ khu vực gồm 10 tỉnh sát biên giới ba nước: Ratanakiri, Stung Treng, Mondulkiri (miền đông Campuchia); Attapu, Salavan, Xekong (miền nam Lào); và Kon Tum, Gia Lai, Đắc Lắc, Đắc Nông (Tây Nguyên Việt Nam), nơi có nhiều tiềm năng, có vị trí quan trọng trong việc hỗ trợ cùng nhau phát triển, nhưng còn là những "vùng sâu vùng xa" trong bản đồ phát triển kinh tế xã hội của mỗi nước.
Tại Cuộc họp cấp cao ba Thủ tướng Việt Nam-Lào-Campuchia lần thứ nhất tại Viêng Chăn năm 1999, theo sáng kiến của Thủ tướng Campuchia Hun Sen, một cơ chế hợp tác giữa ba nước nhằm cùng nhau phát triển khu vực này được hình thành.
Các cuộc gặp cấp cao giữa Thủ tướng ba nước được tổ chức định kỳ, định hướng và phân công các cơ quan chức năng của ba nước tiến hành các bước phối hợp nhằm thúc đẩy việc phát triển khu vực này theo lộ trình phù hợp.
Quốc hội ba nước tổ chức Hội nghị “Vai trò của Quốc hội đối với tam giác phát triển khu vực 3 nước Campuchia- Lào - Việt Nam” vào tháng 7-2009 tại Kon Tum. Xem xét thành quả hợp tác 10 năm, hội nghị chuẩn bị xây dựng phương thức hợp tác mới, thúc đẩy việc phát triển các thỏa thuận hợp tác song phương và đa phương giữa ba nước.
Hội nghị thảo luận về cơ chế chính sách ưu đãi đặc biệt cho Tam giác, khuyến khích đầu tư hạ tầng như giao thông, thủy lợi, điện, phân bổ nguồn vốn xóa đói giảm nghèo, tạo việc làm, vay vốn phát triển sản xuất, hợp tác văn hóa, du lịch, y tế, bảo vệ môi trường..., từng bước xây dựng hành lang pháp lý, tăng cường giám sát, thúc đẩy xây dựng Tam giác phát triển hòa bình, hữu nghị, hợp tác toàn diện.
Tam giác CLV sau 10 năm đã đạt được những kết quả bước đầu đáng khích lệ. Ba nước thông qua quy hoạch tổng thể về phát triển kinh tế - xã hội Khu vực Tam giác. Ủy ban điều phối chung được thành lập nỗ lực thúc đẩy giao lưu kinh tế, đầu tư, thương mại, văn hóa xã hội trong tam giác.
Tình hữu nghị, sự hiểu biết lẫn nhau giữa các tỉnh có chung đường biên giới được tăng cường, hợp tác về giao thông, hạ tầng, y tế, giáo dục, xoá đói giảm nghèo...được đẩy mạnh. Nhiều dự án lớn trong các lĩnh vực thủy điện, khai thác và chế biến khoáng sản, phát triển trồng và chế biến sản phẩm và các cây công nghiệp được triển khai.
Sau cuộc họp cấp cao lần thứ nhất hình thành Tam giác CLV, cuộc họp cấp cao giữa ba Thủ tướng lần thứ hai tại TPHCM (2002), xác định ưu tiên triển khai hợp tác trên các lĩnh vực giao thông vận tải, thương mại, điện lực, du lịch, đào tạo nguồn nhân lực và y tế.
Cuộc họp cấp cao lần thứ ba tại Siem Reap (2004), khẳng định vai trò hết sức quan trọng của Tam giác CLV và phối hợp phát triển cơ sở hạ tầng đường giao thông, xúc tiến hàng loạt dự án.
Cuộc họp cấp cao lần thứ tư tổ chức tại Đà Lạt (tháng 12-2006) thông qua việc thành lập ủy ban điều phối chung, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho các nhà đầu tư, tăng cường phối hợp trong huy động nguồn lực bên ngoài, nhất là từ Nhật Bản.
Cuộc họp cấp cao lần thứ năm được tổ chức tại Viêng Chăn năm 2008 thúc đẩy triển khai công tác của các nhóm chuyên gia, kỹ thuật.
Thực hiện thoả thuận này, lần đầu tiên hội nghị Nhóm kỹ thuật được tổ chức tại Viêng Chăn vào tháng 5-2008, thảo luận về chính sách ưu tiên đặc biệt cho Tam giác Phát triển, cụ thể như thủ tục chuyển dịch cư trú qua biên giới, vận chuyển qua biên giới phương tiện vận tải, nguyên vật liệu, trao đổi hàng hóa, chính sách thuế, lao động tự do, kiểm tra ở cửa khẩu, chính sách đầu tư...
Tam giác CLV vượt ra ngoài khuôn khổ hợp tác giữa ba nước, mời gọi thêm đầu tư nước ngoài. Hai Hội nghị cấp cao giữa ba nước với Nhật Bản được tổ chức, trong đó Nhật Bản đã ủng hộ xây dựng Tam giác phát triển, và bước đầu hỗ trợ 2 tỷ Yên cho 16 dự án về giáo dục, đào tạo, y tế, dân sinh và phát triển nông thôn trong khu vực này.
Ba nước đã trao cho Nhật Bản 12 dự án ưu tiên về giao thông, giáo dục, y tế trong khu vực Tam giác phát triển với tổng số vốn gần 300 triệu USD để Chính phủ Nhật Bản xem xét tài trợ.
Năm 2008, Nhật Bản công bố gói viện trợ 20 triệu USD cho Tam giác CLV, trong đó Việt Nam nhận 3,5 triệu USD, Lào và Campuchia mỗi nước nhận 7,5 triệu USD, còn 1,5 triệu USD sử dụng vào các hoạt động nghiên cứu, điều tra, lập luận chứng kỹ thuật...
Tháng 2 -2007, Việt Nam phê duyệt điều chỉnh quy hoạch khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y thành một trung tâm thương mại, văn hóa và giáo dục trong Tam giác phát triển, xúc tiến xây dựng
các khu kinh tế cửa khẩu khác: Khu kinh tế cửa khẩu đường 19 ở Gia Lai, Đắk Per ở Đăk Nông và Đắk Ruê ở Đăk Lăk.
Việt Nam có 166 dự án, với tổng vốn đầu tư trên 3 tỷ USD vào Lào và 52 dự án, với tổng vốn đăng ký đầu tư 400 triệu USD vào Campuchia, trong đó có 28 dự án đầu tư vào các tỉnh thuộc khu vực Tam giác phát triển của các nước Lào, Campuchia.
Riêng 10 tháng đầu năm 2009, Việt Nam đã đầu tư 20 dự án tại Lào với tổng vốn đầu tư gần 1,3 tỷ USD, trong đó có 4 dự án vào Khu Tam giác phát triển, 10 dự án đầu tư vào Campuchia với tổng vốn đầu tư 218 triệu USD.
Tam giác phát triển CLV được một số chuyên gia kinh tế đánh giá là "chiếc ác-quy khổng lồ" có thể tiếp thêm năng lượng cho sự phát triển chung của cả ba nước Campuchia, Lào, Việt Nam.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét