Thứ Ba, 24 tháng 11, 2009

Đức tài trợ tập huấn bảo vệ động vật hoang dã

Khoá tập huấn thực thi luật buôn bán động thực vật hoang dã được tổ chức tại Hà Nội và TPHCM đã bắt đầu từ ngày 23-11-2009, do Cơ quan Bảo tồn Thiên nhiên, Bộ Môi trường Đức tài trợ.

Trong bốn ngày, các cảnh sát môi trường tại các tỉnh phía bắc được các chuyên gia về Công ước CITES của Đức thuyết trình về các quy định và thực thi Công ước CITES - Công ước quốc tế về buôn bán các loài động thực vật hoang dã.

Đây là các khóa tập huấn do TRAFFIC - Chương trình Tiểu vùng Mê Kông mở rộng và Cơ quan Quản lý CITES của Đức phối hợp tổ chức.

Các buổi tập huấn tiếp theo sẽ được tổ chức từ ngày 30-11 đến 3-12 tại TPHCM, dành cho cảnh sát môi trường các tỉnh phía Nam.

Cục Cảnh sát Môi trường được thành lập năm 2007 với gần 1000 cán bộ khắp cả nước, ngày càng chủ động hơn trong việc điều tra, thu giữ các sản phẩm từ động thực vật hoang dã bị buôn bán trái phép.

“Khi mới được thành lập, các cán bộ Cảnh sát Môi trường không biết loài động vật hay thực vật nào được Công ước bảo vệ" - một cán bộ của dự án cho biết, trong khi hoạt động buôn lậu động thực vật hoang dã đã đẩy nhiều loài như hổ, voi châu Á, Tê giác Java và đồi mồi đến bờ tuyệt chủng...

"Nhưng bây giờ chúng ta có thể nhìn thấy hiệu quả của các khóa tập huấn. Những kết quả này là sự cổ vũ rất lớn đối với các nỗ lực thực thi Công ước CITES của Việt Nam"- bà Nguyễn Đào Ngọc Vân, cán bộ của TRAFFIC - Chương trình Tiểu vùng Mê Kông mở rộng, nhận xét.

Các khóa tập huấn gồm bồi dưỡng kiến thức, năng lực cho lực lượng cảnh sát môi trường, nhằm "phổ cập cho toàn lực lượng cảnh sát môi trường những kiến thức cơ bản về CITES” - ông Franz Bormer, giảng viên chính, nói.

Năm 2008 TRAFFIC cũng đã tổ chức hai khóa tập huấn như vậy.

TRAFFIC là một chương trình chung của Quỹ Quốc tế Bảo vệ thiên nhiên (WWF) và Hiệp hội Bảo tồn thiên nhiên Quốc tế (IUCN), nhằm giám sát buôn bán động vật hoang dã lớn nhất thế giới hiện nay.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét