Thứ Ba, 15 tháng 12, 2009

2010- Năm Đức tại Việt Nam và Năm Việt Nam tại Đức

2010 - "Năm Đức tại Việt Nam“ và "Năm Việt Nam tại Đức“, với nhiều hoạt động phong phú đang được tích cực chuẩn bị để có thể triển khai ngay từ tháng Giêng.

Tháng 10-2009, đại diện Bộ Ngoại giao hai nước đã ký bản ghi nhớ về các biện pháp hỗ trợ triển khai. Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết và Tổng thống nước CHLB Đức Horst Köhler sẽ cùng bảo trợ cho dự án.

Các hoạt động sẽ diễn ra xuyên suốt năm 2010, năm kỷ niệm 35 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước, với nhiều hình thức phong phú phản ánh mối quan hệ song phương giữa hai nước trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hoá và cộng đồng.

"Năm Đức tại Việt Nam“ sẽ có 4 chủ đề chính: Môi trường, đô thị (với các chương trình hội thảo chuyên ngành, hội chợ, triển lãm, trao đổi chuyên gia...). Văn hoá (giới thiệu hình ảnh nước Đức trong văn hóa, nghệ thuật sáng tạo). Nghệ thuật (hòa nhạc, liên hoan phim, triển lãm ảnh, nghệ thuật công cộng, triển lãm sách...).

Nhiều cuộc hội thảo, triển lãm về các chủ đề hợp tác kinh tế, quan hệ ngoại giao, bảo tồn văn hóa, trình diễn nghệ thuật, giao lưu thanh niên, thi đấu cờ vua, Lễ hội bia tháng Mười... sẽ được tổ chức tại Hà Nội và TPHCM.

Cuối tháng 11-2009, phía Đức cử bà Nicola Beer, Quốc vụ khanh Bộ Tư pháp, Hòa nhập và Châu Âu của bang Hessen, đồng thời là quan chức của bang Hessen đặc trách về Năm Đức tại Việt Nam đến Hà Nội trao đổi công tác chuẩn bị cho Năm Đức tại Việt Nam.

Đại sứ Đức tại Việt Nam Rolf Schulze cho biết: “Việt Nam và Đức có bức tranh đáng tự hào về mối quan hệ song phương...Chúng tôi đang chuẩn bị cho những bước đầu tiên trong chương trình kỷ niệm này. Hai bên sẽ có hàng loạt hoạt động giao lưu văn hoá“.

Đại sứ Đặc trách Năm Văn hoá Đức tại Việt Nam, ông Thomas Goeth cho biết: “Sự kiện Năm văn hóa Đức tại Việt Nam sẽ bắt đầu từ tháng 1-2010 bằng một chương trình hoà nhạc tại Nhà Hát lớn Hà Nội".

Từ đầu năm 2009 đã có hơn 20 đoàn Đức tới thăm Việt Nam, theo lời Đại sứ Rolf Schulze là “mật độ dày đặc và không có nước nào trong khu vực như vậy”.

Ông Rolf Schulze nhận xét: "điều kiện chung cho phát triển mối quan hệ song phương là rất tốt, đặc biệt là 200.000 người Việt nói được tiếng Đức đang sinh sống tại hai nước. Đây là sự khác biệt giữa Việt Nam với các nước khác ở châu Á, do vậy Đức quan tâm đặc biệt tới Việt Nam".

Trao đổi thương mại song phương đạt trên 4 tỷ USD năm 2008, đưa Đức trở thành đối tác lớn nhất của Việt Nam ở châu Âu. Việt Nam trở thành đối tác lớn thứ hai của Đức tại châu Á.

Đức cung cấp cho Việt Nam ODA ở mức khoảng 90 triệu USD/năm và tính đến nay tổng vốn ODA đạt gần 1 tỷ euro, tập trung vào 3 lĩnh vực phát triển kinh tế bền vững; môi trường và sử dụng bền vững tài nguyên, y tế.

Hiện có hơn 3.000 sinh viên Việt Nam theo học tại Đức. Đức đã khai trương Đại học Việt- Đức và Trường phổ thông quốc tế Đức tại Việt Nam.

Các chương trình Năm Đức tại Việt Nam và Năm Việt Nam tại Đức trong năm 2010 hy vọng sẽ thúc đẩy mạnh mẽ sự hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân hai nước, tăng cường sự hợp tác trên nhiều lĩnh vực, làm sống động hơn nữa "bức tranh đáng tự hào về quan hệ song phương Việt- Đức".

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét