Đúng vào ngày khai mạc hội nghị toàn cầu về chống biến đổi khí hậu tại Copenhaghen, một chương trình tìm hiểu tác động của biến đổi khí hậu tại khu vực ĐBSCL, mang tên "Việt Nam và biến đổi khí hậu", do đài BBC tổ chức, chính thức khai trương tại TPHCM sáng 7-12-2009.
16 phóng viên thuộc nhiều ban ngôn ngữ của BBC cùng hàng chục phóng viên của nhiều tờ báo Việt Nam cùng đi từ TPHCM đến các tỉnh ĐBSCL bằng tầu thuỷ trong ba ngày, để tìm hiểu những ảnh hưởng của việc biến đổi khí hậu đối với Việt Nam, các biện pháp đối phó và kinh nghiệm phòng chống của Việt Nam, nước được coi là sẽ chịu nhiều hậu quả xấu của việc biến đổi khí hậu.
Đoàn sẽ dừng lại tại Mỹ Tho, Cần Thơ, thăm các chợ nổi Thới Sơn, Cái Răng, mô hình trang trại VAC... để tường thuật câu chuyện về khí hậu ở Việt Nam, tìm hiểu vựa lúa này của châu Á đối phó thế nào với các hậu quả của khí hậu biến đổi, các biện pháp phòng chống bão, lũ, trồng rừng ngập mặn, bảo đảm an ninh lương thực...
Ông James Sales, giám đốc dự án, cho biết đây là cơ hội giám sát sự thay đổi tại vựa lúa gạo lớn thứ hai thế giới, tìm hiểu vai trò của lúa gạo Việt Nam trên thế giới.
"Thật đáng kinh ngạc khi thấy những người nông dân Việt Nam đang ứng phó với thay đổi khí hậu"- ông James Sales kể, khi chứng kiến người dân tại Cần Giờ trồng rừng ngậm mặn, gác rừng, sử dụng năng lượng mặt trời...
Các câu chuyện được tường thuật từ Việt Nam cũng như từ 8 đầu cầu khác trên thế giới nhằm giúp thêm thông tin sống động, trực tiếp từ những vùng khác nhau, làm nổi bật chuyên đề về môi trường, tác động của biến đổi khí hậu nhân hội nghị toàn cầu về vấn đề này họp tại Copenhaghen.
Đi dọc các con sông để tìm hiểu môi trường là cách từng được BBC thực hiện năm 2007 tại Banglades, với nhóm phóng viên từ 17 ban ngôn ngữ. Các loạt bài viết trong chuyến đi này từng đoạt giải AIB (Hiệp hội truyền thông quốc tế) cho loạt phóng sự hay nhất về môi trường.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét