15 năm sau ngày bốn nước Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam ký Hiệp định Hợp tác Phát triển bền vững lưu vực sông Mekong, một Hội nghị Cấp cao Ủy hội sông Mekong quốc tế lần đầu tiên sẽ được tổ chức tại Hua Hin, Thái Lan vào ngày 5-4-2010.
Sử dụng và phát triển bền vững tài nguyên nước và các tài nguyên liên quan trong lưu vực sông Mekong, vì lợi ích chung của các nước trong lưu vực sẽ là vấn đề được quan tâm hàng đầu tại hội nghị.
Hội nghị dự kiến sẽ đưa ra những giải pháp, hành động ứng phó với biến đổi khí hậu và tình trạng khô hạn của dòng Mekong.
Mekong, con sông lớn nhất khu vực, bắt nguồn từ Trung Quốc chảy qua 5 nước Đông Nam Á là nguồn sống của hơn 60 triệu người với những nét văn hoá truyền thống đặc trưng, đang cạn kiệt từ 30 năm nay, mực nước đang thấp kỷ lục, tác động ngày càng mạnh đến đời sống kinh tế văn hoá xã hội của cư dân vùng này.
Nguyên nhân được cho là do biến đổi khí hậu, hạn hán, do việc xây dựng các đập thuỷ điện tại thượng nguồn, do sử dụng tài nguyên nước vì lợi ích cục bộ và cả do sự tàn phá bừa bãi của con người.
Trung Quốc xây 3 đập thủy điện lớn trên đoạn sông Mekong thuộc tỉnh Vân Nam, có tổng trữ lượng nước lên tới 3 tỷ mét khối. Đập thứ tư, có tên Tiểu Loan, đang được xây dựng và sẽ hoàn thành vào năm 2012. Với chiều cao khoảng 300 m, Tiểu Loan sẽ trở thành đập cao nhất thế giới và có khả năng giữ 15 tỷ m khối nước.
Những nghi ngờ gây tranh cãi về việc Trung Quốc “om nước” trên đầu nguồn để làm hàng loạt công trình thuỷ điện lớn, hay dẫn ngược nước sông này về các cánh đồng phía bắc rộng lớn đang gặp hạn hán… làm kiệt nước sông Mekong tại trung và hạ lưu.
Bốn nước trong Uỷ hội sông Mekong đề nghị Trung Quốc xả nước từ các đập. Trung Quốc cho rằng không làm gì ảnh hưởng đến mực nước sông Mekong và mời các phái đoàn tham quan một đập thuỷ điện. Các nước trong Uỷ hội đòi Trung Quốc cung cấp các số liệu về việc này một cách chi tiết…
Trong bối cảnh này, Hội nghị Cấp cao Ủy hội sông Mekong quốc tế lần thứ nhất có ý nghĩa rất quan trọng. Hội nghị sẽ đề ra những định hướng lớn về quản lý, phát triển tài nguyên chung, khẳng định cam kết hợp tác phát triển bền vững.
Các nguồn tin nước ngoài dự báo các nước thành viên Ủy ban sông Mekong (MRC) sẽ yêu cầu Trung Quốc “mở cửa đập nước” và thảo luận về việc “Làm thế nào để Trung Quốc mở rộng dòng chảy sông Mekong”.
Trung Quốc, với tư cách nước đối thoại sẽ gửi đến đoàn quan chức đông đảo, do Bộ trưởng Nguồn nước dẫn đầu. Trung Quốc cũng bày tỏ sẵn sàng cung cấp thông tin về các đập thủy điện ở tỉnh Vân Nam để làm dữ liệu nghiên cứu về mực nước sông Mekong.
Chánh văn phòng Ủy ban sông Mekong Việt Nam Lê Đức Trung cho biết, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ có bài phát biểu khai mạc Hội nghị, nêu định hướng, tầm nhìn hoạt động của Ủy hội trong tương lai, những kiến nghị bảo vệ tài nguyên nước của Việt Nam, cũng như khẳng định cam kết của Việt Nam đối với các nội dung của Hiệp định Hợp tác phát triển bền vững lưu vực sông Mekong ký năm 1995.
Bên lề Hội nghị, dự kiến Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ có tiếp xúc song phương với Bộ trưởng Tài nguyên nước của Trung Quốc nhằm tăng cường hợp tác đối thoại, chia sẻ thông tin, số liệu không chỉ tình hình sông Mekong mà cả các vấn đề khác liên quan đến tài nguyên nước.
Hội nghị dự kiến sẽ ra Tuyên bố về cơ hội và thách thức, các mục tiêu, tầm nhìn, xác định các lĩnh vực ưu tiên cho kế hoạch hành động. Thủ tướng của bốn nước sẽ ký văn kiện này.
Uỷ hội sẽ tăng cường quan hệ với các đối tác chiến lược, nhất là Trung Quốc và Myanmar, những nước liên quan và có quan tâm về sông Mekong.
Chia sẻ nguồn nước, khai thác và bảo vệ tài nguyên, môi trường, hệ sinh thái, sinh kế, truyền thống văn hoá của nhân cư sống chung nguồn Mekong đòi hỏi các bên cùng thảo luận và thống nhất.
Vấn đề sông Mekong đang được giải quyết một cách hoà bình, theo cách “quốc tế hoá”, dựa trên những phân tích khoa học. Đó cũng là một phương thức giải quyết các vấn đề còn gây tranh cãi của các nước ASEAN với các đối tác liên quan.
Hội nghị Cấp cao Ủy hội sông Mekong quốc tế lần thứ nhất chưa khai mạc, nhưng đã có tiền đề. Các hội nghị tiếp theo dự định sẽ được tổ chức 4 năm một lần, luân phiên theo vần chữ cái.
Theo đó, Hội nghị này sẽ được tổ chức tại Việt Nam vào năm 2014.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét