Thứ Tư, 19 tháng 5, 2010

Khi điện ảnh làm ngoại giao văn hoá

Ngoại giao văn hoá đang được mở rộng và triển khai trong nhiều lĩnh vực trong năm 2010 có nhiều sự kiện trọng đại. Trong lĩnh vực điện ảnh, vào tháng 10-2010 sẽ tổ chức Liên hoan phim quốc tế Việt Nam lần đầu tiên, thúc đẩy giao lưu và hợp tác quốc tế trong lĩnh vực này.

Tại LHP Cannes, một trong những LHP lớn nhất thế giới đang diễn ra tại Pháp, lần đầu tiên ngành điện ảnh Việt Nam làm một buổi “tiếp tân hoành tráng”, giao tiếp rộng rãi với nhiều ngành điện ảnh các nước, khu vực.

+ Đêm Việt Nam giữa lòng Cannes

Sự kiện này, được gọi là Đêm Việt Nam (Vietnam Party), kéo dài 3 giờ tại VIP Club Plage de Goeland, tối 15-5 vừa qua, được coi là một buổi “đồng loạt ra quân” quảng bá cho điện ảnh Việt Nam, cho Liên hoan phim quốc tế Việt Nam lần thứ nhất sẽ được tổ chức tại Hà Nội, từ ngày 17 đến 21-10-2010.

Một số trailer phim Việt Nam như Đừng đốt, Chơi vơi, Cánh đồng bất tận được chiếu giới thiệu, trình làng những nét mới của điện ảnh Việt Nam hiện đại.

Tại cuộc giao lưu, Việt Nam chính thức mời các nhà sản xuất phim trên thế giới tham gia Liên hoan phim quốc tế lần đầu tiên và đã nhận được nhiều sự quan tâm.

Nhiều tổ chức và cá nhân có uy tín trong ngành điện ảnh quốc tế đã đồng ý tham gia. Một số quan chức lãnh đạo các tổ chức điện ảnh, liên hoan phim quốc tế nhận lời tư vấn và tham gia ban cố vấn danh dự. Trong số đó có giám đốc chương trình của Liên hoan phim Busan, giám đốc điều hành Liên hoan phim Hong Kong và Asia Movie Award, tổng giám đốc điều hành UniFrance toàn cầu...

Liên hoan phim quốc tế Busan (Hàn Quốc) đã ký kết biên bản ghi nhớ về việc hợp tác chính thức với Liên hoan phim Việt Nam.

Một cuộc họp báo giới thiệu điện ảnh Việt Nam, về liên hoan phim Việt Nam được tổ chức tại Unifrance Pavilion, thu hút nhiều nhà báo chuyên về điện ảnh, giải trí như Hollywood Reporter, Screen, Variety…

+ Từng bước tạo nên đột phá

“Đầy ấn tượng” là kết quả của cuộc giao lưu, với sự góp mặt của gần 500 quan khách, các nghệ sĩ và nhà sản xuất, kinh doanh phim… cùng với đại diện nhiều Liên hoan phim quốc tế danh tiếng như Cannes, Venice, Berlin, Pusan, Roterdam, Tokyo…

Nhiều nghệ sĩ điện ảnh nước ngoài cho biết có cái nhìn mới về điện ảnh Việt Nam. Ông Jeremy Segay, đại diện Hội đồng chọn phim cho hạng mục Vinh danh Đạo diễn (Director’s Fortnight) của LHP Cannes nhận xét: “Buổi giao lưu thật sự thành công và tôi không ngờ có nhiều người đến dự như vậy. Điều này chứng tỏ có rất nhiều người quan tâm đến điện ảnh Việt Nam”.

Bà Juliane Grieb, đại diện của LHP Berlin, chia sẻ: “đây là lần đầu tiên những người hoạt động trong lĩnh vực điện ảnh thế giới có cơ hội biết đến điện ảnh Việt Nam nhiều hơn… Chúng tôi mong nhiều bộ phim Việt Nam sẽ tham dự LHP Berlin trong tương lai gần”.

Hollywood Reporter, tờ báo lớn chuyên viết về công nghiệp giải trí của Mỹ, ngày 13-5 đăng bài viết của tác giả Jonathan Landreth về sự phát triển của điện ảnh Việt Nam, nhận định thị trường điện ảnh của Việt Nam “đầy tiềm năng”, là nơi “điện ảnh đang từng bước tạo nên sự đột phá lớn".

Bài báo dẫn chứng “trong năm 2009, Việt Nam nhập hơn 150 phim và sản xuất được 10 phim với kinh phí từ 300 ngàn USD đến 1,5 triệu USD một phim. Chỉ với khoảng 100 phòng chiếu phim trên toàn quốc cho 85 triệu người nhưng bộ phim Những nụ hôn rực rỡ vẫn đạt doanh thu 1,2 triệu USD trong tháng 2.2010, vượt qua cả Avatar (thu về 1 triệu USD)".

+ “Bi, đừng sợ!”, phim Việt Nam đừng sợ!

Liên hoan phim Cannes năm 2010 diễn ra từ ngày 12 đến ngày 23-5, với sự tham gia của khoảng 10.000 nghệ sỹ, 4.000 nhà báo cùng hàng ngàn fan hâm mộ.

Các bộ phim tham gia tranh giải tại Cannes năm nay rất đa dạng, có 6 phim châu Á góp mặt trong 18 phim tranh giải Cành Cọ Vàng.

"Bi, đừng sợ!" là bộ phim Việt Nam được chọn tham dự LHP này. Đây là bộ phim đầu tay của đại diễn trẻ Phan Đăng Di. Điều này, theo lời đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn, đã “là một chiến tích lịch sử đối với điện ảnh Việt Nam”.

LHP Cannes năm nay sẽ công bố các giải thưởng vào ngày bế mạc 23-5-2010. Chưa biết bộ phim "Bi, đừng sợ!" có đoạt giải hay không, nhưng quá trình hình thành của nó phần nào cho thấy tiềm năng hội nhập của điện ảnh Việt Nam vào các LHP quốc tế.

Từ một ý tưởng được trình bày dưới dạng đề cương chi tiết, Bi, đừng sợ! đoạt giải Dự án châu Á nổi bật tại LHP Pusan năm 2007. Sau đó, kịch bản hoàn thiện tiếp tục được lựa chọn cho hạng mục L’atelier của LHP Cannes 2008.

“Bi, đừng sợ!” nhận được 10.000 USD từ Ban Quản lý dự án hỗ trợ phát triển sản xuất phim VN, 50.000 euro từ World Cinema Fund của LHP Berlin... giúp đạo diễn thực hiện bộ phim.

Trong lúc làm hậu kỳ và in tráng tại Pháp, bộ phim được các nhà phê bình của Cannes lựa chọn phim cho hạng mục Tuần phê bình quốc tế nhờ vào “những cảm giác mà câu chuyện phim mang lại“.

LHP Cannes đã 62 lần tổ chức trước đó trở thành một thương hiệu uy tín trong làng điện ảnh thế giới. Lần thứ 63 trong năm 2010 này, Cannes được các nhà điện ảnh Việt Nam tham dự theo dõi chặt chẽ, học tập kinh nghiệm cho việc tổ chức LHP đầu tiên của Việt Nam vào tháng 10 tới.

Đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn cho biết: “Nhiệm vụ của chúng tôi trong chuyến đi này là quan sát, không chỉ xem cách người ta tổ chức một buổi LHP như thế nào, mà phải quan sát cả những chi tiết nhỏ nhặt nhất từ cách ăn mặc, đi đứng, đến cách giao tiếp…”.

Giống như với “Bi, đừng sợ!”, phim Việt Nam đã không còn “sợ”, đang vươn ra thế giới. Học hỏi, hội nhập, giao tiếp, giới thiệu… điện ảnh Việt Nam đang “làm ngoại giao điện ảnh”, như một nét chấm phá mới trên những cánh hoa ngoại giao văn hoá.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét