Lần đầu tiên Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) Đông Á sẽ chính thức họp tại TpHCM trong hai ngày, từ ngày 6 đến ngày 7-6 tới.
Chủ đề chính của hội nghị là “Nâng cao vai trò lãnh đạo của châu Á”, bao gồm bốn nội dung chính: Vai trò lãnh đạo của châu Á, những rủi ro toàn cầu, Lộ trình tăng trưởng xanh của châu Á, Lộ trình tăng trưởng của châu Á trong tương lai.
Hội nghị gồm 21 phiên, gồm 5 phiên thảo luận toàn thể, 12 phiên thảo luận song song, nhiều hoạt động bên lề khác.
Khoảng 450 đại biểu, trong đó có nhiều nguyên thủ quốc gia, chính khách, học giả cùng những doanh nghiệp hàng đầu thế giới sẽ tham dự WEF lần này.
Châu Á sẽ tham gia lãnh đạo kinh tế không còn là một câu hỏi mới mẻ. Câu hỏi hiện nay là: “Châu Á sẽ lãnh đạo như thế nào?”. Các diễn giả sẽ nêu và thảo luận câu hỏi này, về vai trò lãnh đạo của châu Á trong giải quyết các vấn đề toàn cầu, về cách các nước châu Á xử lý các mối quan ngại và lợi ích để vươn lên đảm nhận trọng trách trên trường quốc tế ngày càng tăng.
Đông Á – Thái Bình Dương từ lâu đã được coi là khu vực phát triển mạnh và là một tiêu điểm tiềm năng trong tương lai. Trong khu vực này đã hình thành những yếu tố, những doanh nghiệp có khả năng phát triển mạnh mẽ trong tương lai.
Tại WEF lần này, một cuộc gặp giữa các nhà lãnh đạo trẻ và nhóm doanh nghiệp Tiềm năng Phát triển Toàn cầu (GGC) sẽ được tổ chức nhằm trao đổi các ý kiến, chia sẻ các kinh nghiệm, các mối quan tâm, tạo mối liên kết thúc đẩy phát triển trong tương lai.
Phiên làm việc “Thế hệ tài năng tiếp theo của châu Á” sẽ trao đổi về việc đào tạo và tạo điều kiện cho thế hệ trẻ phát huy tài năng đóng góp vào phát triển kinh tế, bảo đảm cho việc phát triển bền vững của khu vực trong tương lai.
Vài năm gần đây, các mối liên kết nội vùng Mekong và với các đối tác bên ngoài phát triển mạnh. Tiểu vùng Mekong đang trở thành một trong những hạt nhân hứa hẹn phát triển mạnh mẽ của ASEAN.
WEF lần này cũng dành một buổi làm việc, với sự tham gia của các nhà lãnh đạo các nước trong vùng, bàn về “vai trò lãnh đạo và tăng trưởng trong khu vực Mekong”, trao đổi về tiềm năng hợp tác, sự phối hợp đa phương và song phương.
ASEAN đang mạnh mẽ hướng tới thành lập Cộng đồng ASEAN, trước hết là cộng đồng kinh tế vào năm 2015. Nhưng ngay từ bây giờ, các cuộc thảo luận đã bắt đầu bàn đến việc lấy ASEAN làm “hạt nhân” để chuẩn bị xây dựng một cộng đồng Đông Á rộng lớn hơn.
Xây dựng thành công cộng đồng ASEAN đóng vai trò là một bước mở đường quan trọng để mở rộng ra cộng đồng Đông Á. Và điều này bắt đầu được bàn như một sự chuẩn bị các bước đi trong tương lai.
Tại các phiên họp chính thức, dự kiến một loạt các đề tài sẽ được thảo luận nhằm tìm ra các phương cách ứng xử với những thách thức đang đặt ra tại Đông Á. Chẳng hạn, vấn đề quy hoạch và quản lý các siêu đô thị; mô hình kinh doanh vì sự tăng trưởng sạch; tầm nhìn mới cho nông nghiệp châu Á; làm thế nào châu Á ứng phó với các rủi ro toàn cầu…
Bên lề WEF, các hoạt động cũng được tổ chức nhằm quảng bá, giới thiệu tiềm năng phát triển của Việt Nam:
Triển lãm “Góc nhìn Việt Nam: điểm đến lý tưởng cho cuộc sống và kinh doanh” sẽ được tổ chức từ gnafy 2 đến ngày 8-6 tại khách sạn Intercontinental Asiana.
Hội thảo “Nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam hướng tới phát triển bền vững” được tổ chức tại khách sạn Caravel ngày 5-6.
WEF được coi là “chợ ý tưởng” của các đại gia, phải mua vé (không rẻ) để được tham dự, nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng có thể tiếp cận. Việt Nam hiện có 19 doanh nghiệp thành viên WEF tham gia diễn đàn, trong đó, hai thành viên sáng lập là Petro Việt Nam và Vina Capital, 10 thành viên doanh nghiệp tiềm năng tăng trưởng toàn cầu (GGC). Điều kiện để trở thành thành viên sáng lập là doanh nghiệp phải có doanh thu trên 5 tỉ USD, và trên 100 triệu USD đối với thành viên GGC.
Việc WEF chọn TpHCM để họp lần này, ngoài việc đánh giá cao sức vươn của nền kinh tế Việt Nam, là dịp để các chuyên gia, các doanh nghiệp Việt Nam trao đổi kinh nghiệm, tìm kiếm mô hình phát triển kinh tế mới, gặp gỡ, giao lưu, thiết lập mối quan hệ hợp tác với các doanh nghiệp hàng đầu trong khu vực và trên thế giới.
WEF Đông Á là một trong 4 diễn đàn kinh tế khu vực (cùng với châu Phi, Mỹ Latinh và Trung Đông) của WEF. Diễn đàn kinh tế Thế giới về Đông Á được tổ chức hằng năm nhằm tăng cường và mở rộng quan hệ kinh tế - thương mại giữa các nước trong khu vực và giữa Đông Á với các khu vực khác trên thế giới.
Ông Sushant Rao - Trưởng bộ phận châu Á của WEF cho biết, hội nghị lần này hy vọng sẽ mang đến một cách nhìn mới về khu vực Đông Á cũng như Việt Nam.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét