Thứ Ba, 15 tháng 6, 2010

TPP – Đối tác xuyên Thái Bình Dương

Vòng đàm phán thứ hai về Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (Trans Pacific Partnership - TPP) đang diễn ra tại San Francisco, Hoa Kỳ, từ ngày 14 đến 18-6.

Ý tưởng được Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama nêu ra tại Hội nghị Thượng đỉnh APEC tại Singapore cuối năm 2009. Ngay sau đó, từ ngày 15 đến 19-3-2010, vòng đàm phán đầu tiên được khởi động tại Melbourne (Australia) giữa bốn nước Singapore, Brunei, New Zealand và Chile.

Vòng đàm phán thứ hai này với hy vọng mở rộng thêm bốn nước khác là Việt Nam, Hoa Kỳ, Australia và Peru.

TPP được coi là một cơ chế hợp tác khu vực thúc đẩy thương mại, đầu tư giữa các nước trong khu vực châu Á- Thái Bình Dương. Đó là nền tảng cho một khu vực tự do thương mại xuyên Thái Bình Dương.

+ Cơ chế xuất khẩu “rẻ hơn, dễ hơn và nhanh hơn”

Việt Nam là nước được chú ý nhất trong số 8 nước tham gia hội nghị. Các ý kiến tại các cuộc đàm phán cho rằng Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội tham gia chuỗi cung cấp toàn cầu, đưa các sản phẩm thế mạnh của Việt Nam ra thị trường thế giới.

Đổi lại, các nước TPP khác cũng có điều kiện gia tăng xuất khẩu các sản phẩm vào thị trường Việt Nam hơn 86 triệu dân.

Hoa Kỳ chú trọng mời Việt Nam, đơn giản vì với các nước khác như Singapore, Chile, Peru và Australia Hoa Kỳ đã đạt được Hiệp định Thương mại tự do (FTA), chỉ có Việt Nam chưa có cơ chế để cùng gia tăng xuất khẩu.

Phó Đại diện Thương mại Hoa Kỳ Demetrios Marantis nói với báo chí chiều 10-6 tại Hà Nội: TPP sẽ giúp loại bỏ trở ngại trong chuỗi cung, giúp các doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa vào thị trường của nhau “rẻ hơn, dễ hơn và nhanh hơn”.

Thương mại và kinh tế là hai lĩnh vực trọng tâm nổi bật trong quan hệ giữa Hoa Kỳ và Việt Nam suốt 15 năm qua kể từ khi bình thường hóa quan hệ. Ông Marantis cho rằng TPP sẽ là cơ chế giúp Hoa Kỳ và Việt Nam gắn kết thêm và tăng tính cạnh tranh của Việt Nam trong nền kinh tế thế giới.

Lợi ích của các doanh nghiệp Hoa Kỳ là rõ ràng. “Cộng đồng doanh nghiệp Hoa Kỳ rất lạc quan về triển vọng đầu tư ở Việt Nam. Cùng thời gian này, một đoàn 23 công ty của Mỹ đang có mặt tại Việt Nam để tìm hiểu môi trường đầu tư, kinh doanh theo chương trình của Hội đồng kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN. Điều này thể hiện mối quan tâm của công ty Hoa Kỳ với thị trường Việt Nam. Tôi tin TPP sẽ tạo ra hứng khởi mạnh mẽ hơn cho các doanh nghiệp Hoa Kỳ với thị trường này”, ông Marantis nói.

Hoa Kỳ hiện là thị trường quan trọng nhất của Việt Nam, ngược lại Việt Nam là thị trường lớn thứ 17 đối với các mặt hàng nông nghiệp xuất khẩu của Hoa Kỳ. Thương mại song phương Việt-Mỹ từ 1 tỷ USD năm 2001 tăng gấp 15 lần (tức 15 tỷ USD) năm 2009.

+ Sao cho cùng có lợi và cùng phát triển

Ý tưởng về một khu vực tự do thương mại xuyên Thái Bình Dương đã xuất hiện cách đây hai thập kỷ, nhưng vẫn chưa triển khai được do ưu tiên các mối quan tâm của Hoa Kỳ vẫn nằm tại các khu vực khác.

Với chính sách đối ngoại “trở lại châu Á – Thái Bình Dương”, Hoa Kỳ đang tìm cách có nhiều ảnh hưởng hơn tại khu vực này, trong đó thương mại, kinh tế là các mũi nhọn “mở đường”.

Sự trỗi dậy của các cường quốc kinh tế mới, sự liên kết giữa các thế lực kinh tế trong khu vực phát triển nhanh nhất thế giới này có khả năng làm giảm vai trò của nền kinh tế số một. Điển hình về sự lo ngại này là các sáng kiến của Nhật Bản về “Cộng đồng Đông Á” hay của Australia về “Cộng đồng Thái Bình Dương” hoặc ở tầm nhỏ hơn là “Cộng đồng ASEAN”.

Trong khi các vòng đàm phán tự do thương mại toàn cầu bế tắc, xuất hiện xu hướng các khu vực nhỏ tự làm với nhau các khu vực tự do thương mại riêng rẽ, vừa thách thức vai trò siêu cường kinh tế toàn cầu, vừa tạo điều kiện cho các cường quốc kinh tế mới nổi gia tăng sức mạnh và “hùng cứ một phương”.

Bằng nhiều hình thức và tại nhiều diễn đàn, Hoa Kỳ đang nổ lực “tạo hình ảnh mới” không phải là “lãnh đạo”, mà là “cùng làm”, bình đẳng với các nước khác.

Các nước quanh Thái Bình Dương được chọn, bởi “Hoa Kỳ là một quốc gia Thái Bình Dương", “Thái Bình Dương là "cửa ngõ" nối Hoa Kỳ với thế giới”. TPP là một cơ chế mang tính đối tác chiến lược được sáng tạo để tăng cường các mối làm ăn giữa các nước APEC vốn chỉ được coi như diễn đàn mang tính trao đổi ý kiến.

Đó là một khu vực quan trọng, nơi dân số chiếm khoảng 1/2 dân số thế giới; là khu vực có trữ lượng dầu mỏ, khí đốt rất lớn và tập trung sự trỗi dậy của nhiều nền kinh tế.

Mở ra TPP được coi là con đường ngắn nhất đưa Hoa Kỳ trở lại châu Á – Thái Bình Dương, đồng thời tạo cơ chế đẩy nhanh xuất khẩu hàng hoá của Hoa Kỳ sang thị trường này.

TPP với bản chất là thúc đẩy “làm ăn” chứ không phải liên kết chính trị quân sự, hẳn sẽ “góp phần tăng cường liên kết, hợp tác khu vực vì hòa bình và phát triển”.

Chuyện làm ăn, tính theo kiểu làm ăn, sao cho cùng có lợi và cùng phát triển. Với tinh thần ấy, Việt Nam tham gia tích cực và có trách nhiệm tại các vòng đàm phán.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét