Luật hôn nhân và gia đình Việt Nam được dịch sang tiếng Hàn, in và phát hành ở Hàn Quốc từ ngày 30-6 vừa qua và đang gây được sự chú ý tại Hàn Quốc.
Tháng 8 tới, Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng giới thiệu rộng rãi cuốn luật này tại 3 khu vực là thủ đô Seoul, thành phố Tegu và thành phố Pusan với đối tượng chính là các công ty môi giới hôn nhân quốc tế và các nam giới Hàn Quốc có ý định kết hôn với phụ nữ Việt Nam.
+ Dịch luật sang tiếng Hàn
Cuốn sách luật này được in bằng cả hai thứ tiếng Hàn và Việt, có nhiều phần tra cứu và 45 câu hỏi-đáp thường gặp.
Người dịch cuốn sách này là giáo sư Ahn Hee-wan, một chuyên gia dịch thuật, từng dịch hàng trăm văn bản pháp luật của Việt Nam sang tiếng Hàn.
Ông Park Soo-kwan, Tổng lãnh sự danh dự của Việt Nam tại Pusan-Keangnam và ông Koo Cha-yol, Lãnh sự danh dự của Việt Nam tại Incheon-Kiengki, là những người tài trợ cho việc dịch cuôn sách này.
Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc cũng mời một số giáo sư đầu ngành về tiếng Việt trợ giúp công tác dịch thuật.
+ Hỗ trợ cô dâu ngoại
Hiện có khoảng 100.000 người Việt Nam sinh sống và làm việc tại Hàn Quốc, trong đó có khoảng 33.000 người Việt lập gia đình với người Hàn.
Năm 2000, số phụ nữ Việt Nam kết hôn với nam giới Hàn Quốc chỉ là 95 trường hợp. Năm 2009 con số này đã lên đến trên 8.000.
Người Hàn Quốc vốn được cho là thuần chủng, nay ngày càng nhiều người kết hôn với người nước ngoài. Số lượng cô dâu ngoại tăng nhanh trong khi chưa hội nhập được văn hoá khiến nảy sinh nhiều vấn đề.
Nhiều địa phương và tổ chức xã hội Hàn Quốc thành lập các câu lạc bộ, giúp các cô dâu ngoại học tiếng, ẩm thực, giao lưu văn hoá để nhanh chóng hội nhập.
Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc cũng kiến nghị với chính phủ và các cơ quan chức năng của Hàn Quốc xem xét các biện pháp hỗ trợ cho các cô dâu Việt Nam đang sinh sống tại Hàn Quốc.
Tại Hàn Quốc, các nam giới lấy vợ nước ngoài chủ yếu thông qua dịch vụ môi giới. Cho đến năm 2008, luật pháp Hàn Quốc mới quy định việc hành nghề môi giới kết hôn phải đăng ký (hiện có 1.250 trung tâm môi giới có đăng ký).
Tuy vậy, các công ty môi giới hôn nhân ở Hàn Quốc còn chưa được quản lý tốt, còn nhiều lỏng lẻo, có tới 44% trung tâm không đủ năng lực để môi giới hôn nhân quốc tế.
Khi nhiều vụ bạo hành và sát hại vợ người nước ngoài, cảnh sát Hàn Quốc mới kiểm tra kỹ các trung tâm môi giới hôn nhân, truy quét các công ty không có giấy phép, cung cấp giấy chứng nhận y tế và hồ sơ hôn nhân giả, triệt phá những quảng cáo phóng đại hoặc mang tính phân biệt chủng tộc.
+ Ý nghĩa thiết thực
Tại Hàn Quốc, không ít gia đình đa chủng tộc hạnh phúc, nhưng nhiều gia đình đang bộc lộ tình trạng bất ổn.
Theo Trung tâm hỗ trợ khẩn cấp cho phụ nữ nhập cư Hàn Quốc, chỉ trong nửa đầu năm nay, đã nhận được gần 23.492 đề nghị tư vấn của các cô dâu ngoại và 14,5% trong số này liên quan đến ly hôn.
Phần lớn các cuộc gọi điện thoại đề nghị được tư vấn là của các cô dâu Việt Nam (chiếm tới 40,4%, trong khi số cô dâu Trung Quốc xin tư vấn chiếm 28,3%).
Trong vòng 3 năm gần đây, có gần 70.000 phụ nữ lấy chồng Hàn Quốc yêu cầu trung tâm giúp đỡ. Sắp tới Trung tâm, hiện tư vấn bằng 8 ngôn ngữ khác nhau và có 5 văn phòng đại diện trên toàn quốc, sẽ phải mở thêm hai chi nhánh mới để đáp ứng nhu cầu gia tăng của các cô dâu ngoại.
Việc phát hành cuốn sách luật hôn nhân gia đình Việt Nam tại Hàn Quốc trong hoàn cảnh này có ý nghĩa thiết thực.
Luật hôn nhân gia đình Việt Nam từng được một toà án tại Hoa Kỳ lấy làm căn cứ để xử một vụ án ly hôn. Đó là Tòa Thượng thẩm California vào tháng 9-2003 đã căn cứ vào luật Việt Nam để xử một vụ ly hôn giữa hai Việt kiều từng kết hôn tại Quận 5, TPHCM.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét