Thứ Sáu, 11 tháng 3, 2011

Đối phó biến đổi khí hậu: Cần sự hợp tác quốc tế rộng lớn

Đan Mạch tài trợ 45 triệu curon, tương đương 8 triệu USD, cho chương trình nghiên cứu ứng phó biến đổi khí hậu của Việt Nam. Lễ ký hiệp định gia hạn chương trình hợp tác nghiên cứu giữa Việt Nam và Đan Mạch thêm ba năm diễn ra hôm 9-3 tại Hà Nội, giữa Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam Trần Việt Thanh và Đại sứ Đan mạch John Nielsen.

Số tiền này sẽ được chi trong ba năm, từ nay đến 2013, cho các dự án về biến đổi khí hậu; tìm kiếm các giải pháp góp phần giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, đẩy mạnh đào tạo, nâng cao năng lực cán bộ nghiên cứu của Việt Nam; nâng cao hạ tầng nghiên cứu cho một số tổ chức khoa học, công nghệ trong nước.

Thông tin của phía Đan Mạch cho biết hiện Việt Nam là nước duy nhất ở châu Á được Đan Mạch triển khai chương trình này. Đại sứ Đan mạch John Nielsen cho biết: "Việt Nam là một trong những quốc gia sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất từ biến đổi khí hậu, việc hỗ trợ Việt Nam trong vấn đề này là ưu tiên cao nhất chính phủ Đan Mạch", đồng thời, “việc tiếp tục chương trình một lần nữa thể hiện sự hợp tác chặt chẽ giữa Việt Nam và Đan Mạch”.

+ Diễn tiến nhanh hơn, đòi hỏi biện pháp mạnh hơn

Việt Nam là một trong những nước có nguy cơ tai biến khí hậu lớn vì có đường bờ biển dài, dễ chịu ảnh hưởng bởi các hiện tượng nước biển xâm lấn, bão, lũ lụt...

Theo nghiên cứu của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), TPHCM nằm trong danh sách 10 thành phố bị đe doạ nhiều nhất bởi biến đổi khí hậu. Nước biển dâng, triều cường, ngập lụt diễn ra thường xuyên. TPHCM cùng với các tỉnh ĐBSCL nằm sát với mực nước biển, nhiều vùng trũng, sông ngòi dễ bị ngập mặn…Người miền tây Nam Bộ quen “sống chung với lũ”, nay cũng bị tác động tiêu cực của lũ lụt, ngập mặn, triều cường… do biến đổi khí hậu.

Ba kịch bản biến đổi khí hậu, nước biển dâng cho Việt Nam được xây dựng trên cơ sở theo từng cột mốc thập kỷ: 2020, 2030, 2040 đến năm 2100. Theo đó, những con số dự báo diện tích bị ngập lụt tương ứng gia tăng…

Tuy nhiên, diễn biến thực tế trong vài năm qua cho thấy hiện tượng nước biển dâng gây ngập lụt có vẻ diễn ra nhanh hơn kịch bản. Điều này đòi hỏi các biện pháp mạnh hơn để ứng phó với biến đổi khí hậu.

+ Hợp tác quốc tế, ứng dụng kiến thức, công nghệ hiện đại

Với kịch bản nước biển dâng một mét, khoảng 22 triệu người, tương đương một phần tư dân số Việt Nam sẽ phải di dời khỏi nơi sinh sống. Nhiều diện tích đất nông nghiệp cũng sẽ bị ảnh hưởng, mùa màng bị phá hủy nặng nề do ngập úng tại ĐBSCL..

Chiến lược ứng phó với biến đổi khí hậu được Việt Nam đề ra và triển khai trên nguyên tắc: ứng phó là trọng tâm, đồng thời đẩy mạnh ứng dụng các công nghệ mới để hạn chế phát thải gây hiệu ứng nhà kính.

Chính phủ thúc đẩy triển khai thực hiện chiến lược này, trong đó tranh thủ hỗ trợ nguồn lực và kỹ thuật từ quốc tế, phát triển nền công nghiệp xanh, sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng sạch như gió, mặt trời, đẩy nhanh tiến độ trồng rừng…

Ứng phó với biến đổi khí hậu là cuộc đấu tranh của cả thế giới, sử dụng trình độ khoa học kỹ thuật, công nghệ ngày càng cao để bảo vệ môi trường sống của loài người. Vì vậy, ứng phó với biến đổi khí hậu tại các nước đang phát triển không tách rời khỏi sự hợp tác quốc tế rộng rãi, tập trung áp dụng kiến thức, công nghệ, phương tiện hiện đại của loài người để đạt hiệu quả cao nhất.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét