Thứ Sáu, 18 tháng 2, 2011

Chiến lược ngoại giao văn hoá

Ông Phạm Sanh Châu, vụ trưởng vụ Văn hoá đối ngoại và UNESCO (bộ Ngoại giao) trò chuyện với báo SGTT về chiến lược Ngoại giao văn hoá đến năm 2020.

- Thưa ông, chiến lược Ngoại giao văn hoá đến năm 2020 vừa được Thủ tướng ký mới đây có phải là lặp lại của giai đoạn trước?

Đây là lần đầu tiên trong lịch sử ngành ngoại giao, chúng ta có một chiến lược về ngoại giao văn hoá. Chiến lược này ra đời là nỗ lực hết sức to lớn của lãnh đạo bộ Ngoại giao.

Có thể nói, chiến lược đầu tiên này đã được ngành “thai nghén” suốt bốn năm qua. Chúng tôi đã tích cực triển khai chính sách ngoại giao văn hoá cả ở trong và ngoài nước, đồng thời thu thập kinh nghiệm của các vị đại sứ các nước ở Việt Nam, cũng như đại sứ Việt Nam ở nước ngoài… để lập nên nội dung này.

- Vậy ông đánh giá như thế nào về ý nghĩa của chiến lược đầu tiên?

Trước hết phải nói là những người làm công tác ngoại giao văn hoá như chúng tôi rất vui mừng, bởi nó như một “chiếc gậy chỉ đường”. Nếu như trước đây chúng tôi làm một cách tuỳ hứng, mập mờ, có sáng kiến gì thì cứ làm, không theo bài bản gì, thì bây giờ chúng ta có một “kim chỉ nam” về đường hướng.

Thứ nữa, chiến lược mang tính quốc gia sẽ lôi kéo tất cả các ban ngành phải “vào cuộc”, từ trung ương đến địa phương, cả trong nước và ngoài nước cùng bắt tay vào làm.

- Theo ông, tại sao Chính phủ lại đưa ra chiến lược vào thời điểm này?

Việt Nam chúng ta theo đuổi nền ngoại giao toàn diện, với ba trụ cột là chính trị, kinh tế và văn hoá.

Trong khi Việt Nam đang ngày càng có vị thế trên trường quốc tế, nhờ đảm nhiệm thành công chức chủ tịch ASEAN năm 2010 vừa qua, tham gia vào Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc… thì văn hoá cũng có đóng góp rất rõ nét.

Chính ngoại giao văn hoá làm cho hình ảnh của Việt Nam đẹp đẽ hơn, dần “thoát” khỏi hình ảnh đất nước sau chiến tranh, thế giới bắt đầu biết đến những sản phẩm của Việt Nam như càphê Trung Nguyên, các di sản văn hoá vật thể và phi vật thể được UNESCO công nhận. Ngày càng nhiều người nước ngoài đến Việt Nam vì muốn khám phá nét văn hoá đặc sắc của chúng ta. Họ thích đồ ăn của Việt Nam, thích trò chuyện với những con người cởi mở…

Bên cạnh đó, tôi muốn nói rằng, trong ba trụ cột ấy, văn hoá là cái dễ thẩm thấu nhất, đối với tất cả mọi người. Vì thế, nó có tác dụng thuyết phục nhất, khiến cho Việt Nam và các nước bạn bè đến gần nhau hơn. Một nụ cười cũng là văn hoá, giới thiệu cho khách nước ngoài cầm đũa cũng là văn hoá… Đó là sức mạnh của dân tộc Việt Nam, và giờ chúng ta phải phát huy nó.

- Là một người theo sát thực tiễn của ngoại giao văn hoá trong những năm qua, ông cho rằng Việt Nam cần đạt được mục tiêu gì sau khi có chiến lược?

Nói nôm na là tôi muốn người ta phải biết Việt Nam không chỉ có tiếng đàn bầu, mà biết đến một dạng big toes chẳng hạn (nghệ thuật hiện đại từ Việt Nam), không chỉ biết đến Bùi Xuân Phái nữa, mà phải là Công Quốc Hà… Hay là những tiểu thuyết, bộ phim mới… đoạt các giải thưởng lớn.

- Vậy phải làm sao để đạt được những điều đó, thưa ông?

Chỉ có một cách là phải sáng tạo, đột phá, luôn thay đổi. Đã là văn hoá phải sáng tạo, phải thay đổi hình thức thể hiện, đối tượng biểu diễn…

Thực tế, Việt Nam có thể làm nên những hiện tượng trên thế giới. Chúng ta đã có Đặng Thái Sơn, rồi mới đây là Ngô Bảo Châu… Tôi muốn nói tới sức sáng tạo của người Việt. Vì thế, tôi không đồng tình với ý kiến Việt Nam không thể có phim đoạt giải Oscar hay Nobel Văn học…

- Được biết sắp tới ông sẽ lên đường sang Bỉ nhậm chức đại sứ, kiêm nhiệm châu Âu. Khi đó, ông sẽ triển khai chiến lược ngoại giao văn hoá ở đó như thế nào?

Quả thực vai trò mới của tôi lại là ưu tiên thúc đẩy hợp tác kinh tế. Tuy nhiên, với đam mê và kinh nghiệm của người làm văn hoá, tôi đang ấp ủ kế hoạch làm sao để người châu Âu biết nhiều về Việt Nam hơn.

Tôi sẽ sắp xếp để gặp gỡ với các sinh viên, nhóm, hội nước sở tại, chia sẻ với họ về văn hoá Việt. Hoặc là viết blog, lập Facebook hay Twitter giới thiệu về đất nước, con người Việt Nam, bằng ba thứ tiếng Anh, Pháp, Bỉ.

Mặc dù nói ngoại giao văn hoá đã giúp làm cho hình ảnh Việt Nam đẹp hơn, nhưng thực thế ở các nước lớn như châu Âu và Mỹ, mọi người vẫn ấn tượng là người Việt chiến đấu giỏi, biết làm kinh tế tốt, nhưng họ vẫn chưa biết nhiều về con người, lịch sử của chúng ta. Chúng ta phải làm sao có bản sắc riêng trong một thế giới hội nhập như hiện nay.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét