Những sắc hồng điểm thêm sắc xuân. Những lễ hội truyền thống xuân này thu hút thêm đông du khách nước ngoài. Xuân này, khách đến thăm nhà gia tăng. So với tháng Giêng năm ngoái, số du khách nước ngoài vào Việt Nam dịp này tăng thêm 8,9%, lên tới 470.000 lượt người.
Đầu xuân, người Việt chúc nhau mọi sự tốt đẹp và hay chúc vui nhau “tiền vào như nước”. Tin tức trong những ngày đầu xuân cho hay Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), cam kết cho Việt Nam vay 1 tỷ USD từ năm 2011 đến năm 2020 để phát triển hệ thống cung cấp nước.
+ Nền tảng phát triển lâu dài
Riêng ngay trong năm 2011, ADB sẽ cho Việt Nam vay một 250 triệu USD cho chương trình giảm thất thóat và lãng phí nước, nhằm giảm tỷ lệ nước sạch bị thất thóat xuống còn 15% vào năm 2025 so với 30% trong năm 2009.
Tiết kiệm và phát triển nguồn nước là chuyện trước mắt và lâu dài, chống biến đổi khí hậu, nước biển dâng, bảo đảm tương lai dài lâu.
Những tin tức về giá lương thực nhiều nơi trên thế giới khó khăn, biến động… xuất hiện trên tivi hằng ngày. Xen lẫn các tin về nhiều biện pháp đối phó, có dự báo Việt Nam, vựa lúa ĐBSCL dự kiến xuất khẩu gạo sẽ gia tăng. Tín hiệu đầu xuân đã có: ngay trong quý một này Việt Nam dự kiến sẽ xuất khẩu từ 1,6 triệu đến 1,8 triệu tấn gạo, tăng 11% so với năm ngoái.
Cuối năm ngoái, cá tra Việt Nam bị “dìm hàng”, nay được vồ vập trở lại. Những vụ kiện cáo chìm đi, riêng Hoa Kỳ năm ngoái nhập thủy sản từ Việt Nam lên tới 646,4 triệu USD, tăng 23,8% so với cùng kỳ năm trước.
Theo thống kê của Ủy Ban Thương Mại Quốc Tế Hoa Kỳ, Việt Nam đã lên hàng thứ 27 trong 221 nước đối tác xuất khẩu sang Hoa Kỳ. Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu sang Hoa Kỳ là hàng may mặc, trị giá 5,76 tỉ USD, đồ nội thất, 1,82 tỉ USD, và giày dép, 1,62 tỉ USD.
Những tín hiệu này chuyển thông điệp về một Việt Nam ổn định, có vững chắc để đối phó với biến động quốc tế và nền tảng để phát triển lâu dài.
+ Phát triển bằng công nghệ cao
Một tín hiệu mới từ TPHCM gây chú ý: Việt Nam đang dấn bước chuyển sang giai đoạn phát triển bằng công nghệ cao. Đó là sự kiện ngày 21-1 vừa qua, TPHCM cấp phép cho dự án sản xuất pin mặt trời của Tập đoàn First Solar (Hoa Kỳ) với vốn đầu tư hơn 1 tỉ USD.
Người ta chú ý dự án này là vì nó như một tín hiệu cho thấy TPHCM và Việt Nam nói chung sẽ phát triển không chỉ bằng nguyên liệu và nhân công giá rẻ mà bắt đầu quan tâm công nghệ cao, phát triển bằng “chất xám”.
Sự kiện này được móc nối với một chuyển động khác, trong lĩnh vực thu hút vốn đầu tư. Lời phát biểu của một lãnh đạo phụ trạch lĩnh vực này làm giới quan sát chú ý: Không phải thu hút FDI bằng mọi giá. Vốn rất cần, rất cần sự hợp tác của các nước, nhưng cần hơn là hiệu quả, sựhợp tác vô tư, cùng có lợi, giải ngân đúng kế hoạch và kích thích sự tăng trưởng vào những lĩnh vực được xác định là ưu tiên đúng hướng.
Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hoàng Quân nói với báo chí rằng trong thời gian tới, thành phố xác định tập trung thu hút vào các ngành có hàm lượng khoa học, công nghệ cao, có giá trị gia tăng lớn, nhằm chuyển dịch cơ cấu kinh tế của thành phố.
Tháng 1-2011, đón xuân và đón những định hướng từ Đại hội XI của Đảng, lượng FDI thu hút vào TPHCM tăng khá cao, với mức tăng 40%, số vốn đăng ký cũng tăng gấp 13,7 lần so với cùng kỳ năm trước. Chỉ tính trong 20 ngày của tháng 1-2011, đã có 14 dự án FDI được cấp phép với tổng vốn đăng ký khoảng 43 triệu USD, 6 dự án FDI khác điều chỉnh vốn, tăng 7 triệu USD.
Ban Quản lý các khu chế xuất – khu công nghiệp TPHCM (Hepza) dự kiến trong năm 2011 sẽ thu hút vốn đầu tư vào các khu công nghiệp, khu chế xuất của thành phố sẽ đạt 1,4 tỉ USD, tăng gấp đôi so với năm 2010.
+ Tích cực thu hút FDI, nhưng không bằng mọi giá
Không đơn thuần chạy theo thành tích, việc thu hút FDI năm 2011 này được nhìn trước là sẽ chỉ tương đương với năm 2010, hoặc có thể giảm đi một chút. Điều này không chỉ do các khó khăn kinh tế tại nhiều nước trên thế giới, mà có sự chủ động chọn lựa, cân nhắc ưu tiên các dự án.
Mục tiêu vốn FDI thực hiện trong năm 2011 đạt 11 - 12,5 tỷ USD, trong đó, vốn của phía nước ngoài khoảng 8 - 8,5 tỷ USD; vốn FDI đăng ký năm 2011 đạt khoảng 20 tỷ USD, chú trọng và nâng cao chất lượng các dự án FDI không chạy theo số lượng.
Trọng tâm là thu hút các dự án cơ sở hạ tầng, dự án sử dụng công nghệ cao, công nghệ sạch và có khả năng tạo ra các sản phẩm có sức cạnh tranh; các dự án sản xuất hàng xuất khẩu...
Còn cả năm để triển khai, nhưng ngay từ đầu xuân đã nhìn thấy trước các con đường, xuất hiện các tín hiệu ở đầu đường. Thuận lợi nhiều hơn khó khăn, hợp tác quốc tế đang cho thấy tín hiệu mở ra triển vọng mới trên nhiều lĩnh vực.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét