Đầu xuân Tân Mão, báo Đất Việt đăng bài phỏng vấn Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh về những thành công của ngoại giao Việt Nam trong năm 2010 và định hướng trong năm 2011:
Hỏi: Năm 2010 được đánh giá là một năm hết sức sôi động trên lĩnh vực hoạt động đối ngoại của Việt Nam, theo Thứ trưởng, thành công lớn nhất mà nước ta đạt được là gì ?
Trong những thành công lớn của ngoại giao Việt Nam năm 2010, thành tựu quan trọng nhất là Việt Nam đã hoàn thành xuất sắc vai trò Chủ tịch ASEAN, góp phần thúc đẩy đoàn kết và tăng cường hợp tác và liên kết nội khối; đẩy nhanh quá trình xây dựng cộng đồng ASEAN cũng như tăng cường quan hệ giữa Hiệp hội với các đối tác bên ngoài, khẳng định vị thế và vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực đang định hình, đồng thời xử lý tốt một số vấn đề phức tạp nảy sinh và bảo đảm hài hoà giữa lợi ích các nước ASEAN và lợi ích của ta trong các nội dung, chương trình của Hiệp hội. Bên cạnh đó, ta cũng phải kể đến những đóng góp tích cực và hiệu quả của Việt Nam tại các diễn đàn như Liên Hợp quốc, Diễn đàn Hợp tác kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương (APEC), Hội nghị Cấp cao Diễn đàn Hợp tác Á – Âu (ASEM), Hội nghị Thượng đỉnh G-20, Uỷ hội Sông Mê-công quốc tế (MRC), tổ chức các Hội nghị lớn tại Việt Nam như Diễn đàn kinh tế thế giới về Đông Á, Hội thảo quốc tế Việt Nam - Châu Phi lần thứ 2..., góp phần tích cực vào nỗ lực toàn cầu để giải quyết các vấn đề an ninh và giải trừ quân bị hạt nhân, hồi phục kinh tế quốc tế, phòng chống tội phạm, biến đổi khí hậu, phát triển bền vững... Qua đây, hình ảnh Việt Nam là một thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, chủ động và tích cực tham gia đóng góp vào các công việc chung của nhân loại đã được khẳng định.
Về ngoại giao song phương, trong năm 2010, ta tiếp tục đưa quan hệ của Việt Nam với các nước láng giềng và khu vực, các đối tác chiến lược, đối tác quan trọng cũng như các nước bạn bè truyền thống đi vào chiều sâu và mở rộng hợp tác sang nhiều lĩnh vực, nhất là kinh tế, đồng thời thiết lập thêm khuôn khổ quan hệ đối tác chiến lược với nhiều nước khác. Các mối quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện với Trung Quốc, quan hệ hữu nghị, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện với Lào, quan hệ “láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài” với Campuchia tiếp tục được tăng cường và phát triển mạnh và đạt được nhiều kết quả cụ thể, thiết thực. Với các nước lớn và các trung tâm kinh tế lớn, ta đã thúc đẩy quan hệ với Mỹ phát triển theo hướng xây dựng “đối tác hữu nghị, tích cực, xây dựng, hợp tác nhiều mặt, trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau và hai bên cùng có lợi”. Ta cũng tiếp tục đưa quan hệ đối tác chiến lược Việt – Nga đi vào chiều sâu; phối hợp với Nhật tích cực triển khai các nội dung quan hệ đối tác chiến lược; xây dựng khuôn khổ mới cho việc phát triển toàn diện và sâu rộng quan hệ Việt Nam – EU; nâng cấp quan hệ chiến lược với Anh, Tây Ban Nha.
Ngoại giao kinh tế được triển khai năng động và hiệu quả, góp phần tranh thủ các nguồn lực cho đất nước trong bối cảnh kinh tế thế giới tiếp tục gặp khó khăn. Trong bối cảnh kinh tế thế giới nhiều khó khăn, chúng ta vẫn đạt được các con số về kinh tế đối ngoại đầy ấn tượng như tốc độ tăng trưởng đạt 6,7%, kim ngạch xuất nhập khẩu trong năm 2010 là 171,38 tỷ USD, cam kết viện trợ ODA cho Việt Nam năm 2011 đạt mức 7,88 tỷ USD.
Ngoại giao văn hóa năm 2010 đã tích cực quảng bá hình ảnh đất nước Việt Nam trong các sự kiện lớn của đất nước. Đáng chú ý, trong dịp Đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới.
Công tác vận động người Việt Nam ở nước ngoài tiếp tục được đổi mới, thu hút bà con hướng về quê hương. Công tác bảo hộ công dân, cứu nạn người, tàu thuyền trên biển và tại nước ngoài luôn được chú trọng.
Công tác đấu tranh trong lĩnh vực dân chủ, nhân quyền, tôn giáo được triển khai chủ động, hiệu quả. Ta duy trì tốt các kênh đối thoại với nhiều nước và tổ chức quốc tế, thường xuyên cung cấp thông tin về thành tựu của ta trong lĩnh vực này; tuyên truyền, phổ biến kiến thức về dân chủ, nhân quyền; tích cực đóng góp cho hoạt động nhân quyền tại các diễn đàn khu vực và quốc tế như Hội đồng Nhân quyền và Uỷ ban về các vấn đề xã hội của LHQ, Uỷ ban liên chính phủ về nhân quyền của ASEAN, qua đó đề cao thiện chí, sự cởi mở của Việt Nam, làm thất bại các âm mưu và hoạt động kích động, vu cáo của các lực lượng thù địch, chống đối.
Trong năm 2010 đã có 31 chuyến thăm của Lãnh đạo Cấp cao Đảng và Nhà nước, 63 chuyến thăm của các vị lãnh đạo khác (Uỷ viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Phó Thủ tướng, Phó Chủ tịch Quốc hội) thăm cấp Nhà nước, thăm chính thức, thăm làm việc song phương các nước và tham dự các hội nghị, diễn đàn quốc tế. Cùng thời gian trên, đã có 81 đoàn Lãnh đạo các nước (nguyên thủ quốc gia, người đứng đầu Chính phủ, Phó Thủ tướng, Chủ tịch, Phó Chủ tịch Quốc hội, thành viên Hoàng gia) thăm cấp Nhà nước, thăm chính thức và làm việc song phương và tham dự các hội nghị quốc tế tại Việt Nam (trong đó có Hội nghị Cấp cao ASEAN 16, Cấp cao ASEAN 17 và Đại Hội đồng Liên nghị viện ASEAN AIPA 31).
Có được những thành quả trên là do chúng ta đã phát huy được sức mạnh tổng hợp của ngoại giao toàn diện với sự tham gia tích cực, chủ động, hiệu quả và thiết thực của các kênh đối ngoại của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, quốc phòng - an ninh, các Bộ, ngành, địa phương cũng như các đoàn thể quần chúng dưới sự lãnh đạo và chỉ đạo kịp thời, sáng suốt của Đảng ta.
Phát huy các kết quả đã đạt được trong năm 2010, để tăng cường chủ động hội nhập quốc tế trên tất cả các lĩnh vực, Việt Nam, cụ thể là Bộ Ngoại giao sẽ có những chủ trương, biện pháp như thế nào trong năm 2011?
Trong những năm qua, chúng ta đã chủ động hội nhập kinh tế quốc tế cũng như trên các lĩnh vực khác và đã được những thành tựu rất quan trọng. Ta hiện có quan hệ ngoại giao với 179 quốc gia trên thế giới, là thành viên của hơn 70 tổ chức, diễn đàn khu vực và quốc tế trong tất cả các lĩnh vực. Trong những năm gần đây, Việt Nam đã tham gia ngày càng tích cực vào các công việc của ASEAN, ASEM, APEC, WTO, đảm đương thành công vai trò Ủy viên không thường trực HĐBA LHQ nhiệm kỳ 2008-2009 và Chủ tịch ASEAN năm 2010. Trong năm 2010, Việt Nam đã chính thức tham gia quá trình đàm phán về Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP); ký tắt Hiệp định Đối tác và Hợp tác (PCA) với Liên minh Châu Âu và chuẩn bị khởi động đàm phán về Khu vực mậu dịch tự do với EU.
Những thành tựu đó đã góp phần tạo dựng và duy trì môi trường hòa bình, ổn định thuận lợi cho phát triển, đồng thời đóng góp trực tiếp vào quá trình nâng cao sức mạnh tổng hợp của đất nước. Hội nhập đã tranh thủ nguồn lực bên ngoài rất quan trọng cho công cuộc xây đựng đất nước. Đồng thời, việc chúng ta tham gia tích cực vào việc giải quyết các vấn đề chung của cộng đồng quốc tế, đóng góp vào quá trình xây dựng luật lệ và các chuẩn mực quốc tế đã và đang góp phần bảo đảm hòa bình và an ninh cho chính mình.
Từ hội nhập kinh tế, việc chúng ta mở rộng sang hội nhập trên các lĩnh vực khác là một tiến trình tất yếu. Để phát triển, nước ta không thể đứng ngoài quá trình toàn cầu hóa mà phải chủ động và tích cực hội nhập kinh tế quốc tế, đồng thời mở rộng hợp tác quốc tế trên nhiều lĩnh vực khác theo tinh thần phát huy tối đa nội lực, nâng cao hiệu quả hợp tác, bảo đảm độc lập tự chủ và định hướng xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích dân tộc, an ninh quốc gia, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc và bảo vệ môi trường. Năm 2011 là năm đầu tiên chúng ta triển khai đường lối của Đại hội XI về Đối ngoại, chúng ta sẽ xây dựng Chiến lược tổng thể hội nhập quốc tế đến năm 2020 với những nội hàm cụ thể trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, quốc phòng, an ninh, văn hóa xã hội nhằm tạo nên hiệu quả tổng hợp đối với tiến trình hội nhập của đất nước. Trước bối cảnh đó, Bộ Ngoại giao sẽ nỗ lực triển khai nền ngoại giao toàn diện với 3 trụ cột là: ngoại giao chính trị, ngoại giao kinh tế, ngoại giao văn hóa và công tác người Việt Nam ở nước ngoài. Bên cạnh đó, Bộ Ngoại giao cũng sẽ phối hợp với các Bộ ngành liên quan khác để phát triển cả về chiều rộng và chiều sâu các hoạt động đối ngoại quốc phòng và an ninh.
Thứ trưởng đánh giá như thế nào về kết quả hoạt động đối ngoại phục vụ thực hiện các mục tiêu kinh tế, xã hội trong năm 2010 khi trên thực tế, kinh tế Việt Nam đã đứng vững trước cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu vừa qua?
Trong bối cảnh quá trình phục hồi kinh tế thế giới còn gặp nhiều khó khăn, ngành Ngoại giao đã xác định nhiệm vụ phục vụ phát triển là trọng tâm hàng đầu. Nội dung kinh tế đã được lồng ghép trong các chuyến thăm cấp cao của Lãnh đạo Đảng và Nhà nước, trong các hoạt động đối ngoại lớn của đất nước. Với phương châm "đột phá - mở đường; tham mưu, cung cấp thông tin; song hành, hỗ trợ; đôn đốc triển khai", ngành ngoại giao đã thúc đẩy hoạt động phục vụ phát triển kinh tế một cách bài bản, có trọng tâm, trọng điểm và với 4 nội hàm cơ bản là: (i) Cung cấp thông tin, tham mưu về các vấn đề kinh tế quốc tế; (ii) Đột phá, mở quan hệ với các nước đối tác và các tổ chức quốc tế; (iii) Đồng hành, hỗ trợ các ngành, địa phương, doanh nghiệp trong hợp tác quốc tế, mở rộng thị trường, khai thác các nguồn vốn bên ngoài và hỗ trợ xử lý các tranh chấp kinh tế - thương mại; (iv) Đôn đốc thực hiện các cam kết, thoả thuận kinh tế với các đối tác quốc tế.
Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, nhưng trong năm 2010, kinh tế Việt Nam đã vượt qua khủng hoảng, tốc độ tăng trưởng đạt 6,78%, xuất khẩu tăng 25,5%. Trong năm 2011 cũng như trong những năm tới, ta cần tiếp tục duy trì đà phục hồi, kết hợp giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô với việc khởi động mạnh mẽ quá trình tái cấu trúc nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, cải cách khối doanh nghiệp Nhà nước nhằm đảm bảo tăng trưởng bền vững và có chất lượng hơn.
Về phần mình, ngành ngoại giao sẽ tích cực đóng góp vào việc xây dựng chiến lược tổng thể về hội nhập quốc tế, tham gia chủ động, tích cực vào các cơ chế hợp tác kinh tế khu vực và liên khu vực; mở rộng đầu tư, thị trường xuất khẩu, lao động, du lịch; củng cố các cơ chế chỉ đạo và triển khai các thỏa thuận quốc tế; vận động các nước công nhận quy chế kinh tế thị trường cho Việt Nam và phối hợp đấu tranh bảo vệ lợi ích chính đáng của Việt Nam trong các vụ tranh chấp thương mại... nhằm góp phần vào việc tháo gỡ khó khăn kinh tế, duy trì đà phục hồi và phát triển bền vững của đất nước.
Theo báo Đất Việt
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét