Thứ Năm, 27 tháng 10, 2011

Phim đối ngoại, nên như thế nào?

Nên xác định rõ đối tượng phục vụ. Phim làm cho ai xem, mục đích sử dụng? Cần xác định rõ, cụ thể để tập trung làm mới hiệu quả.

Mỗi đối tượng này, có nhu cầu khác nhau, cần làm khác nhau mới hiệu quả. Nếu làm chung, cần có cơ cấu đáp ứng nhu cầu chung mà không quá sa đà.

Phương pháp thể hiện. Đối tượng là nước ngoài, tư duy tiếp nhận thông tin kiểu hiện đại, nên cách làm cần đi bám sát tư duy này. “Phong cách hiện đại, tiết tấu nhanh, dùng đồ hoạ nâng cao hiệu ứng…” là rất đúng.

Tuy nhiên:
Độ dài 15 phút là rất dài đối với loại phim quảng bá, mời gọi đầu tư, giới thiệu tiềm năng… Điều này không chỉ liên quan chi phí sản xuất, mà cái chính là không tập trung, dàn trải.

Cơ hội sử dụng đĩa DVD này trong các hội nghị, hội thảo, các cuộc họp đông… hầu như không có.

Làm tài liệu cho phim ảnh tuyên truyền tại nước bạn khó, càng gây ngại nếu mất nhiều công sức sàng lọc, chọn.

Làm tài liệu nghiên cứu cho các tổ chức, chuyên gia thị trường, lại cần đáp ứng các nhu cầu cụ thể, sâu trong từng lĩnh vực.

Vì vậy, phim cần ngắn gọn, tạo ấn tượng, giới thiệu tập trung những mục tiêu được xác định rõ.

Cần tránh bố cục “cổ điển” theo kiểu ta, mòn, dễ dãi, lề rề, kể bắt đầu từ lịch sử ngày xửa ngày xưa, khó đúng với tiêu chí “phong cách hiện đại, tiết tấu nhanh…”.

Người xem là “Tây” không khoái kiểu lề rề, hơi tý phải bắt đầu kể chuyện lần lượt từ ngày xưa này, cái người ta không có thì giờ và không nhẫn nại, muốn đến thẳng mục đích, muốn biết ngay cái cần biết…

Vì vậy, bố cục nên phục vụ đúng đối tượng: đi thẳng vào vấn đề, nêu bật ngay thông tin cần truyền đạt, gãi ngay đúng chỗ họ ngứa…

Để có chiều sâu và thông tin so sánh, phần lịch sử, địa lý… cần xé lẻ, pha trộn với các thông tin mới theo chiều dọc từng lĩnh vực, chứ không bố cục kiểu cũ là làm một cục lịch sử rồi một cục ngày nay, vừa không so sánh được lĩnh vực họ cần, vừa không tạo được sự thu hút, gây ấn tượng theo lý thuyết truyền thông…

+ Sắp xếp các ưu tiên

Kêu gọi hợp tác đầu tư của nước ngoài theo định hướng phát triển của thành phố trong tương lai dài, kết hợp với hiện tại.

Trong phần TPHCM ngày nay, dự thảo nêu các phần: quan hệ quốc tế, đầu tư nước ngoài, xuất khẩu, thương mại dịch vụ, tài chính ngân hàng, văn hoá du lịch. Các sắp xếp này chưa nêu bật được thế mạnh và xu hướng, chưa thể hiện ưu tiên của thành phố…

Trong tương lai, TPHCM không phải là một công xưởng, mà là một trung tâm kinh tế mềm, đầu mối dịch vụ thương mại, xuất nhập khẩu và hướng tới một trung tâm tài chính, ngân hàng tầm khu vực như Singapore, Hongkong, Bangkok, Kuala Lumpur…

Mục tiêu mũi nhọn này cần được hỗ trợ, thúc đẩy, nêu bật để kêu gọi đầu tư. Nó sẽ kéo theo các lĩnh vực khác như trung tâm giao lưu quốc tế, văn hoá, du lịch…

Đáp ứng nhu cầu thông tin của nhà đầu tư nước ngoài. Lời kêu gọi đầu tư tốt nhất không phải là kêu lên Hãy đến với chúng tôi… mà là bản thân thông tin họ cần.

Thông thường, tìm hiểu thị trường mới, nhà đầu tư cần biết chính sách (nên có phỏng vấn ngắn lãnh đạo thành phố, nói ngắn, rõ, trực tiếp chính sách), môi trường (hạ tầng giao thông [ nên quay các công trình mới có ý nghĩa như Đại lộ Đông Tây, hầm Thủ Thiêm, cầu Phú Mỹ, các cảng, sân bay, kho vận…], tiềm năng nhân lực [tay nghề, đào tạo, sức trẻ, kỹ năng, khát vọng…] năng lực thị trường và liên kết…)

+ Gắn với liên kết vùng

Nêu bật Việt Nam, TPHCM là quốc gia biển, thành phố gắn với biển, có lợi thế rất lớn về đường biển và kết nối giữa biển với đường không, đường sắt, bộ, cùng phát triển trong hệ thống ASEAN (đường xuyên Á, đường sắt Singapore – Côn Minh, liên Đông Dương, đường thuỷ Mê kông, đường hàng không quốc tế và khu vực…)

Cộng đồng ASEAN, trước mắt tới năm 2015 là cộng đồng kinh tế, tiến tới thị trường chung. Nằm trong khu vực phát triển kinh tế năng động, một trung tâm thuận tiện các quan hệ hợp tác kinh tế, cả khu vực châu Á- TBD.

+ Các lĩnh vực mới

TPHCM năng động, giao lưu quốc tế rộng, là trung tâm KHKT và công nghệ mới. Là nơi nghiên cứu, triển khai, áp dụng KHKT, phục vụ các nhu cầu mới.

Hầm qua sông, cầu treo, điện mặt trời, điện gió, hạt nhân, xử lý rác thải, công nghệ cho môi trường xanh, chống biến đổi khí hậu cho cả khu vực Nam Bộ.

TPHCM đang chuyển, không thu hút đầu tư bằng mọi giá, không chạy theo thành tích đầu tư mà hoan nghênh đầu tư công nghệ cao.

Các khu công nghệ cao đang được lên kế hoạch xây dựng thêm, loại bỏ công nghiệp gây ô nhiễm…

TPHCM đi đầu phát triển xanh, hướng tới phát triển kinh tế với hàm lượng tri thức cao.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét