Một biểu hiện mới về việc Việt Nam hợp tác với các nước trên nhiều lĩnh vực vừa diễn ra: Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam (VAST) và Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) vừa ký hôm 5-12 tuyên bố chung về hợp tác hàng không và vũ trụ dân dụng.
Theo văn bản này, hai bên thỏa thuận về ứng dụng công nghệ vũ trụ nhằm phát triển kinh tế xã hội, cảnh báo thảm họa thiên tai, biến đổi khí hậu…
Đây là lần đầu tiên VAST và NASA ký thỏa thuận sau hơn 2 năm đàm phán, là cơ hội mở ra những triển vọng hợp tác trong lĩnh vực hàng không và vũ trụ còn mới mẻ nhưng phát triển nhanh ở Việt Nam.
Dự kiến, cuối năm 2012, chương trình nghiên cứu biến đổi khí hậu ở 10 nước ASEAN sẽ thực hiện bằng các dữ liệu vệ tinh với sự giúp đỡ của NASA.
NASA từng hợp tác với các nhà khoa học tại Việt Nam. NASA Ames Research Center và Trung tâm R&D thuộc Khu Công nghệ cao TPHCM ký thỏa thuận hợp tác về việc ứng dụng sản phẩm carbon nano tube do Trung tâm R&D sản xuất vào các lĩnh vực mũi nhọn của NASA, cụ thể là sản xuất đầu đọc của kính hiển vi điện tử có độ phân giải nguyên tử (AFM tips).
NASA cũng hợp tác để triển khai công nghệ nano composite của VN vào việc sản xuất vỏ phi thuyền vũ trụ. NASA đã chọn sản phẩm carbon nano tube của VN sản xuất nhờ các tính năng đồng đều, không nhiễm bẩn, rẻ hơn so với các sản phẩm của Nhật Bản, Trung Quốc...
Với thoả thuận vừa ký, việc hợp tác giữa NASA và các cơ quan khoa học tại Việt Nam sẽ phát triển nhanh chóng.
Tại NASA có nhiều nhà khoa học gốc Việt, Chỉ riêng Trung tâm nghiên cứu Ames của NASA ở bang California, hiện đã có khoảng 100 chuyên gia người Việt.
Một phi hành gia gốc Việt từng bay trên tàu vũ trụ con thoi Columbia năm 1992. Đó là TS. Vật lý Thiên văn Eugene H. Trinh, tên Việt là Trịnh Hữu Châu, sinh tại Sài Gòn năm 1950, làm việc tại Phòng thí nghiệm sức đẩy phản lực (JPL) của NASA.
Nhiều chuyên gia nổi tiếng khác như cặp vợ tiến sĩ Trịnh Diệp- Trịnh Hữu, cùng làm việc cho NASA hơn 20 năm qua, đạt được nhiều thành tựu được tôn vinh…
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét