Hơn 500 người Việt ở nước ngoài về quê ăn Tết đã đến dự buổi gặp mặt kiều bào xuân Nhâm Thìn tại Hội trường TPHCM hôm 7-1.
Cuộc gặp mặt truyền thống, do Hội liên lạc người Việt Nam ở nước ngoài TPHCM tổ chức, năm nay có chủ đề “Kiều bào - Cầu nối thương hiệu Việt”.
Chào mừng Việt kiều về ăn Tết Nhâm Thìn, lãnh đạo TPHCM chúc bà con đón Tết vui tươi, đầm ấm, và bày tỏ mong muốn kiều bào phát huy vai trò là cầu nối giữa Việt Nam với các nước trên thế giới, góp phần phát triển TPHCM và cả nước nói chung.
Tại cuộc gặp các đại biểu Việt kiều trao đổi kinh nghiệm xây dựng thương hiệu, tăng cường khả năng quản lý, thích ứng thị trường, tìm kiếm cơ hội làm ăn, thúc đầy sự hợp tác giữa Việt Nam với các nước, nhất là trong các lĩnh vực bà con có thế mạnh.
Chương trình giao lưu ”Xuân hội ngộ” được tổ chức tại Cung văn hóa lao động TPHCM sáng 8-1. Ba gương mặt Việt kiều tiêu biểu đã tham gia giao lưu.
Đó là tiến sỹ Cái Việt Anh Dũng, hiện công tác tại Khu công nghệ cao TPHCM, từng 10 năm học tại Pháp, chuyên ngành Robotics, robot phục hồi chức năng cho khớp gối. Anh Dũng bày tỏ mong muốn đóng góp để đất nước phát triển.
Chị Nguyễn Hữu Thiên Nga, tức Tian Nguyễn, thiết thực giới thiệu văn hóa Việt Nam thông qua âm nhạc dân tộc khi định cư ở Canada. Với việc thành lập câu lạc bộ văn nghệ Lạc Việt tại Canada, chị giới thiệu, truyền bá âm nhạc dân tộc, biểu diễn phục vụ cộng đồng tại Mỹ và Canada, dưới sự dìu dắt của GSTS Trần Văn Khê.
Hai năm trở lại đây, chị Thiên Nga về TPHCM mở tổ chức nhiều hoạt động giao lưu văn hóa mang đậm bản sắc dân tộc. Chị còn tổ chức nhiều chương trình từ thiện, chia sẻ với nạn nhân bị nhiễm chất độc màu da cam, các trường hợp mắc bệnh hiểm nghèo…
Tiến sĩ Nguyễn Dụng Tài, định cư ở Mỹ từ những năm 1979 khi mới 13 tuổi. Từ năm 2005 anh đầu tư vào Việt Nam thành lập công ty công nghệ Việt tại quận Thủ Đức, đồng thời làm giám đốc phòng thí nghiệm trung tâm nghiên cứu phát triển thuộc khu công nghệ cao TPHCM.
Cuộc giao lưu giữa các trí thức, doanh nhân Việt Kiều với các đồng nghiệp trong nước, gắn bó thêm tình cảm cộng đồng, mở ra các cơ hội trao đổi kinh nghiệm, chuyển giao kiến thức và hợp tác giữa các doanh nghiệp.
Theo thống kê, hiện có hơn 2800 kiều bào các nước đầu tư vào Việt Nam, trong đó có 400 trí thức kiều bào về hợp tác nghiên cứu, giảng dạy tại các cơ sở nghiên cứu, viện, trường...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét