Thứ Hai, 14 tháng 1, 2013

Thương mại đường biên Việt Nam- Campuchia: Rất sôi động, liên tục gia tăng


Thương mại biên giới giữa Việt Nam và Campuchia liên tục gia tăng, năm 2012 ước đạt 3,1 tỷ USD, theo thống kê tại Hội nghị hợp tác thương mại biên giới Việt Nam- Campuchia lần thứ 5, khai mạc ngày 9-1-2013 tại Bình Phước.

Đây là mức tăng mới trong xu hướng tăng trung bình 23%/năm của giai đoạn 2001 – 2011, từ 169 triệu USD năm 2001 lên 2,83 tỷ USD năm 2011 và 2012 đạt khoảng 3,1 tỷ USD.

Rất sôi động là nhận xét về các hoạt động thương mại vùng biên này. Kim ngạch xuất nhập khẩu biên mậu của 10 tỉnh biên giới của Việt Nam giáp với Campuchia tăng rất mạnh qua các năm, bình quân tăng 30,82%/năm.

Hai nước có hơn 1.000 km đường biên giới chung; 9 tỉnh Campuchia giới giáp với 10 tỉnh Việt Nam, 10 cửa khẩu quốc tế, 12 cửa khẩu quốc gia, có 25 cửa khẩu phụ và nhiều đường mòn, địa hình bằng phẳng, kênh rạch tốt, đi lại thuận tiện…

Các thuận lợi về vị trí địa lý được Khai thác và phát huy. Toàn tuyến biên giới phía Việt Nam có 140 chợ, trong đó có 97 chợ biên giới, 6 chợ cửa khẩu, 37 chợ trong khu kinh tế cửa khẩu.

Nhiều thoả thuận giữa hai nước tạo thuận lợi, giúp thương mại đường biên phát triển. Hai bên cũng xây dựng một số cơ chế hợp tác về kinh tế, văn hóa, khoa học - kỹ thuật; Hội nghị hợp tác và phát triển các tỉnh biên giới; Hội nghị xúc tiến đầu tư, Hội nghị về phát triển thương mại khu vực biên giới. Hàng năm, Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Thương mại Campuchia phối hợp tổ chức Hội nghị Hợp tác phát triển thương mại biên giới.

Các cơ chế hợp tác này tạo điều kiện thuận lợi cho các Bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp hai nước ngày càng chặt chẽ, góp phần thúc đẩy quan hệ kinh tế, thương mại giữa hai nước.

Nhiều chương trình, dự án, cải tiến thủ tục được thực hiện nhằm thúc đẩy biên mậu. Hai bên hoàn chỉnh Dự án Xây dựng chợ biên giới tại Khu kinh tế đặc biệt Thary Kampong Cham  (Campuchia), khởi công xây dựng từ năm 2012, phê duyệt Quy hoạch phát triển mạng lưới chợ biên giới đến năm 2020…

Các thủ tục hành chính được cải thiện, tạo, hạ tầng thương mại được quan tâm đầu tư, nâng cấp; công tác chống buôn lậu được địa phương phối hợp ngăn chặn hiệu quả.

Hội nghị tại Bình Phước cũng bàn, đề xuất xây dựng chương trình, dự án hợp tác nhằm thúc đẩy phát triển thương mại biên giới hai nước trong thời gian tới.

Hai bên thống nhất lập Quy hoạch phát triển mạng lưới chợ biên giới VN - CPC đến năm 2020, bàn và thống nhất mức thuế dành cho dân cư vùng biên, nghiên cứu giờ mở cửa cửa khẩu dài hơn, đến 22h thay vì đến 17h như hiện nay, nâng cấp các cửa khẩu phụ thành cửa khẩu quốc gia…

Thương mại vùng biên phát triển tạo điều kiện xoá đói giảm nghèo, nâng cao đời sống dân cư vùng biên, góp phần bảo đảm an ninh, trật tự biên giới, xây dựng biên giới hoà bình, hữu nghị, ổn định lâu dài.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét