Thứ Tư, 25 tháng 11, 2009

BIT - Lộ trình từ giao thương tới đầu tư

Phiên đàm phán thứ 3 về Hiệp định đầu tư song phương (BIT) giữa Việt Nam và Hoa Kỳ vừa kết thúc tại thủ đô Washington D.C, từ ngày 17 đến 19-11-2009.

Sau hai phiên đàm phán trước, lần này hai bên đi dần vào những điều cụ thể hơn, tiếp tục rà soát, trao đổi ý kiến về các điều khoản cụ thể, tính khả thi, xác định rõ hơn mối quan tâm của mỗi bên...

+ Thực thi điều 13

Dự thảo BIT, do phía Hoa Kỳ đề xuất, được hai bên làm rõ thêm và giải thích cụ thể hơn về mục đích và yêu cầu của mình, nhất là về các quy định liên quan các vấn đề chuyển tiền, dịch vụ tài chính, các biện pháp bảo lưu, tiêu chuẩn đối xử tối thiểu, xây dựng và công bố các luật liên quan đầu tư, tước quyền sở hữu, cơ chế giải quyết tranh chấp, mối quan hệ với các hiệp định và thỏa thuận quốc tế hiện tại và trong tương lai...

Trước đó, phiên đàm phán thứ hai diễn ta tại Hà Nội vào tháng 6-2009. Phiên thứ tư hiện được đề xuất sẽ diễn ra tại Hà Nội vào đầu năm 2010.

BIT là một mục tiêu được ghi trong điều 13 của Hiệp định thương mại song phương Việt-Mỹ (BTA) được ký ngày 13-7-2000: "Đàm phán về Hiệp định đầu tư song phương trong tương lai".

Sau 20 năm quan hệ bị gián đoạn và đầy khó khăn, ngày 11-7-1995 Tổng thống Hoa Kỳ lúc đó là B. Clinton tuyên bố bình thường hoá quan hệ ngoại giao chính thức với Việt Nam. Tuy nhiên, theo luật của Hoa Kỳ, các nước đang trong thời kỳ chuyển tiếp như Việt Nam không thể được trao quy chế Quan hệ Thương mại Bình thường nếu không có BTA.

BTA nhằm đảm bảo cơ sở pháp lý cho thương mại song phương, kích thích và làm gia tăng thương mại, cho dù quan hệ trong các lĩnh vực khác chưa theo kịp.

Sau khi ký BTA, quan hệ thương mại kinh tế giữa hai nước gia tăng và nhanh chóng tạo ra nền tảng để bảo đảm đầu tư chiều sâu và lâu dài. Nhu cầu về BIT nóng lên. Bảy năm sau ngày ký BTA, phiên đàm phán đầu tiên về BIT diễn ta tại Washington từ ngày 15 đến 18-12-2008, chỉ nửa năm sau chuyến Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thăm Hoa Kỳ.

Đó là ngày 24-6-2008, tại Nhà Trắng, Tổng thống Hoa Kỳ lúc đó là G.W. Bush và Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng cùng tuyên bố hai bên sẽ khởi động đàm phán BIT.

Đàm phán BIT được sắp lộ trình trong bối cảnh hai bên nhất trí đẩy quan hệ kinh tế, thương mại và đầu tư trở thành nền tảng và động lực trong quan hệ hữu nghị và hợp tác Việt - Mỹ và đưa mối quan hệ này lên tầm cao mới.

+ Mong muốn đẩy nhanh tiến trình đàm phán BIT

Bà Susan Schwab, nhận xét vào cuối năm 2007 với tư cách là Đại diện Thương mại Hoa Kỳ lúc đó: khi được ký, BIT "sẽ cung cấp cho các nhà đầu tư Hoa Kỳ những bảo vệ quan trọng về mặt pháp lý và giúp tiến vào thị trường một cách dễ dàng để đạt được những lợi ích trực tiếp và gián tiếp".

Ông Daniel M. Price, Trợ lý Tổng thống kiêm Phó Cố vấn An ninh Quốc gia về Kinh tế Đối ngoại Hoa Kỳ, nói với báo chí tại Hà Nội vào tháng 3-2008: "sẽ phát đi tín hiệu về sự cởi mở của Việt Nam đối với đầu tư nước ngoài và những cải cách trong nước ấn tượng mà Việt Nam đã tiến hành trong những năm gần đây, và cho thấy những cải cách này là nghiêm túc và lâu bền".

Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Michael W.Michalak nói vào tháng 8-2008: "BIT sẽ mang lại sự bảo vệ về pháp lý của hai nước lên một tầm cao mới. Chúng tôi thường gọi là các tiêu chuẩn “vàng” hay tiêu chuẩn quốc tế tốt nhất, giúp bảo vệ cho công tác đầu tư của hai nước. Như vậy, mỗi khi nhà đầu tư cảm thấy đáng tin cậy hơn và an toàn hơn, họ sẽ đầu tư nhiều hơn. Vì vậy, tôi cho rằng với BIT chắc chắn Việt Nam sẽ thu hút được nhiều đầu tư hơn nữa".

Trước đó, trong chuyến thăm Hoa Kỳ lần đầu tiên của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, lúc 11h30 sáng 21-6-2007, Việt Nam và Hoa Kỳ ký Hiệp định khung về Thương mại và Đầu tư (TIFA), một hiệp định được xem là bước tiếp theo của BTA và là một cộc mốc hợp tác song phương mới trong quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ.

Thực hiện hiệp định khung này, hai bên thành lập Hội đồng TIFA do lãnh đạo cấp Bộ trưởng mỗi bên làm đồng chủ tịch nhằm theo dõi, giám sát và tìm ra các cơ hội mới phát triển quan hệ thương mại và đầu tư giữa hai nước; xem xét các vấn đề thương mại và đầu tư mà hai bên cùng quan tâm; tìm biện pháp giải quyết các vướng mắc trong quan hệ kinh tế - thương mại song phương...

Cuộc họp đầu tiên Hội đồng TIFA diễn ra ở Washington tháng 12-2007, cuộc họp thứ hai tại Hà Nội tháng 3-2008 đẩy mạnh các cuộc thảo luận về một loạt các vấn đề đầu tư, thương mại và thực thi các cam kết WTO.

Nhân hội nghị Bộ trưởng Thương mại APEC tại Singapore, ngày 22-7-2009, đại diện Chính phủ Việt Nam và Hoa Kỳ họp phiên thường niên cấp bộ trưởng, trong đó có việc bày tỏ mong muốn đẩy nhanh đàm phán BIT.

BIT được kỳ vọng sẽ tạo nền tảng vững chắc cho đầu tư của Hoa Kỳ tại Việt Nam bằng cách đặt quan hệ đầu tư song phương lên tầm của một hiệp định quốc tế.

Sáu tháng đầu năm 2009, kim ngạch thương mại song phương ước đạt 6,2 tỷ USD. FDI của Hoa Kỳ vào Việt Nam lên tới gần 5 tỷ USD. Hai bên dự kiến ký một số dự án lớn trị hàng tỷ USD, đưa Hoa Kỳ vào top 5 nước hàng đầu đầu tư vào Việt Nam.

+ "Chơi riêng" trên nền "chơi chung"

WTO như một cái chợ toàn cầu, nhưng lại chưa thống nhất được một luật chung. Đàm phán thương mại đa phương (Vòng đàm phán Doha của WTO) bế tắc nhiều năm nay khiến cho nhiều bạn hàng quay ra ký các FTA song phương về thương mại, kinh tế và cả đầu tư. Các nền kinh tế châu Á mặn mòi nhất trong lĩnh vực này. Tính đến tháng 9-2009, đã có 233 thoả thuận thương mại khu vực, trong đó trên 70% là các FTA.

Các cuộc "chơi riêng" trong cái "chợ chung" như một "mốt" lan nhanh, mang những nét chính: chơi rộng (nhiều lĩnh vực), chơi thoáng (mức độ tự do hoá cao hơn cả WTO) và cặp giữa nhà giàu với nhà nghèo, với các bạn hàng xa để bổ sung và hưởng lợi từ những thế mạnh của nhau.

Xu hướng "chơi riêng" đáp ứng nhu cầu và lợi ích song phương nhưng cũng sẽ làm giảm sự quan tâm đối với "chơi chung", làm khó cho tự do hoá thương mại toàn cầu và vướng giữa hai luật chơi. Vì vậy, các đàm phán FTA nói chung, cũng như BIT hiện nay giữa Việt Nam với Hoa Kỳ cần những tính toán kỹ lưỡng để có thể lồng ghép được với các luật chơi riêng và chung trong tương lai.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét