Thứ Năm, 26 tháng 11, 2009

Sức hút của nền kinh tế Việt Nam

Tăng cường ngoại giao kinh tế, mở rộng thị trường, thu hút đầu tư... là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành ngoại giao. Những nỗ lực đối ngoại của nhiều ngành, trong đó ngoại giao là một trụ cột, tạo ra trong năm 2009 đã góp phần đưa đất nước vượt qua các biến động của nền kinh tế thế giới, mở rộng hợp tác quốc tế, phục vụ công cuộc hiện đại hoá đất nước.

ODA, FDI, ngoại hối - ba lĩnh vực được coi là "thước đo" dễ thấy về sức hút của nền kinh tế Việt Nam- đều cho thấy những tín hiệu khả quan, nhất là trong bối cảnh chịu tác động tiêu cực của suy thoái kinh tế toàn cầu.

Nó cũng phản ánh đổi mới quản lý kinh tế và hội nhập quốc tế, niềm tin và vị trí của thị trường Việt Nam trong khu vực phát triển kinh tế năng động nhất.

+ ODA vượt mức cam kết

Việc ODA Nhật bị gián đoạn vào cuối năm ngoái cộng với việc thay đổi Chính phủ tại Nhật, chính sách ODA của Nhật dành cho các nước giảm xuống...khiến không ít người e ngại dự báo sẽ có sự giảm sút mạnh ODA vào Việt Nam trong năm 2009.

Một loạt các chuyến thăm của các quan chức Việt Nam và Nhật Bản, cả ở cấp cao, diễn ra liên tiếp trong năm là một thí dụ về nỗ lực giải quyết thoả đáng các vướng mắc. Nhật đã nhanh chóng nối lại viện trợ ODA và đưa Việt Nam vào danh sách các nước ưu tiên.

Một năm trước đây, vào tháng 12-2008, 28 nhà tài trợ cam kết dành khoản ODA cho Việt Nam trong năm 2009 trị giá tương đương 5,015 tỷ USD.

Con số này vẫn cao hơn các năm trước đó, nhưng thấp hơn mức cam kết năm 2007 (5,426 tỉ USD) khiến xuất hiện e ngại về xu hướng giảm, nhất là khi các tác động tiêu cực của suy thoái kinh tế toàn cầu gia tăng.

Số liệu của Bộ KH- ĐT vừa cho biết: Tổng vốn ODA ký từ đầu năm đến hết tháng 10-2009 đạt 3,85 tỉ USD, cao hơn gần 10% so với năm 2008. Dự kiến tổng giá trị ODA ký trong hai tháng còn lại của năm 2009 ước đạt 1,2 tỉ USD.

Việc ký các dự án tài trợ cụ thể trong hai tháng cuối năm đã "lên chương trình" và dự báo ODA năm 2009 sẽ đạt đỉnh mới sau nhiều năm liên tiếp gia tăng. Nếu không có thay đổi lớn, tổng vốn ODA cả năm 2009 sẽ ở mức 5,056 tỉ USD, tức vượt số cam kết vào tháng 12 năm ngoái.

Tài trợ ODA không hoàn lại năm 2010 được dự báo sẽ giảm. Lý do chính là Việt Nam đã bắt đầu "thoát nghèo" (với mức GDP bình quân đầu người đạt khoảng 1.200 USD) và nhiều nước đang điều chỉnh chính sách ODA.

Các nguồn vốn vẫn khẳng định sẽ tiếp tục cho Việt Nam vay, dù với điều kiện kém ưu đãi hơn và tập trung vào cung cấp kỹ thuật. ODA nghiêng thêm về nghĩa "vay" hơn là "viện trợ" và thêm nhiều kênh nguồn vốn. Nhìn tổng thể, tổng vốn ODA cung cấp cho Việt Nam sẽ tăng lên.

Hội nghị hàng năm (CG) lần thứ 16 của Nhóm các nhà tài trợ cho Việt Nam được sẽ tổ chức vào ngày 3 và 4-12-2009 tại Hà Nội, với sự tham gia của đại diện Chính phủ Việt Nam và khoảng 50 các nhà tài trợ song phương và đa phương, thảo luận về các vấn đề chính sách kinh tế, chiến lược giảm nghèo và hiệu quả sử dụng vốn ODA.

Trước đó, một hoạt động gắn với Hội nghị CG là Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) sẽ diễn ra vào ngày 1-12, tập hợp các ý kiến và kiến nghị của doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Trước thềm hội nghị CG, ngày 25-11, Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức đối thoại bàn tròn với đại diện cấp cao của 8 bộ, ngành tại Hà Nội.

EuroCham cũng ra mắt Sách Trắng về “Các vấn đề Thương mại và Kiến nghị năm 2010”, với sự tham gia đóng góp ý kiến của hơn 650 thành viên Eurocham, tổng hợp các vấn đề nổi bật, cập nhật tiến triển của Việt Nam trong quá trình cải thiện môi trường kinh doanh.

Các hoạt động thường xuyên này được tổ chức đều đặn, cập nhật những đổi mới mới nhất của thị trường Việt Nam với tinh thần hợp tác, tài trợ và giúp Việt Nam vượt qua khó khăn và hội nhập với kinh tế toàn cầu.

+ Trở thành "điểm nóng" của FDI

“Với một nền kinh tế đang dần dần tự do hóa và có một vị trí địa lý chiến lược ở khu vực Đông Nam Á, Việt Nam nhanh chóng trở thành điểm đầu tư hấp dẫn”- ông Duhamel, Giám đốc điều hành KAE Asia (công ty tư vấn chiến lược có trụ sở tại London, Singapore, Thượng Hải và Washington DC) vừa nhận xét như vậy khi nói về kết quả so sánh môi trường đầu tư giữa Việt Nam và Thái Lan.

Theo khảo sát mới của KAE, hầu hết lãnh đạo cao cấp của các công ty nước ngoài (63%) cho rằng bất chấp bối cảnh kinh tế thế giới suy thoái, Việt Nam vẫn có nhiều hấp dẫn về đầu tư hơn Thái Lan.

Nhấn mạnh việc “Việt Nam đạt mức tăng trưởng GDP ấn tượng, trung bình hơn 7% trong suốt hai thập kỷ qua", ông Damien Duhamel, cho rằng "Rõ ràng là triển vọng kinh tế và chính trị về mặt ngắn hạn và dài hạn (của Việt Nam) tốt hơn Thái Lan".

Kể từ năm 2006 Việt Nam nổi lên như một điểm đến ưa thích đối với các nhà đầu tư châu Á với mức thu hút FDI trong năm 2007 là 20 tỷ USD và năm 2008 là hơn 60 tỷ USD.

Theo số liệu của Bộ KHĐT, trong 11 tháng đầu năm 2009, FDI cấp mới và tăng vốn vào Việt Nam đạt 19,7 tỷ USD, xấp xỉ mức của cả năm 2007.

Tuy con số này chỉ bằng 28% so với cùng kỳ 2008, nhưng được cho là "khá cao" trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế hiện nay, nhất là khi dự kiến lúc đầu chỉ thu hút 8 tỷ USD từ FDI.

Đáng chú ý là tiến triển nhanh về giải ngân: 9 trong số mục tiêu giải ngân 10 tỷ USD trong năm 2009 được thực hiện cho thấy các dự án FDI đang triển khai phù hợp với tiến độ dự kiến.

Ông Seck Yee Chung, Công ty luật Baker & McKenzie, cho biết: “Bất chấp khủng hoảng kinh tế toàn cầu, có rất nhiều cơ hội đầu tư tại đây (Việt Nam) và nền kinh tế sẽ tiếp tục đạt được tốc độ tăng trưởng khả quan trong năm 2009".

Tính đến ngày 22-11-2009, Việt Nam có 10.854 dự án FDI còn hiệu lực, với 175 tỷ USD tổng vốn đăng ký.

Dịch vụ, ăn uống, bất động sản, khách sạn, du lịch sinh thái là các lĩnh vực quan tâm lớn của các nhà đầu tư nước ngoài cho thấy Việt Nam hiện đang được quan tâm lựa chọn làm điểm đến của "đầu tư xanh" và lâu dài.

Trong 11 tháng của năm 2009 này, Hoa Kỳ đã vươn lên vị trí hàng đầu trong danh sách 45 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam, với tổng vốn đăng ký 8,1 tỷ USD chiếm 41,1% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam. Đáng lưu ý là cho đến hết năm 2008, Hoa Kỳ mới chỉ xếp ở vị trí thứ 9.

Hoa Kỳ đang có xu hướng chuyển từ giao thương sang đầu tư mạnh hơn và lâu dài tại Việt Nam (xem thêm bài BIT - Lộ trình từ giao thương tới đầu tư) cho thấy tín hiệu chuẩn bị cho một làn sóng mới về đầu tư nước ngoài vào Việt Nam thời hậu suy thoái kinh tế toàn cầu.

Môi trường đầu tư của Việt Nam trở nên cạnh tranh hơn nhiều. 250 đại diện các doanh nghiệp Nhật Bản đã và dự định đầu tư vào Việt Nam hội thảo xúc tiến đầu tư vào Việt Nam hôm 25-11-2009 tại Tokyo, bày tỏ sự quan tâm lớn trước những diễn biến tích cực của môi trường đầu tư tại Việt Nam.

Nhật Bản, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, hiện có 1.164 dự án, với tổng số vốn đăng ký lên tới 17,85 tỷ USD, đứng thứ 4 trong 89 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam, luôn là nước có vốn đầu tư thực hiện lớn nhất, với số vốn đầu tư thực hiện lên tới hơn 5 tỷ USD.

Các doanh nghiệp Nhật đang hoạt động tại Việt Nam cũng đứng đầu về vốn tăng thêm, với số vốn đăng ký bổ sung đạt gần 500 triệu USD trong năm 2007 và 300 triệu USD năm 2008.

"Trong lúc FDI giảm mạnh tại nhiều nền kinh tế lân cận, Việt Nam vẫn duy trì sức hút với nhà đầu tư nước ngoài, thậm chí là điểm nóng đầu tư trên thế giới" là nhận định trong hai báo cáo của Tổ chức Hội nghị LHQ về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) và Cơ quan thương mại và đầu tư Vương quốc Anh công bố hôm 16-9-2009.

Theo UNCTAD, trong khi FDI vào Singapore và Đài Loan sụt mạnh và giảm nhẹ tại Malaysia và Thái Lan, riêng Indonesia và Việt Nam có thể duy trì tăng trưởng.

Một cuộc khảo sát hơn 540 lãnh đạo doanh nghiệp thuộc 19 ngành nghề do Cơ quan thương mại và đầu tư của Anh thực hiện, Việt Nam hiện được đánh giá là điểm nóng về đầu tư, đứng thứ nhất trong danh sách các thị trường mới nổi để thâm nhập trong 5 năm tới, đứng trên nhiều điểm đến hấp dẫn khác như UAE, Mexico, Malaysia...

+ Kiều hối năm 2009: Dự báo đạt 6,8 tỷ USD


Bản tin của Reuters vừa phát đi từ Hà Nội dự báo kiều hối năm 2009 lên tới mức 5,8 đến 6 tỷ USD, cao hơn con số dự báo trước đó là 5,6 đến 5,7 tỷ USD.

Tuy nhiên, con số được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam dự báo có thể đạt tới 6,8 tỷ USD trong năm nay.

Con số 6,8 tỷ USD cũng cho thấy kiều hối năm 2009 giảm so với mức 7,2 tỷ USD trong năm 2008. Nhưng mức giảm được cho là không lớn như dự báo và có thể gia tăng vào dịp Tết, dù kinh tế của Việt Kiều gặp khó khăn.

Dựa trên tác động của khủng hoảng kinh tế, những dự báo vào đầu năm cho rằng kiều hối sẽ giảm mạnh, từ 15 - 20% và xuống ở mức khoảng 5,8 - 6 tỷ USD.

Nhưng hết 6 tháng đầu năm, lượng kiều hối gửi về đã đạt 2,83 tỷ USD, trong khi lượng kiều hối chuyển về thông qua các công ty, ngân hàng chuyển tiền... không sụt giảm nhiều so với cùng kỳ năm ngoái.

Riêng tại TPHCM, chỉ tính hết tháng 10-2009 kiều hối chuyển về đạt gần 2,6 tỷ USD, bằng 60% cả năm 2008. Lượng tiền do Việt kiều gửi về từ chỗ giúp người thân nay chuyển nhiều sang đầu tư nhiều hơn, chuẩn bị cho cuộc sống sau khi chuyển về Việt Nam.

Sức hút, những chuyển đổi về chất trong thời gian qua của các dòng vốn chuyển động vào Việt Nam là một minh chứng về vị trí và uy tín của nền kinh tế, về sức dướn qua các khó khăn khách quan do tác động của suy thoái toàn cầu.

Các nhà kinh tế học bắt đầu nói đến sự phục hồi, nhắc tới sức chịu đựng và sự vươn dậy của nền kinh tế Việt Nam khi đo lường những bước vùng lên đầu tiên của các nền kinh tế để thoát khỏi khủng hoảng.

Việt Nam, cho dù còn nhiều khó khăn, vẫn tăng trưởng dương và lúc này đang được dự báo có thể sẽ đạt được mức tăng từ 6,5% đến 7,5% bắt đầu từ năm 2010.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét