Chỉ còn vài ngày nữa, từ ngày 1-1-2010, Việt Nam sẽ chính thức trở thành Chủ tịch ASEAN, một trách nhiệm lớn trong năm bản lề để thúc đầy ASEAN lớn mạnh, nâng cao vị thế quốc tế và tiến tới một Cộng đồng ASEAN vào năm 2015.
“Hướng tới Cộng đồng ASEAN: từ tầm nhìn đến hành động” là chủ đề xuyên suốt được lựa chọn cho các hoạt động của ASEAN trong năm 2010, với quyết tâm nỗ lực hết mình, với những hành động cụ thể và nguồn lực thích đáng.
+ Ưu tiên đảm đương tốt vai trò Chủ tịch ASEAN
Tiếp Tổng Thư ký ASEAN Surin Pitsuwan hôm 23-12-2009, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định ASEAN là một ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Việt Nam. Việt Nam sẽ dành ưu tiên và nguồn lực để đảm đương tốt vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2010.
Với vai trò là Chủ tịch ASEAN, trong năm 2010 Việt Nam sẽ tăng cường đoàn kết và liên kết ASEAN, hoàn tất việc đưa Hiến chương ASEAN vào cuộc sống, đẩy mạnh thực hiện Lộ trình xây dựng Cộng đồng ASEAN; mở rộng và làm sâu sắc thêm quan hệ hợp tác trong khối và với các đối tác, nâng cao vai trò, vị thế quốc tế của ASEAN.
ASEAN thống nhất xây dựng Cộng đồng ASEAN vào năm 2015 với ba trụ cột hợp tác: chính trị - an ninh, kinh tế và văn hóa - xã hội. Lộ trình, với nhiều cuộc họp giữa các cấp, các ngành được triển khai với lộ trình cụ thể.
Trọng tâm ưu tiên hiện nay của ASEAN là tăng cường hành động thiết thực, hiện thực hóa những bước đi và lộ trình đã xác định. Và năm 2010, năm Việt Nam làm Chủ tịch ASEAN được coi là năm bản lề để hành động. Đó cũng là năm kỷ niệm 15 năm Việt Nam tham gia ASEAN.
Ngày 23-12-2009, tại Hà Nội, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về năm Chủ tịch ASEAN 2010, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm đã làm việc với Tổng Thư ký ASEAN Surin Pitsuwan thông báo về các công tác chuẩn bị các mặt của Việt Nam.
Phó Thủ tướng cũng khẳng định Việt Nam đã sẵn sàng thực hiện thành công nhiệm vụ Chủ tịch ASEAN ngay từ những ngày đầu tiên của năm 2010.
Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm nhấn mạnh, trong năm 2010 Việt Nam và ASEAN cần ưu tiên tăng cường đối thoại và hợp tác về các vấn đề thuộc quan tâm chung, nâng cao hiểu biết và tin cậy giữa các quốc gia; đẩy mạnh hợp tác với các bên đối thoại, nâng cao hiệu quả hoạt động hợp tác của ASEAN và các diễn đàn liên quan; đồng thời đối phó hiệu quả với những thách thức đang đặt ra như khủng hoảng kinh tế, biến đổi khí hậu, môi trường, thiên tai, dịch bệnh, tội phạm xuyên quốc gia, an ninh trên biển.
Một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất của ASEAN là thúc đẩy kết nối và kết nối ASEAN đi đôi với thu hẹp khoảng cách phát triển, thông qua thực hiện có hiệu quả Kế hoạch Công tác về Sáng kiến liên kết ASEAN (IAI).
Trong chuyến thăm Việt Nam hai ngày, Tổng Thư ký Surin Pitsuwan cũng gặp và trao đổi với lãnh đạo một số bộ, ngành của Việt Nam về các trọng tâm ưu tiên của ASEAN năm 2010, chuẩn bị cho việc Việt Nam đảm nhận vai trò Chủ tịch ASEAN.
Tổng Thư ký ASEAN đánh giá cao công tác chuẩn bị của Việt Nam về mọi mặt; chia sẻ đồng tình về các định hướng và ưu tiên mà Việt Nam đã đề ra cho năm Chủ tịch ASEAN, phù hợp với trọng tâm ưu tiên của ASEAN hiện nay và sẽ góp phần quan trọng cho tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN.
+ Tích cực chuẩn bị cho vai trò mới
Năm Chủ tịch ASEAN 2010 của Việt Nam sẽ bắt đầu bằng Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN, Hội nghị Cộng đồng Chính trị-An ninh ASEAN và Hội nghị Hội đồng Điều phối ASEAN sẽ được tổ chức tại Đà Nẵng từ ngày 13 đến 14-1-2010.
Trong năm 2010, Việt Nam sẽ đăng cai tổ chức nhiều sự kiện như Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 16 vào tháng 4-2010; Hội nghị cấp cao ASEAN 17 và các Hội nghị cấp cao liên quan trong tháng 10-2010.
Ngay từ tháng 7-2009, Việt Nam đã tích cực và chủ động chuẩn bị cho việc tiếp nhận chức Chủ tịch ASSEAN bằng việc thành lập Ủy ban Quốc gia về năm Chủ tịch ASEAN 2010.
Ủy ban gồm Ban thư ký và 5 Tiểu ban hoạt động dưới sự điều hành của Phó Thủ tướng và 19 thành viên là lãnh đạo một số Bộ, ngành. Uỷ ban đã họp nhiều lần, xem xét bộ máy, lộ trình triển khai công tác chuẩn bị, kinh phí hoạt động…
Biểu trưng về năm Chủ tịch ASEAN được thiết kế và lập một website riêng cho năm Chủ tịch ASEAN 2010 (http://www.asean2010.vn).
Một đề án tổng thể phục vụ các hội nghị cấp cao ASEAN 2010 đã được xác định. Theo đề án, tất cả các hội nghị cấp Bộ trưởng, cấp quan chức cao cấp ngoại giao, kinh tế, văn hóa-xã hội và cấp Tổng vụ trưởng, nếu diễn ra liền kề với các hội nghị cấp cao, đều tổ chức tại Hà Nội.
Các hội nghị cấp Bộ trưởng chuyên ngành tổ chức vào nhiều thời điểm khác nhau trong năm, sẽ linh hoạt tổ chức tại nhiều địa phương.
Các tiểu ban lễ tân, hậu cần, nội dung tích cực chuẩn bị các phần việc, xây dựng các đề án chi tiết, tuyển chọn, quán triệt nhiệm vụ, tổ chức tập huấn cho các sỹ quan liên lạc ở cả Trung ương và địa phương, tập dượt trước các kịch bản đón, tiễn, dự kiến phân công đón, tiễn các đoàn cấp cao.
Trong thời gian là chủ tịch ASEAN, VN sẽ chủ trì và đăng cai tổ chức một loạt hội nghị quan trọng như hai hội nghị cấp cao ASEAN, các hội nghị cấp cao giữa ASEAN với các bên đối tác, các hội nghị cấp bộ trưởng của bốn hội đồng ASEAN (Hội đồng điều phối và ba hội đồng cộng đồng về chính trị - an ninh, kinh tế, văn hóa - xã hội); nhiều hội nghị cấp thứ trưởng hoặc tương đương...
+ Bốn thách thức chính
Tổng thư kí ASEAN Surin Pitsuwan mong muốn, khi có vấn đề gì xảy ra cần có phản ứng của ASEAN và Ban thư kí, Việt Nam với tư cách chủ tịch sẽ thông tin, chỉ dẫn cho Ban Thư kí về mong muốn của Việt Nam liên quan đến vị trí, thái độ, chương trình hoạt động cụ thể để kịp thời ứng phó.
Ông Surin Pitsuwan lưu ý năm 2010, Việt Nam sẽ phải cùng ASEAN đối mặt với 4 thách thức chính. Một là, thúc đẩy thông qua và triển khai các cam kết của ASEAN. Hiện nay, ASEAN có hơn 120 thỏa thuận, nhưng mới có 70% số đó được thông qua và triển khai.
Hai là, đáp ứng kì vọng của các đối tác đối thoại của ASEAN. Đã có 30 quốc gia cử Đại sứ tại ASEAN và các nước đều kì vọng Việt Nam với tư cách Chủ tịch ASEAN sẽ thúc đầy thị trường ASEAN thống nhất cho hàng hóa, du lịch, giáo dục của các nước.
“Việt Nam và ASEAN cần làm rõ điều chúng ta mong muốn từ các nước đối tác là gì, và chúng ta khuyến khích, cho phép họ tham gia hội nhập đến mức độ nào”, ông Surin Pitsuwan nói.
Ba là, cần thúc đẩy hội nhập kinh tế nội khối ASEAN, nâng tỉ trọng thương mại nội khối lên 30-35% thay vì 25% như hiện nay. “Đây là yếu tố tiên quyết cho sự cạnh tranh của ASEAN với phần còn lại của thế giới”, theo lời ông Surin.
Bốn là, Việt Nam cần dẫn dắt ASEAN thúc đẩy quan hệ đa dạng và đầy thách thức với EU, nhất là khi tổ chức này thay đổi cấu trúc.
Tổng thư kí ASEAN cũng kì vọng, trong năm 2010, ASEAN sẽ tăng cường quan hệ nhân dân, có nhiều trao đổi văn hóa, giáo dục, tạo không gian rộng hơn để người dân ASEAN hưởng lợi từ quá trình hội nhập khu vực.
+ Hai nội dung lớn
Ông Phạm Quang Vinh, Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao, Trưởng Nhóm quan chức cấp cao (SOM) ASEAN Việt Nam cho biết sẽ có hai nội dung lớn trong các hoạt động trong năm 2010.
Một là, năm 2010 đánh dấu mốc 5 năm hướng tới mục tiêu hình thành Cộng đồng ASEAN, nên phải thúc đẩy nhanh, mạnh hơn việc xây dựng Cộng đồng ASEAN.
Đó cũng là giai đoạn chuyển tiếp quan trọng đưa Hiến chương ASEAN vào cuộc sống, vận hành tổ chức bộ máy và phương thức hoạt động mới của Hiệp hội.
Hai là, trước những thách thức toàn cầu đang đặt ra, ASEAN phải tăng cường hơn nữa hợp tác nội khối đi đôi với hợp tác bên ngoài để cùng đối phó.
Ngoài ra, năm 2010, cùng với việc sẽ làm tròn nhiệm vụ Chủ tịch ASEAN, cũng cần tăng cường quảng bá về Việt Nam.
Với tư cách Chủ tịch ASEAN, Việt Nam sẽ điều phối toàn bộ khuôn khổ về mặt nội dung các hội nghị cấp cao, định hướng cho các diễn đàn khác nhau liên quan đến ASEAN.
Sẽ có hai Hội nghị Cấp cao ASEAN, cùng với các Hội nghị Cấp cao giữa ASEAN với các bên đối thoại (ASEAN+1, ASEAN+3, Cấp cao Đông Á).
Bên cạnh đó còn có gần 10 cuộc Hội nghị cấp Bộ trưởng của 4 Hội đồng ASEAN là Hội đồng Điều phối và 3 Hội đồng Cộng đồng về Chính trị-An ninh, Kinh tế, Văn hóa-Xã hội; nhiều Hội nghị Cấp Thứ trưởng hoặc tương đương.
Ngoài khuôn khổ trên, trong năm 2010 theo quy chế luân phiên, Việt Nam còn chủ trì và đăng cai nhiều hội nghị khác của ASEAN, trong đó có Đại hội đồng Liên Nghị viện các nước Đông Nam Á (AIPA) và một số Hội nghị Bộ trưởng chuyên ngành thường kỳ như Ngoại giao, Quốc phòng, Kinh tế, Tài chính, Lao động.
Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Quang Vinh cho biết dịp đầu năm 2010 Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ chuyển thông điệp của nước Chủ tịch ASEAN tới toàn thế giới.
+ Vai trò đầu tầu hướng tới bầu trời mở
Nhìn lại 14 năm gia nhập ASEAN, trước khi tiếp nhận cương vị Chủ tịch ASEAN, Việt Nam được xác nhận có bốn đóng góp lớn cho Hiệp hội:
Một là, Việt Nam tích cực thúc đẩy đoàn kết nội khối ASEAN, tăng cường hợp tác ASEAN.
Hai là, Việt Nam thúc đẩy mở rộng các khuôn khổ hợp tác của ASEAN, thu hẹp khoảng cách phát triển, gia tăng liên kết, thúc đẩy sáng kiến liên kết tiểu vùng, trong đó có sáng kiến hành lang Đông Tây như một dấu mốc để ASEAN phát triển theo hướng ngày càng gắn kết hơn với nhau.
Ba là, Việt Nam tham gia vào các nỗ lực chung của ASEAN vì hòa bình, ổn định và hợp tác trong khu vực, triển khai các tuyên bố quan trọng của ASEAN như Hiệp ước về láng giềng thân thiện ở Đông Nam Á, Khu vực hòa bình không vũ khí hạt nhân hay là Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở biển Đông ASEAN - Trung Quốc.
Bốn là, Việt Nam nỗ lực và thúc đẩy xây dựng cộng đồng ASEAN trên cơ sở cả 3 trụ cột: Kinh tế, Chính trị an ninh và Văn hóa - xã hội, xây dựng Hiến chương ASEAN, tạo điều kiện cho Hiến chương đi vào cuộc sống.
Với việc đảm nhận chức Chủ tịch ASEAN năm 2010, Việt Nam được các thành viên ASEAN trông đợi “vai trò đầu tàu”, theo lời ông Tổng thư ký ASEAN Surin Pitsuwan.
Ông Surin Pitsuwan nói với VOV: “Chúng tôi mong muốn Việt Nam đưa ra nhiều sáng kiến và sáng tạo, làm vai trò đầu tàu để ASEAN được biết đến rộng rãi hơn trên thế giới... ASEAN hy vọng Việt Nam sẽ thúc đẩy một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất là thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các nước thành viên, để ASEAN là cộng động chung cho tất cả người dân trong khu vực”.
Năm 2010 ASEAN sẽ có bầu trời mở. Nghĩa đen của nó là Hiệp định của ngành hàng không các nước ASEAN bắt đầu có hiệu lực từ năm 2010 sẽ gỡ bỏ hạn chế đối với hàng không chở khách và chở hàng trong khối, cho phép máy bay của một quốc gia thành viên được bay tới thủ đô của bất kỳ nước hội viên nào.
Tới năm 2015, ASEAN sẽ trở thành một thị trường hàng không thống nhất. Đó cũng là năm ASEAN trở thành Cộng đồng ASEAN, một thị trường thống nhất, mọi người dân ASEAN sống chung dưới một mái nhà, một bầu trời rộng mở.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét