Thứ Ba, 12 tháng 1, 2010

2010 - Năm hữu nghị Việt – Trung

Lần đầu tiên sau 60 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, một “Năm hữu nghị” được lấy làm hình thức kỷ niệm. Năm 2010 - "Năm hữu nghị Việt-Trung".

Nước Việt Nam mới ra đời năm 1945. Nước Trung Hoa mới ra đời năm 1949. Việt Nam là một nước đầu tiên công nhận CHND Trung Hoa và Trung Quốc là nước đẩu tiên thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam, vào ngày 18-1-1950.

+ Thử thách và triển vọng

60 năm nối dài một con đường hợp tác láng giềng, cho dù có cả những khúc quanh. Nhìn lại con đường này, Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc Nguyễn Văn Thơ nhận xét trong cuộc họp báo tại Bắc Kinh ngày 8-1-2010: “quan hệ Việt-Trung tuy có lúc thăng trầm, khúc khuỷu, nhưng tình hữu nghị Việt - Trung đã trải qua thử thách của thời gian và đang đứng trước những triển vọng tốt đẹp”.

Vào cái tuổi “nhi nhĩ thuận”, mối quan hệ giữa hai nước đã trở thành đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, với năm 2010 “có ý nghĩa rất quan trọng đối với quan hệ Việt-Trung”, như lời Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam Tôn Quốc Tường nói trong cuộc họp báo hôm 6-1-2010 tại Hà Nội.

Cùng với Liên Xô trước đây, Trung Quốc dành cho Việt Nam sự giúp đỡ quý báu trong hai cuộc kháng chiến giành độc lập, thống nhất đất nước.

Kể từ khi bình thường hoá quan hệ năm 1991, quan hệ hữu nghị và hợp tác Việt – Trung phát triển nhanh chóng và sâu rộng trên nhiều các lĩnh vực, ký nhiều hiệp định hợp tác, đặt cơ sở pháp lý cho quan hệ hợp tác lâu dài.

Một mốc nổi bật trong quan hệ Việt – Trung là lần đầu tiên xác quyết rõ ràng biên giới trên bộ, phân giới và cắm mốc, ký các hiệp ước và hiệp định phân định và bảo vệ đường biên, tạo nền tảng vững chắc và lâu dài để phát triển quan hệ hữu nghị và hợp tác bình đẳng, lâu dài.

Trong ba vấn đề về biên giới lãnh thổ do lịch sử để lại, đã có hai vấn đề được giải quyết. Đó là phân định biên giới trên đất liền, phân định Vịnh Bắc Bộ. Hiện chỉ còn vấn đề xác định biên giới trên biển. Hai bên đã thiết lập cơ chế đàm phán, tiếp tục thúc đẩy đàm phán về vấn đề này.

Lãnh đạo cấp cao hai nước hằng năm gặp nhau. Đường dây nóng được thiết lập. Các bước phát triển mới liên tiếp được tạo ra bởi các chuyến thăm:

Tháng 2-1999, Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu thăm Trung Quốc, lãnh đạo cấp cao hai nước xác định phương châm 16 chữ "láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai".

Tháng 12-2000, trong chuyến thăm Trung Quốc của Chủ tịch nước Trần Đức Lương, hai bên thoả thuận trở thành “láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt”.

Tháng 5-2008, dịp Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh thăm Trung Quốc, hai bên nhất trí phát triển “quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện”.

Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam khẳng định trong năm 2010 này, sẽ có đoàn lãnh đạo cấp cao của Trung Quốc thăm Việt Nam.

Hằng năm có hơn một trăm đoàn từ cấp thứ trưởng trở lên thăm lẫn nhau. Quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai nước ở cấp Chính phủ, giữa hai Đảng, các ngành, địa phương, giao lưu thanh niên hai nước được đẩy mạnh.

Đáng chú ý là việc ký các thỏa thuận hợp tác giữa hai Bộ Ngoại giao (12-2002), hai Bộ Công an (9-2003), hai Bộ Quốc phòng (10-2003); hai ngành An ninh (3-2005); Thoả thuận hợp tác biên phòng (8-2007)…các tàu hải quân hai nước lần đầu tiên thăm cảng của nhau vào năm 2009.

Các địa phương biên giới hai nước lập Ủy ban công tác liên hợp, định kỳ họp với nhau bàn các biện pháp bảo vệ, xây dựng đường biên giới hoà bình, ổn định, hữu nghị.

+ Mục tiêu thương mại mới: 25 tỷ USD và cải thiện cán cân


Từ khi bình thường hóa quan hệ, Trung Quốc nhanh chóng trở thành bạn hàng số một của Việt Nam. Kim ngạch thương mại giữa hai nước năm 2007 đạt gần 16 tỷ USD, năm 2008 đạt 20 tỷ USD, hoàn thành trước ba năm mục tiêu (15 tỷ USD) vào năm 2010.

Vì thế, hai bên đề ra mục tiêu mới: nâng kim ngạch lên 25 tỷ USD vào năm 2010, đồng thời tính tới các biện pháp cải thiện cán cân thương mại, trong đó có việc sớm ký “Quy hoạch 5 năm phát triển kinh tế thương mại Việt – Trung”.

Thương mại giữa hai nước từ gia tăng “tự phát” đang hướng tới “quy hoạch” trước khoảng cách nhập siêu từ Trung Quốc gia tăng, cơ cấu hàng hoá chênh lệch và tình trạng xuất nhập khẩu biên mậu lớn.

Trung Quốc đã vươn lên thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và trở thành nước xuất khẩu lớn nhất thế giới, tác động không nhỏ vào thị trường Việt Nam.

Đến giữa tháng 11-2009, Trung Quốc có 661 dự án FDI tại Việt Nam, với tổng vốn đăng ký đạt 2,6 tỷ USD, đứng thứ 15/89 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư trực tiếp vào Việt Nam.

Trung Quốc cũng dành cho Việt Nam tín dụng ưu đãi, hỗ trợ nhiều khoản viện trợ không hoàn lại.
Hiện có khoảng 12.000 lưu học sinh Việt Nam học tại Trung Quốc và hơn 2000 du học sinh Trung Quốc học tại Việt Nam.

+ Hướng tới tương lai tốt đẹp hơn

Trung Quốc là thị trường nguồn du lịch lớn nhất của Việt Nam. 11 tháng năm 2009 có hơn 476 ngàn lượt khách Trung Quốc đi du lịch Việt Nam và con số này được cho là sẽ gia tăng mạnh trong năm 2010 có nhiều sự kiện.

Năm hữu nghị Việt Trung dự kiến sẽ có 36 hoạt động lớn, liên quan các lĩnh vực chính trị, kinh tế, thương mại, văn hóa, giáo dục..., bao gồm các chuyến thăm cấp cao, giao lưu, hội thảo, trao đổi các đoàn giữa các ngành, địa phương, diễn đàn doanh nghiệp, hội chợ triển lãm...

Dịp kỷ niệm 60 năm là một mốc nhìn lại con đường đã qua để hướng tới tương lai ngày càng tốt đẹp hơn. Thời gian và những thăng trầm cho thấy tình láng giềng truyền thống là tài sản quý báu của hai nước, hai dân tộc, cần được hai bên gìn giữ và vun đắp.

Năm hữu nghị 2010, năm mở rộng giao lưu, tăng cường hiểu biết lẫn nhau hơn nữa, năm thúc đẩy các mối quan hệ thương mại, kinh tế, hợp tác, đầu tư trong nhiều lĩnh vực.

Chính sách nhất quán của Việt Nam, như lời Đại sứ Nguyễn Văn Thơ khẳng định trong cuộc họp báo ngày 8-1-2010 tại Bắc Kinh: "Đảng, Chính phủ và nhân dân Việt Nam trước sau như một, mong muốn quan hệ hữu nghị và hợp tác toàn diện Việt - Trung ngày càng được củng cố và phát triển, mang lại lợi ích thiết thực cho nhân dân hai nước, góp phần vào hòa bình, ổn định và hợp tác ở khu vực và thế giới".

Hữu nghị, hợp tác, chung sống hoà bình, ổn định lâu dài là mục tiêu của các hoạt động kỷ niệm, để hướng tới tương lai tốt đẹp hơn, từ năm hữu nghị 2010 này.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét