Đài phát thanh Tiếng nói nước Nga vừa phát bài “Hợp tác kinh tế giữa Nga và Việt Nam 2009: Thành tựu và kế hoạch”, tổng kết quan hệ hợp tác kinh tế giữa hai nước trong năm 2009 vừa qua.
Bài báo dẫn lời Tổng thống Nga Dmitry Medvedev nói trong thời gian hội đàm với Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng tháng 12 ở Matxcơva, như một nhận định chủ đạo về mối quan hệ này: “Nhìn lại sự hợp tác Nga-Việt những năm gần đây, có thể nói 2009 đã trở thành một trong những năm đạt nhiều thành tích nhất”.
Dẫn chứng cho nhận định này, bài báo đưa kết quả “qua 9 tháng của năm 2009 tổng khối lượng giao thương giữa hai nước đã tăng thêm 4,1% và đạt 1,16 tỷ USD. Trong điều kiện khủng hoảng tòan cầu, rõ ràng đó là kết quả đầy ý nghĩa”.
Một thí dụ điển hình được nêu là Xí nghiệp liên doanh Vietsovpetro giữ vững vị trí lá cờ đầu trong hợp tác kinh tế Nga-Việt. Bài báo dẫn lời ông Viktor Gorshenev, Phó Tổng Giám đốc xí nghiệp: “Năm nay có những sự kiện phấn khởi là chúng ta đã mở cửa kho dầu mới ở mỏ Bạch hổ với trữ lượng ước tính khỏang 20 tỷ tấn, đồng thời đưa các mỏ Rùa biển - Rồng Nam vào vận hành”.
Không chỉ cùng nhau khai thác dầu khí tại Việt Nam, bài báo kể về sự hợp tác giữa các doanh nghiệp dầu khí hai nước về khai thác tại Vùng tự trị Nenetski ở Nga: “Một trong những thành quả của năm qua, là việc tập đòan Rusvietpetro bắt tay khai thác lô dầu mỏ đầu tiên. Được Zarubejneft và Petrovietnam phối hợp thành lập một năm về trước, hoạt động tại Vùng tự trị Nenetski trong điều kiện khí hậu băng giá khắc nghiệt, đã khẩn trương xây dựng xong đường sá và bãi đỗ trực thăng, phân định hướng tới giếng dầu, lắp đặt dàn khoan, và Rusvietpetro bắt đầu đưa món vàng đen của vùng Bắc Nga lên mặt đất”.
“Cả tráng sĩ khổng lồ của ngành năng lượng Nga là hãng Gazprom cũng đã đến Việt Nam. Hồi tháng Hai, Gazprom nhận được giấy phép khai thác dầu mỏ và khí đốt trên thềm lục địa Việt Nam cùng với tập đòan Petrovietnam. Đã khai sinh một xí nghiệp liên doanh mới – Gazpromviet – sẽ làm việc trên địa bàn Nga: khai thác mỏ tại vùng Orenburskaya và ở Cộng hòa Komi.
Đề cập các lĩnh vực hợp tác mới giữa hai nước, bài báo viết: “Sự hợp tác năng lượng giữa hai nước sẽ được mở mang trong một phương hướng hòan tòan mới mẻ, đó là xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên ở Việt Nam. Các chuyên gia nguyên tử Nga với tích lũy phong phú về kinh nghiệm và thành quả xây dựng chủ thể điện hạt nhân ở nước ngoài đã được Việt Nam “chọn mặt gửi vàng”.
Các hoạt động trong hợp tác năng lượng năm qua được nhắc tới “đang xúc tiến thành lập các xí nghiệp liên doanh mới, giữa Hệ thống điện lực thống nhất tòan Nga và Tập đòan điện lực Việt Nam. Tập đòan Nga Silovye mashiny tiếp tục công tác trang bị cho các chủ thể điện năng của Việt Nam – các nhà máy thủy điện Sesan-3, A Vương, Buôn Kuôp, Plei Krong và nhà máy nhiệt điện Uông Bí-2”.
Về y tế, trong năm 2009 tại Hà Nội đã khai trương Trung tâm điều trị nhãn khoa Nga-Việt, sẽ tiến hành hầu như tòan bộ các ca phẫu thuật mắt tinh vi theo phương pháp của Viện sĩ Fedorov, điều trị và chăm sóc nhãn khoa cho từ 10 đến 20 nghìn bệnh nhân, và khám mắt cho từ 40 đến 50 nghìn người.
Năm 2009 cũng ghi nhận sự mở rộng họat động tại Việt Nam của Beeline (GTel-mobile với 40% vốn pháp lệnh của hãng Nga Vympelkom), trong năm 2010 dự kiến sẽ sử dụng cả công nghệ vệ tinh phủ sóng di động khắp 5 đô thị lớn và 14 tỉnh khác của Việt Nam.
Điểm lại thành công của triển lãm xuất khẩu của Việt Nam tổ chức vào tháng 9-2009 tại Matxcơva với sự tham gia của hơn 80 Công ty từ 16 tỉnh thành và Triển lãm-Hội chợ công nghiệp quốc tế lần thứ 18 tại Việt Nam vào tháng 10, với sự tham gia nổi bật của phía Nga, bài báo trích lời ông Aleksandr Pinkov, đại diện chính quyền vùng Ulyanov:
“Đã đạt thỏa thuận về việc trong năm 2010 và 2011 sẽ cung cấp 1.000 ô-tô UAZ giành cho khối công lực Việt Nam. Hiện nay mỗi năm chúng tôi chuyển giao cho phía bạn 300 ô-tô loại này. Cũng đã thông qua quyết định xem xét khả năng phục hồi đề án năm 2003, phối hợp với phía Việt Nam lập xí nghiệp liên doanh sản xuất ô-tô UAZ ngay tại Hà Nội, để tiếp đó sẽ bán xe sang các nước láng giềng như Campuchia, Lào v.v… Đã ký thỏa thuận giữa hãng chuyển giao thương mại Iliushin Finans – IFC và Vietnam Airlines về việc cung cấp các máy bay TU-204, cũng như thỏa thuận tổ chức các chuyến bay của các phi cơ vận tải độc đáo An-24 Ruslan thuộc hãng Volga-Dnepr.
Nhắc lại các sự kiện hợp tác ngân hàng giúp thúc đẩy thương mại, bài báo cho rằng, “kim ngạch thương mại giữa Nga và Việt Nam trong năm 2010 cần phải đạt 3 tỷ USD, còn sang năm 2011-2012 chỉ số đó sẽ lên đến 10 tỷ USD”.
Về hợp tác quân sự, năm 2009 đã ký hợp đồng cung cấp cho Việt Nam 6 tầu ngầm, 12 máy bay tiêm kích Su-30MK2, có thể mua cả trực thăng Mi-17...”thỏa thuận này cũng là hợp đồng lớn nhất về cung cấp tầu ngầm trong thời hậu xô-viết”.
Điểm lại những thành tựu hợp tác giữa hai nước trong năm 2009 bài báo kết luận: “năm 2009 là năm thành công và tạo bàn đạp cho những thành công mới của quan hệ Nga-Việt”.
Đề cập các kế hoạch hợp tác trên nhiều lĩnh vực giữa hai nước trong năm 2010 nhiều kỷ niệm, bài báo khẳng định: “Có đầy đủ mọi cơ sở để hy vọng và tin tưởng rằng, năm 2010 sẽ là bước tiến mới trên con đường mở rộng và củng cố quan hệ hợp tác mật thiết và hiệu quả giữa Nga và Việt Nam”.
Đài phát thanh Tiếng nói nước Nga phát bằng 40 thứ tiếng, vừa kỷ niệm 80 năm ngày thành lập. Đài này có ban phát thanh bằng tiếng Việt với buổi phát thanh đầu tiên vào ngày 3-9-1951, là một trong các nguồn cung cấp thông tin quốc tế quan trọng vào lúc Việt Nam đang kháng chiến chống Pháp.
Vào dịp kỷ niệm ngày thành lập vừa qua, quan sát viên Aleksei Lensov của đài kể lại lúc mới thành lập, đã được sự giúp đỡ của các sinh viên Việt Nam theo học tại Moskva và “các nhân viên đầu tiên của Đại sứ quán Việt Nam tại Moskva đã đến hỗ trợ chúng tôi. Tôi có may mắn nhiều lần được gặp các nhà ngoại giao nổi tiếng của Việt Nam đã từng tự hào nói rằng khởi đầu sự nghiệp của họ trùng với công việc mà họ đã làm tại đài Moskva”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét