Việt Nam mong muốn và sẵn sàng kiến lập quan hệ ngoại giao với Liên Xô là thông điệp phát đi ngày 23-1-1950 từ Đồng Chùa, xóm Dõn, xã Minh Thanh, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang, trụ sở Bộ Ngoại giao Việt Nam Dân chủ Cộng hoà trong chiến khu Việt Bắc.
Đó là lúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân Việt Nam đang chuẩn bị chuyển mình sang giai đoạn mới, tiến công để dành thắng lợi hoàn toàn. Bên ngoài, lực lượng dân chủ chống đế quốc đang lớn mạnh với trụ cột là Liên Xô. Một nước Trung Hoa mới ra đời vào năm 1949 “nhất biên đảo” làm nghiêng cán cân lực lượng về phe dân chủ.
Một tuần sau khi thông điệp được phát đi, Chính phủ Liên bang Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Xô Viết chính thức công nhận nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Đó là ngày 30-1-1950, ngày mở cánh cửa quan trọng tới lực lượng lớn, nối vòng tay anh em bè bạn rộng khắp với Liên Xô, các nước XHCN Đông Âu.
Thắng lợi ngoại giao này làm cuộc kháng chiến của Việt Nam không còn đơn độc, phá thế bao vây, nâng vị trí quốc tế của nhà nước non trẻ.
30-1-1950 trở thành một mốc kỷ niệm quan trọng, năm nay, vừa tròn 60 năm. Thử thách và gian khó, chân thành và chia sẻ, làm sáng thêm tính cách Việt, tâm hồn Nga, Xô-viết: chung thuỷ, tình nghĩa, cùng nhau trong hoạn nạn và thành công.
+ Người bạn thuỷ chung, đối tác chiến lược tin cậy
Khó có mối quan hệ nào chiếm được vị trí tình cảm trong đông đảo cộng đồng nhân dân như vậy. Tối 17-1-2010 chương trình Thày trò Xô- Việt được VTV tổ chức toát lên tình cảm sâu đậm ấy.
Nhiều thế hệ người Việt sẽ còn mãi nhớ về những kỷ niệm tốt đẹp với nước Nga, Ukraina, Belarus và các nước Liên Xô cũ, về tình cảm chí tình, sự giúp đỡ to lớn và nhiệt tâm của những người “anh em xa”, không cần lời hô hào.
Trong thời gian những năm chiến tranh, với sự giúp đỡ to lớn của Liên Xô, Nga và các nước cộng hoà Xô-viết dành cho nhân dân Việt Nam, chính sách đoàn kết với Liên Xô từng là “hòn đá tảng” trong lòng người Việt, ngược lại, ủng hộ Việt Nam từng là “lương tâm thời đại” của người Nga/ Xô-viết.
Cuộc gặp cấp cao Việt – Nga cuối năm vừa qua, khi Tổng thống Medvedev và Thủ tướng Putin tiếp Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, từ “Đồng chí” truyền thống được sử dụng, thay cho “Ngài” trân trọng nhưng khoảng cách.
Nga kế tục Liên Xô cũ, củng cố và tăng cường quan hệ với Việt Nam. Năm 2001, hai bên thiết lập quan hệ đối tác chiến lược ngay trong chuyến thăm chính thức Việt Nam đầu tiên của Tổng thống Nga Putin.
Từ năm 1991 đến 2007 hai bên ký khoảng 50 văn kiện song phương, giải quyết dứt điểm một số vấn đề tồn đọng từ thời Liên Xô, phối hợp ủng hộ nhau trên các diễn đàn quốc tế…
“Nước Nga đã trở lại” là tít và nội dung cốt lõi nhiều bài báo trên thế giới nói về quan hệ Việt –Nga những năm gần đây. Một sự kiện được giới quan sát “bất ngờ”: cuối năm ngoái, đích thân Thủ tướng Putin gọi điện cho Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, trân trọng mời sang thăm và bàn việc thúc đẩy các mối quan hệ đi vào chiều sâu.
Dư luận quốc tế quan tâm và coi việc Việt Nam mời Nga tham gia xây dựng điện hạt nhân, mua vũ khí của Nga, tăng cường hợp tác quốc phòng, an ninh… là những bước tiến mới có chiều sâu trong quan hệ hai nước.
“Việc phát triển mối quan hệ trên tất cả các mặt với Việt Nam được chúng tôi coi là một trong những hướng ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Liên bang Nga ở châu Á” là lời của ông Putin trên cương vị Tổng thống, trả lời phỏng vấn báo Nhân Dân trong chuyến thăm Việt Nam vào đầu năm 2001.
Tổng thống Nga Dmitry Medvedev cuối năm ngoái khẳng định “quyết tâm tăng cường quan hệ đối tác chiến lược, tiếp tục củng cố và đa dạng hóa quan hệ giữa hai nước trên cơ sở các nguyên tắc bình đẳng và cùng có lợi”.
Trước thềm năm mới 2010, khi tiếp tân Đại sứ Nga Andrei Kovtun,
Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh và Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đều khẳng định “Việt Nam coi trọng phát triển quan hệ đối tác chiến lược, quyết tâm giữ gìn và nâng tầm mối quan hệ toàn diện với Nga, người bạn thuỷ chung, đối tác tin cậy của Việt Nam”.
+ Làm ăn: Đi vào chiều sâu thực chất
"Bất chấp cuộc khủng hoảng kinh tế, mối quan hệ của chúng ta vẫn không bị tổn hại. Ngược lại, thương mại song phương giữa hai nước vẫn tiếp tục phát triển" - Tổng thống Nga Medvedev nhận xét.
Trong vòng hơn một thập kỷ, kim ngạch thương mại giữa hai nước tăng hơn bốn lần, từ mức 350 triệu USD giữa những năm 90 lên 1,7 tỷ USD năm 2009, tăng 4% so với năm 2008.
Dự kiến, quan hệ thương mại giữa hai nước có thể đạt 3 tỷ USD vào năm 2010 và 10 tỷ USD vào năm 2020.
Với việc các ngân hàng Nga và Việt gia tăng các hoạt động, mở các chi nhánh, khai trương các ngân hàng mới tại thị trường của nhau vào cuối năm 2009, một chuyên gia kinh tế ngân hàng dự báo: sẽ có sự gia tăng lớn trong hợp tác thương mại, đầu tư giữa hai nước và đi vào làm ăn thực chất, mạnh mẽ.
Nhận định này, của ông Bắc Hà, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng BIVD, nói với website Sở Ngoại vụ TPHCM bên lề buổi Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết tiếp ông Andrei Kostin, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Ngoại thương Nga (VTB), vào tối 9-11-2009, tại Dinh Thống Nhất, TPHCM.
Ông Andrei Kostin là người người được Thủ tướng Nga Putin
gọi lên giao việc thành lập và dẫn một đoàn doanh nhân hàng đầu của Nga sang Việt Nam chuẩn bị cho chuyến thăm Nga của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.
Trong đoàn doanh nhân ấy, có nhiều người đứng đầu các ngân hàng lớn, các tập đoàn ô tô, cơ khí, xuất nhập khẩu, dầu khí…với nhiệm vụ được đích thân Thủ tướng Putin giao là thảo luận các thoả thuận mới, hình thức mới nhằm gia tăng hợp tác với Việt Nam.
Tổng lãnh sự Nga tại TPHCM, ông Nikolai Ubushiev, lúc đó hào hứng thông báo sẽ có lễ khánh thành tượng đài chiến sĩ Nga/ Liên Xô, dựng tại Khánh Hoà, khắc ghi tình hữu nghị chiến đấu với các chiến sĩ Việt Nam trong thời gian chiến tranh.
Một tượng đài khác, về sự hợp tác kinh tế đang được xây dựng trong cuộc sống. Nền móng của nó được vun đắp từ giao thương và đầu tư. Nga hiện có 55 dự án với tổng số vốn 302,9 triệu USD, đứng thứ 23/81 các nước và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Việt Nam có 11 dự án đầu tư vào Nga với tổng số vốn 34 triệu USD.
Vietsovpetro là một điển hình về hiệu quả hợp tác, sẽ chuyển đổi thành Cty TNHH hai thành viên sau năm 2010. Một loạt các liên doanh mới trong lĩnh vực này được thành lập: Vietgazprom, Rusvietpetro, Gazpromviet và cái mới xuất hiện: hợp tác khai thác dầu khí không chỉ ở Việt Nam mà còn ở Nga và tiến tới ở các nước thứ ba.
Hợp tác kinh tế thương mại giữa hai nước còn chưa xứng với tiềm năng và quan hệ chính trị tốt đẹp. Làm thế nào để gia tăng?
Đại sứ Việt Nam tại Nga Bùi Đình Dĩnh giải thích vài nguyên nhân và khuyến nghị: “Tuy Việt Nam và LB Nga là đối tác truyền thống, nhưng không phải lúc nào hai bên cũng có được thông tin đầy đủ của nhau, nhất là thông tin về kinh tế, thị trường và đầu tư. Hoạt động quảng cáo và tiếp thị giữa hai bên chưa thật sự được chú trọng… Quan hệ trực tiếp giữa các địa phương hai nước cũng cần được thúc đẩy để có thể tận dụng tốt hơn tiềm năng các khu vực khác nhau của hai nước”.
Tại buổi tiếp tân Đại sứ Nga tại Việt Nam Andrei Kovtun vào cuối năm 2009, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: “Chính phủ Việt Nam mong muốn bằng mọi kênh, mọi biện pháp cùng với Liên bang Nga bàn bạc, mở rộng quan hệ hợp tác giữa hai nước trên tất cả các lĩnh vực …”.
TTXVN trích lời Thủ tướng: “Chính phủ Việt Nam sẽ chỉ thị các cấp, các Bộ, ngành hợp tác chặt chẽ hơn nữa với Liên bang Nga nhằm thúc đẩy các chương trình hợp tác giữa hai nước trên các lĩnh vực nhất là trong hợp tác kinh tế, giáo dục đào tạo, khoa học kỹ thuật, dầu khí…”
Ngay từ những ngày đầu năm, cuộc hội thảo "Việt Nam-Tiềm năng và cơ hội đầu tư" được tổ chức tại Moskva vào ngày 19-1-2010, với sự giới thiệu của Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Cao Viết Sinh với các doanh nghiệp Nga về cơ hội đầu tư tại Việt Nam.
Không chỉ chung chung, mà còn cụ thể về 5 lĩnh vực và ngành nghề ưu tiên, kêu gọi các doanh nghiệp Nga liên kết chặt chẽ với các doanh nghiệp Việt Nam để cùng phát triển.
Các doanh nghiệp Nga quan tâm chi tiết nhiều lĩnh vực đầu tư vào Việt Nam như chế tạo máy kéo, các dự án năng lượng, bất động sản, khu vực kinh tế tự do ở Việt Nam cũng như ASEAN mà Việt Nam là Chủ tịch trong năm 2010.
+ Những thế hệ vun đắp cho tình hữu nghị
Lịch sử 60 năm quan hệ Việt Nga gắn với lĩnh vực đào tạo. Rất nhiều người, trong nhiều lĩnh vực được đào tạo, thực tập ở Nga, trở thành những người vun đắp tiếp cho mối quan hệ hữu nghị đầy tình cảm này.
Kể từ năm 1955, Liên Xô trước đây, Nga và các nước Cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG) hiện nay, đã giúp Việt Nam đào tạo 52.000 cán bộ khoa học kỹ thuật, văn hóa và xã hội (trong đó có hơn 30.000 người có trình độ đại học, hơn 3.000 phó tiến sĩ và khoảng 200 tiến sĩ khoa học), 98.000 công nhân kỹ thuật, giáo viên dạy nghề và thực tập sinh.
Từ năm học 2010 - 2011, hàng năm Nga dành cho Việt Nam 300 suất học bổng đại học và sau đại học. Một trường Đại học quốc tế Việt - Nga sẽ được thành lập tại Việt Nam. Hai nước sẽ ký Hiệp định công nhận văn bằng các trường đại học của nhau.
Hơn 5.000 sinh viên học tự túc và khoảng 80.000 người Việt sinh sống tại Nga là một cầu nối lớn trong quan hệ giữa hai nước trên nhiều lĩnh vực.
Việt Nam đơn phương miễn thị thực cho du khách Nga từ năm 2009 làm gia tăng hơn 30% lượng khách Nga vào Việt Nam so với năm 2006 (đạt khoảng hơn 40.000 khách/năm), mở rộng các hoạt động du lịch, giao lưu văn hoá, trong đó có Những ngày Văn hoá Nga tại Việt Nam và Những ngày văn hoá Việt Nam tại Nga.
+ Tương lai của những bàn tay xiết chặt
60 năm sau khi thiết lập quan hệ, Nga và Việt Nam vững bước đi bên nhau như các “đối tác chiến lược và hợp tác toàn diện”. Hai bên khẳng định mối quan hệ này đang phát triển rất tích cực trên tất cả các lĩnh vực và “là một ưu tiên trong chính sách đối ngoại của hai nước”.
Ít có mối quan hệ nào thân thiện, chí tình với nhau như Việt Nam và Nga trong quá khứ. Ít có mối quan hệ hợp tác nào toàn diện, tin cậy lẫn nhau như Việt Nam và Nga trong hiện tại.
Từ quá khứ đến tương lai, Việt Nam và Nga đồng quan điểm trên nhiều vấn đề quốc tế và khu vực, phối hợp ủng hộ nhau trên các diễn đàn quốc tế, nay đang hợp tác chặt chẽ vì lợi ích của mỗi nước, cũng vì hoà bình, hợp tác trong khu vực cũng như trên toàn cầu.
Năm 2010, cùng với việc kỷ niệm trọng thể 60 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước, dự kiến Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh sẽ thăm Nga vào nửa đầu năm, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết sang Nga dự lễ kỷ niệm 65 năm chiến thắng phát xít.
Tổng thống Nga Medvedev sẽ sang thăm chính thức Việt Nam và dự hội nghị Cấp cao Nga - ASEAN lần hai tại Hà Nội vào dịp cuối năm nay.
Các chuyến thăm này được chuẩn bị như những mốc mới, thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa quan hệ truyền thống và hợp tác chiến lược toàn diện giữa hai nước.
Người Nga có phong cách: đã bắt tay thì xiết chặt. Người Việt có truyền thống chung thuỷ, uống nước nhớ nguồn. 60 năm sát cánh tay trong tay đầy tình cảm, tương lai sẽ thêm xiết chặt, nồng ấm và hiệu quả, vì lợi ích của cả hai bên và của cả cộng đồng quốc tế.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét