Việt Nam bắt đầu thực thi vai trò Chủ tịch ASEAN bằng việc tổ chức và điều hành các cuộc họp quan chức ASEAN tại Đà Nẵng từ ngày 13-1-2010, tiến tới hai cuộc họp cấp cao trong năm nay.
Một trong những mục tiêu chính được đặt ra là tăng cường thống nhất trong khối, thúc đẩy hành động cụ thể, triển khai Hiến chương ASEAN nhanh chóng đưa khối này trở thành một Cộng đồng vào năm 2015.
Về kinh tế, ngay trong những ngày đầu năm 2010 này, các nước ASEAN bắt tay thực hiện hai thoả thuận về Khu vực thương mại tự do với Australia- New Zealand và với Trung Quốc.
+ FTA, AFTA và rộng hơn nữa
Ý tưởng biến cả thế giới thành một cái chợ tự do toàn cầu xuất hiện từ sau chiến tranh thế giới thứ hai. Nhiều hình thức tổ chức được nhen nhóm, trải nghiệm trước khi WTO ra đời. Có tới 9 vòng đàm phán cam go kéo dài vài chục năm, gần nhất là Vòng đàm phán Doha, vẫn lâm vào ngõ cụt.
Đơn giản là cái chợ quá to, chằng chịt các mối, bạn hàng, với những trình độ phát triển và nhu cầu khác nhau, với những lợi ích đan xen.
Sự bế tắc trong việc đề ra “nội quy” tự do của một cái chợ to khiến cho các bạn hàng quay ra liên kết nhỏ, song phương, theo khu vực, theo trình độ, theo nhu cầu, dần mở rộng thêm…
Tính đến tháng 9-2009, trên thế giới đã có 233 thoả thuận thương mại khu vực, trong đó hơn 70% là các khu vực thương mại tự do được thông báo với WTO.
FTA (Free Trade Area – Khu vực Thương mại Tự do) trở thành một trào lưu như mốt, một cái đuôi được gắn vào rất nhiều các tiền tố khác. ASEAN cũng vậy, gắn thêm đầu chữ A vào FTA, trở thành AFTA, một Khu vực Thương mại Tự do của các nước ASEAN.
AFTA ra đời ngày 28-1-1992 tại Singapore, theo sáng kiến ban đầu của Thái Lan, thoạt đầu có 6 thành viên, trước khi Việt Nam, Lào, Campuchia, Myanmar gia nhập ASEAN.
Mục tiêu tiến tới một thị trường chung của ASEAN cũng không dễ dàng, cũng phải trải qua các hình thức từ nhỏ đến lớn, hợp tác song phương, mở rộng các nhóm…
Tháng 10-2003, tại Hội nghị Bali, các lãnh đạo ASEAN đồng ý hình thành Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) nhằm tiến tới loại bỏ hoàn toàn thuế quan và các hàng rào phi thuế (NTBs) vào năm 2020. Thời hạn ấy được thống nhất rút ngắn lại, vào năm 2015.
Cơ chế chính để thực hiện AFTA là Hiệp định thuế quan ưu đãi có hiệu lực chung (Common Effective Preferential Tariff - CEPT). Bản chất của CEPT là thỏa thuận giảm thuế trong nội bộ khối xuống còn 0-5%, tiến tới xóa bỏ các hạn ngạch nhập khẩu và những hàng rào phi quan thuế khác.
Lộ trình thực hiện áp dụng cho các nhóm nước khác nhau. Các nền kinh tế mạnh hơn phải áp dụng trước, các nền kinh tế yếu hơn được kéo dài thời hạn hơn.
Việt Nam bắt đầu thực hiện lộ trình giảm thuế từ ngày 1-1-1996, đưa 875 mặt hàng đầu tiên vào thực hiện CEPT, ở khung thuế suất 0-5%. Đến năm 2003, mức thuế suất trung bình của Việt Nam chỉ hơn 2%, là mức thuế suất trung bình thấp thứ ba trong ASEAN, sau Singapore và Brunei.
Ra “chợ nhỏ” AFTA là cuộc tập dượt làm ăn trước khi ra chợ toàn cầu WTO. Các nền kinh tế có trình độ khác nhau nhưng đều chơi chung một luật, ban đầu không tránh khỏi những thua thiệt về mặt “chiếm lĩnh thị trường”.
Nhưng đó là xu thế tất yếu, là “cái roi khắc nghiệt” để xoá bỏ tư duy tự túc tự cấp, bảo hộ mậu dịch, thúc đẩy sản xuất trong nước lên tầm quốc tế, tự tìm kiếm vị trí trong “phân công lao động quốc tế”.
ASEAN đang được nói đến như một “siêu cường” với tốc độ phát triển nhanh. Năm 2008, tổng giá trị GDP của toàn ASEAN đạt 1.504 tỷ USD, gần gấp đôi so với năm 2003.
Trao đổi thương mại nội khối đạt 1.710 tỷ USD năm 2008 so với mức 824 tỷ USD năm 2003. FDI vào khu vực đã tăng từ mức 24 tỷ USD năm 2003 lên 60 tỷ USD năm 2008.
Thúc đẩy tự do thương mại nội khối, ASEAN còn nhanh chóng vươn ra bắt tay với các nền kinh tế mạnh ngoài khối, ký các hiệp định thương mại tự do với các nước khác.
Trang web chính thức của ASEAN ghi 5 FTA của ASEAN, bao gồm AANZFTA (với Australia & New Zealand), ACFTA (với Trung Quốc), AIFTA (với Ấn Độ), AJFTA (với Nhật Bản) và AKFTA (với Hàn Quốc).
+ AANZFTA: “Một khuôn mẫu toàn diện”
AANZFTA (ASEAN-Australia-New Zealand - Khu vực Tự do Thương mại ASEAN-Australia & New Zealand), được ký ngày 27-2-2009 tại Hua Hin, Thái Lan, bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1-1-2010, được coi là Hiệp định toàn diện nhất bắt đầu đi vào hiệu lực đối với ASEAN.
Thực hiện hiệp định này, Australia sẽ giảm thuế cho tất cả các dòng thuế, thuế của 96% dòng thuế các hàng hoá xuất khẩu của Australia sang các nước ASEAN sẽ được dỡ bỏ vào cuối 2020.
Không chỉ hàng hóa, dịch vụ, vốn đầu tư… mà cả một số loại lao động có tay nghề sẽ được di chuyển tự do trong khu vực. AANZFTA còn cam kết thiết lập các cơ chế như cấp phép, tiêu chuẩn chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm … không tạo những rào cản thương mại.
Với AANZFTA, một khu vực rộng lớn có trên 600 triệu dân và tổng GDP vào khoảng 2.300 tỷ USD trở nên tự do thương mại. Hiệp định này được xem là một khuôn mẫu về FTA toàn diện giữa ASEAN với một đối tác ngoài khối.
Tiếp theo FTA với Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc, với việc ký AANZFTA, các nước ASEAN củng cố quan hệ thương mại tự do với tất cả các nền kinh tế chủ chốt trong khu vực.
+ ACFTA: Rộng lớn hơn, mạnh mẽ hơn
Đó là FTA lớn thứ ba thế giới (chỉ xếp sau Khu kinh tế liên minh châu Âu (EEA) và Khu vực Tự do Thương mại Bắc Mỹ NAFTA), có hiệu lực từ ngày 1-7-2005, đang thu hút sự chú ý lớn.
Nó tạo ra một thị trường rộng lớn gồm 1,9 tỷ dân, với GDP chung lên tới gần 6.000 tỷ USD. Đối tác Trung Quốc trở thành nước xuất khẩu nhiều nhất thế giới, có tác động thương mại tới nhiều nền kinh tế khác.
Ngay trong tháng 1-2010 này, Trung Quốc và 6 nước ASEAN là Brunei, Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore và Thailand sẽ bỏ các rào cản đầu tư và thuế với 90% hàng hoá. Khoảng 9.000 nhóm hàng hóa và dịch vụ được miễn giảm thuế. Các nước Việt Nam, Lào, Campuchia, Myanmar sẽ thực hiện từ năm 2015.
Thương mại giữa ASEAN và Trung Quốc từ 39,5 tỷ USD năm 2000 tăng lên 192,5 tỷ USD vào năm 2008, với việc thực hiện ACFTA dự báo sẽ gia tăng mạnh mẽ.
Gia tăng thương mại với Trung Quốc đối với các nước ASEAN một mặt là thời cơ mở rộng thị trường, thúc đẩy đầu tư, mặt khác cũng nổi lên nỗi lo hàng Trung Quốc vốn tràn ngập khắp nơi, sẽ lại xuất hiện thêm nhiều, lấn át tại thị trường ASEAN, gây khó khăn cho các nhà sản xuất nội địa, nhất là đối với các nền kinh tế có cán cân thương mại chênh lệnh lớn.
Trong khi hàng rào thuế quan đã mở, vẫn có không ít những tính toán thiệt hơn. Chẳng hạn, ngành dệt may và thép của Indonesia ngại bị cạnh tranh mạnh, ngành xuất khẩu dầu cọ, cao su, khí đốt của Malaysia lại tràn trề hy vọng, các ngành sản xuất hàng tiêu dùng giá rẻ của ASEAN lại lo không địch nổi với làn sóng mới của hàng Trung Quốc tràn vào…
Ngược lại, nguyên liệu, nông sản, trái cây của Trung Quốc lo ngại bị canh tranh trước các loại hàng đa dạng từ ASEAN.
Trung Quốc đã vượt Mỹ, trở thành đối tác thương mại lớn thứ ba của ASEAN, sau Nhật Bản và EU. Với việc ACFTA đi vào cuộc sống, dự báo trong vài năm tới, Trung Quốc sẽ trở thành đối tác số một của khu vực này.
Nhiều chuyên gia kinh tế trong khu vực cảnh báo các doanh nghiệp cần thận trọng, có thể sẽ phải "trả một giá nào đó", nhưng nhìn tổng quan chắc chắn cả hai bên sẽ cùng có lợi.
Các FTA tạo điều kiện mở rộng thị trường đồng thời cũng tạo ra sự cạnh tranh. ACFTA cũng vậy, với mức độ mạnh mẽ hơn, do thị trường rộng hơn, khối lượng thương mại lớn hơn, trong một khu vực có tốc độ phát triển mạnh mẽ.
+ AIFTA: “Con đường tơ lụa mới”
4.000 mặt hàng gồm sản phẩm điện tử, dệt may và hóa chất... hai chiều từ nay sẽ được giảm và tiến tới loại bỏ thuế hoàn toàn vào năm 2016 theo AIFTA, một FTA giữa ASEAN và Ấn Độ, được ký ngày 13-8-2009.
Với AIFTA đi vào cuộc sống từ 1-1-2010, hàng hoá giữa ASEAN và Ấn Độ, khu vực có tới 1,1 tỷ dân, nay sẽ trao đổi trực tiếp và tự do, một vai trò mới thay cho các trung gian châu Âu vẫn thực hiện trong suốt 400 năm qua, từ thế kỷ 16.
Vòng cung thương mại Đông Á - Ấn Độ Dương được nối lại, với mục tiêu tăng thêm 10 tỷ USD kim ngạch ngay trong năm đầu thực hiện AIFTA, mở ra kỷ nguyên mới, những bờ biển dài giữa Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương được nối liền như một “con đường tơ lụa” hiện đại.
Trong khi Australia thúc đẩy chiến lược gắn với khu vực Đông Á, Ấn Độ tích cực thực hiện "Chiến lược hướng Đông", đưa kim ngạch thương mại hai chiều với ASEAN đạt 47 tỷ USD. Với ASEAN, khi thực hiện AIFTA, cũng khẳng định tiềm năng, vị thế của khối trở nên sinh động hơn trên bản đồ thế giới.
+ AKFTA: Bổ sung hơn là cạnh tranh
AKFTA (Hiệp định Khu vực Thương mại Tự do ASEAN - Hàn Quốc) được ký ngày 16-5-2006 tại Manila, Philipines, theo đó, Hàn Quốc và nhóm đầu 6 nước ASEAN (Brunei, Singapore, Indonesia, Malaysia, Thái Lan) sẽ áp mức thuế 0% đối với hàng hóa thông thương từ năm 2010.
Việt Nam có khoảng 90% số dòng thuế cắt giảm xuống 0% giai đoạn 2007 - 2016, một số dòng thuế linh hoạt đến năm 2018.
Đối với Việt Nam, Hàn Quốc áp dụng lộ trình thuế quan chậm hơn so với các nước trong ASEAN 6. Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang Hàn Quốc là thủy hải sản, dầu thô, máy móc thiết bị điện và phụ tùng, giày dép, đồ gỗ, cao su, đồ gia dụng, quần áo may sẵn, sắn lát, cà phê v.v...; nhập khẩu từ Hàn Quốc gồm máy móc thiết bị, phương tiện vận tải, thiết bị điện và phụ kiện, xăng dầu, sắt, thép, nhôm v.v...
Có thể thấy cơ cấu hàng hoá thương mại giữa Việt Nam và Hàn Quốc mang tính bổ sung hơn là cạnh tranh, vì thế, tham gia AKFTA là một cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận công nghệ mới để sản xuất những mặt hàng có tính cạnh tranh cao, đẩy mạnh xuất khẩu.
+ AJFTA: Cơ hội thu hút đầu tư
Nhật Bản có vai trò ngày càng nổi bật trong hợp tác kinh tế với các nước ASEAN, nhất là nhóm nước CLMV (Campuchia, Lào, Myanmar, Việt Nam).
Nhật đứng thứ hai về đầu tư trực tiếp FDI vào ASEAN. Đầu tư của Nhật vào ASEAN cũng dẫn đầu, khoảng 11 tỷ USD hàng năm.
Nhật quan tâm những dự án phát triển tiểu vùng sông Mekong, Tam giác phát triển (khu vực Campuchia, Lào, Việt Nam).
ASEAN và Nhật ký Hiệp định Khung Hợp tác Kinh tế Toàn diện vào ngày 15-4-2008.
AJFTA được cho là tạo điều kiện tốt hơn cho các công ty của Nhật đầu tư vào ASEAN theo xu thế chuyển các ngành sản xuất chế tạo thâm dụng lao động từ Nhật sang ASEAN.
Nhật đang đi đầu trong việc hợp tác, đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng tại nhiều nước ASEAN. Ngược lại, ASEAN, nhất là nhóm CLMV sẽ có thêm cơ hội thuận lợi để tiếp nhận FDI từ Nhật về đầu tư cơ sở hạ tầng.
+ Các FTA khác của ASEAN
ASEAN ngày càng trở nên năng động và chiếm vị thế ngày càng nổi bật trong các hoạt động hợp tác kinh tế trên trường quốc tế.
Các FTA giữa ASEAN với các nền kinh tế lớn trong và ngoài khu vực đang nhanh chóng mở rộng thị trường tự do, làm sôi động thêm các hoạt động thương mại, kinh tế trong một khu vực phát triển nhanh nhất và là “điểm nóng kinh tế” trong thế kỷ 21.
ASEAN vẫn không ngừng tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường. Các cuộc đàm phán vẫn tiếp tục được thúc đẩy giữa ASEAN và các nước, các khối kinh tế lớn, đáp ứng nhu cầu phát triển của các bên.
- FTA giữa EU và ASEAN
Ngày 23-4-2007 Ủy ban EU ủy quyền cho cho Hội đồng EU bắt đầu đàm phán FTA với ASEAN. Ủy ban Hỗn hợp được thiết lập và tiến hành nhiều cuộc họp với các đại diện ASEAN.
EU bày tỏ mong muốn sớm ký FTA với Việt Nam. Tháng 5-2009, Đại sứ, Trưởng phái đoàn EC tại Việt Nam Sean Doyle cho biết EU đã thảo luận về mặt kỹ thuật với Bộ Công thương Việt Nam để tìm hiểu cơ hội đàm phán về FTA)\ giữa EU và Việt Nam.
Một FTA với toàn khối EU sẽ giúp Việt Nam rút ngắn khoảng cách với các thành viên khác trong ASEAN do tỷ lệ hàng vào EU phải đóng thuế nhiều hơn.
- FTA với Hoa Kỳ
Hoa Kỳ đang đàm phán các FTA với một số nước trong khu vực Thái Bình Dương và đã hoàn tất FTA với bẩy trong số 21 nền kinh tế APEC, trong đó có Việt Nam.
Hiệp định Khung ASEAN – Hoa Kỳ về Thương mại và Đầu tư được ký vào tháng 8-2006. Hoa Kỳ đang đàm phán FTA với Thái Lan, Malaysia và Indonesia, ký Hiệp định Khung về Thương mại và Đầu tư với Philippines (1989), Indonesia (1996), Brunei (2002), Thái Lan (2002), Malaysia (2004), Campuchia (2006), và Việt Nam (6-2007). Tổng thống Hoa Kỳ đồng ý triển khai chương trình Nâng cao Quan hệ Hợp tác ASEAN-Mỹ về mọi mặt, chính trị, ngoại giao và đã đề cử Đại sứ đầu tiên của nước này làm việc tại văn phòng Ban Thư ký ASEAN.
Từ 1977 đến 2004, Hoa Kỳ – ASEAN đã tiến hành 17 lần đối thoại thông qua các Hội nghị Bộ Trưởng và các diễn đàn của lãnh đạo cấp cao.
Hoa Kỳ là đối tác xuất khẩu hàng đầu của ASEAN. Tính theo giá trị ngoại thương, Hoa Kỳ hiện đứng thứ hai sau Nhật. Đầu tư của Hoa Kỳ vào ASEAN đứng thứ hai trong số các nước bên ngoài đầu tư vào ASEAN.
- Sẽ tiến tới FTAAP
21 nền kinh tế châu Á- Thái Bình Dương (APEC) bày tỏ mong muốn thúc đẩy một FTA trong toàn khu vực (FTAAP).
Hội nghị Bộ trưởng APEC lần thứ 21 ngày 12-11-2009 ra tuyên bố chung bày tỏ nguyện vọng này.
Chuẩn bị cho FTAAP, 21 thành viên APEC (hiện chiếm hơn 40% dân số thế giới, 54,2% GDP và 43,7% kim ngạch thương mại toàn cầu) đặt mục tiêu dỡ bỏ hoàn toàn rào cản thương mại trong khối, tiến tới dỡ bỏ các rào cản không chỉ trong nội khối mà cả đối với các nền kinh tế ngoài APEC.
+ Các FTA Việt Nam tham gia
Ngoài các FTA ký trong khối và với các đối tác ngoài khối với tư cách là thành viên ASEAN, Việt Nam còn ký và đang đàm phán một loạt các thoả thuận song phương khác về hợp tác kinh tế thương mại:
- Hiệp định Thương mại Song phương Việt Nam – Hoa Kỳ (BTA) ký kết vào ngày 13-7-2000 (hiệu lực từ ngày 11-12-2001), không chỉ đề cập tới thương mại hàng hóa, mà còn về thương mại dịch vụ, quyền sở hữu trí tuệ và đầu tư.
- Hiệp định khung về Thương mại và Đầu tư Việt Nam – Hoa Kỳ (TIFA), được ký tháng 6-2007 nhằm mở rộng hợp tác kinh tế - thương mại song phương.
- Hiệp định Đối tác Kinh tế Việt Nam – Nhật Bản (JVEPA) được ký tại Tokyo ngày 25-12-2008, về thương mại hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, sở hữu trí tuệ, cạnh tranh, hợp tác kinh tế.
- Đang đàm phán FTA với Chilê, hiện đã nhất trí về các vấn đề cơ bản, triển khai các đàm phán kỹ thuật.
- Đang đàm phán Hiệp định Khuyến khích và Bảo hộ đầu tư với Canada: đã có 3 phiên chính thức và đạt được một số bước tiến quan trọng về cam kết, cách tiếp cận và danh mục bảo lưu.
- Đang đàm phán Hiệp định Đầu tư Song phương Việt Nam – Hoa Kỳ (BIT): đã tiến hành được 2 phiên đàm phán, xác định mối quan tâm của mỗi bên.
- Năm 2009, Việt Nam quyết định tham gia với tư cách quan sát viên Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược Xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Hiệp định này được ký giữa Chilê, New Zealand, Singapore và Brunei từ năm 2005. Đến cuối năm 2008, TPP có thêm Hoa Kỳ, Australia và Pêru.
TPP là một FTA với các lĩnh vực cam kết rộng hơn, không chỉ về thương mại, dịch vụ, mà còn quy tắc xuất xứ, thủ tục hải quan, các biện pháp cứu trợ thương mại, vệ sinh kiểm dịch, rào cản kỹ thuật, chính sách cạnh tranh, sở hữu trí tuệ, môi trường, giải quyết tranh chấp, hợp tác, minh bạch hóa…
+ Chủ động trong các mối liên kết kinh tế
Sau chiến tranh lạnh, các mối liên kết, hợp tác trên thế giới nổi lên về thương mại, kinh tế. Xu thế này phát triển nhanh và không tránh khỏi. Sự bế tắc trong việc đàm phán FTA toàn cầu dẫn đến việc các khu vực, các nhóm bạn hàng liên kết với nhau, mở rộng dần.
Cạnh tranh ngày càng mạnh hơn, khoa học kỹ thuật đóng vai trò ngày càng lớn thúc đẩy chuyển giao công nghệ và phân công lao động quốc tế, tạo cơ hội mới cho các nền kinh tế đang phát triển nhanh chóng vươn lên. Tham gia các FTA là nắm lấy cơ hội này, hội nhập với các vấn đề kinh tế quốc tế để tạo môi trường thuận lợi cho phát triển đất nước.
Một chuyên gia kinh tế thế giới nhận xét: Ở châu Á, vấn đề dễ đồng thuận nhất là kinh doanh.
Bên cạnh khát vọng vươn lên của mỗi nền kinh tế và dân tộc, tiếng nói chung lớn nhất là hợp tác làm ăn. Mỗi thành viên của mỗi mối quan hệ song phương và đa phương trong một khối liên kết đều đang hướng sự chủ động của mình vào việc điều hành các mối quan hệ kinh tế.
Đó là một cách hiệu quả nâng cao tiếng nói, vai trò và vị thế trong các mối quan hệ quốc tế thời làm ăn kinh tế.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét