Công tác tôn tạo các mốc cũ, cắm thêm các mốc mới trên đường biên giới Việt Nam – Lào được xác định sẽ tăng tốc trong năm 2010.
Sở dĩ phải tăng tốc, vì khối lượng công việc theo kế hoạch năm 2009 không hoàn thành, do những điều kiện khó khăn về địa hình, thời tiết không thuận lợi, mưa nhiều, nhất là hai cơn bão lớn trong năm qua gây nhiều thiệt hại và trở ngại cho công tác.
Mục tiêu tăng tốc là cắm các mốc còn chưa kịp làm trong kế hoạch năm 2009 và phấn đấu đạt và vượt chỉ tiêu cắm 237 vị trí mốc theo kế hoạch năm 2010.
Theo tiến trình, Việt Nam và Lào phấn đấu đến năm 2014 sẽ hoàn tất việc cắm các cột mốc trên đường biên giới chung, dài 2067 km dọc theo 10 tỉnh.
Nhiều khu vực biên giới Việt – Lào từng là chiến trường khốc liệt trong những năm nhân dân hai nước Việt -Lào kề vai sát cánh chống hai cuộc chiến tranh xâm lược của Pháp và Mỹ, nơi sinh ra những con đường mòn chiến lược vắt ngang dọc qua đỉnh Trường Sơn tiếp tế cho tiền tuyến lớn. Bom đạn, mưa lũ… làm mờ những dấu mốc.
Các cuộc đàm phán xác định lại một số điểm đường biên được tiến hành ngay sau chiến tranh, với tinh thần hiểu biết và tôn trọng lịch sử và chủ quyền của nhau, hai nước đã nhanh chóng ký Hiệp ước về đường biên giới vào năm 1977, và đến năm 1987, đã hình thành cơ bản một đường biên giới chính thức trên thực địa với 199 mốc quốc giới.
Hơn 20 năm trôi qua, các cột mốc được dựng vào thời hai nước vừa ra khỏi chiến tranh, còn nhiều khó khăn, nay đã xuống cấp, hư hỏng nặng.
Công việc hiện nay, từ năm 2008, là tôn tạo các cột mốc cũ, cắm thêm các cột mốc mới với dự kiến hoàn thành vào năm 2014.
Tính đến hết tháng 11-2009, hai bên đã khảo sát được 152 vị trí/162 cột mốc, triển khai xây dựng 87/92 cột mốc.
Tại Hội nghị Triển khai công tác tăng dầy và tôn tạo hệ thống mốc quốc giới Việt Nam - Lào ngày 25-3-2008, Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm, Trưởng Ban Chỉ đạo Nhà nước về phân giới, cắm mốc biên giới chỉ đạo cần sớm hoàn thành công trình đặc biệt quan trọng của hai quốc gia, có ý nghĩa lớn về an ninh, chính trị và thực tiễn, tạo điều kiện thuận lợi cho việc sinh sống của nhân dân hai bên biên giới.
Mục tiêu quy hoạch vùng biên giới Việt-Lào đến 2020 được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phê duyệt là trở thành cửa ngõ giao lưu phát triển kinh tế đối ngoại của khu vực phía Đông và Tây của cả nước.
Vùng này gồm 10 tỉnh, từ Điện Biên đến Kon Tum, với tổng diện tích đất tự nhiên hơn 95.000km2, sẽ tập trung phát triển lâm nghiệp, công nghiệp chế biến, khai thác khoáng sản, vật liệu xây dựng và nông nghiệp.
Sau khi hoàn thành việc phân giới cắm mốc trên bộ dọc tuyến biên giới Việt – Trung năm 2009, trong năm 2010 này, cùng với việc thúc đẩy các cuộc đàm phán về biên giới trên biển với Trung Quốc, Việt Nam sẽ cùng Lào tăng tốc việc tôn tạo, cắm mốc trên biên giới Việt – Lào và tăng cường đàm phán với Campuchia nhằm mục tiêu hoàn thành công tác phân giới cắm mốc đường biên giới trên đất liền với nước này vào năm 2012.
Cũng giống như nhiều đường biên giới giữa các nước do lịch sử để lại, việc cùng nhau xác định một cách khoa học là công việc phức tạp, đàm phán kéo dài, nhưng là việc cần kiên trì làm, để xây dựng các đường biên giới hoà bình, hữu nghị và hợp tác giữa các nước láng giềng.
So với nhiều trường hợp khác trên thế giới, Việt Nam cùng các láng giềng của mình đã nỗ lực giải quyết các tồn đọng do lịch sử để lại, giữ vững chủ quyền quốc gia bằng con đường đàm phán hoà bình.
Đó cũng là một minh chứng về đường lối đối ngoại nhất quán của Việt Nam là độc lập tự chủ, bình đẳng, hữu nghị và hợp tác.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét