Thứ Tư, 17 tháng 3, 2010

Hộ chiếu điện tử: Xu hướng tất yếu

Sau vài năm chuẩn bị, bắt đầu từ năm 2011, công dân Việt Nam sẽ được cấp hộ chiếu điện tử, thay vì hộ chiếu thường như hiện nay. Văn phòng Chính phủ vừa thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ về Đề án quốc gia “Sản xuất và phát hành hộ chiếu điện tử Việt Nam”, theo đó ấn định thời hạn thực hiện là năm 2011.

Trước đây, Cục Quản lý xuất nhập cảnh (Bộ Công an) từng dự kiến triển khai hộ chiếu điện tử vào năm 2009, nhưng cần thêm thời gian để hoàn thiện kỹ thuật và phối hợp đồng bộ với các ngành.

Mục tiêu đến năm 2015 là 100% hộ chiếu được cấp cho công dân Việt Nam là hộ chiếu điện tử.

Đây là một khâu hiện đại hoá, áp dụng công nghệ thông tin, cải tiến thủ tục hành chính.

+ Nhanh chóng chuyển sang điện tử hoá

Hiện nay trên thế giới đã có 45 nước sử dụng hộ chiếu điện tử, nhiều nước đã sớm đưa vào sử dụng loại hộ chiếu này từ giữa những năm 2000.

Cuối năm 2005, Đức là nước EU đầu tiên đưa vào sử dụng chiếu điện tử. Phiên bản đầu tiên có hình dạng giống như các loại hộ chiếu hiện hành nhưng được gắn thêm một con chíp điện tử mỏng ở bìa sau, trong đó có các dữ liệu như họ tên, ngày sinh, số hộ chiếu...

Từ đầu năm 2006, Pháp, Nhật Bản, Thụy Sĩ và Australia đã thực hiện cấp hộ chiếu điện tử. Tại Đông Nam Á, Singapore và Malaysia là nước tiên phong trong lĩnh vực này.

Nước có “băn khoăn một chút” là Hoa Kỳ. Sau vụ 11-9 và các vụ tấn công bằng công nghệ thông tin khác, Hoa Kỳ lo việc triển khai loại hộ chiếu này có thể bị tin tặc từ xa tấn công và đọc được dữ liệu.

Tuy nhiên, từ năm 2006, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã khẳng định thế hệ hộ chiếu điện tử mới ứng dụng công nghệ sinh trắc học sẽ giúp tạo nhiều thuận lợi hơn cho việc kiểm soát đi lại và an ninh.

Những hộ chiếu điện tử đầu tiên được cung cấp thông qua Bộ Ngoại giao và đến tháng 10-2006 được cung cấp tại các ban quản lý địa phương và sở bưu điện trên khắp nước Mỹ.

Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã chính thức đưa vào sản xuất đại trà loại hộ chiếu mới vào cuối năm 2006 và mở rộng việc sản xuất này từ năm 2007.

Hàn Quốc cấp hộ chiếu điện tử cho công dân từ ngày 25-8-2008. Hàn Quốc làm rất nhanh bởi đây là điều kiện tiên quyết để Hàn Quốc tham gia chương trình miễn thị thực vào Hoa Kỳ (vào Hoa Kỳ trong ba tháng không cần xin visa).

Nước mới nhất áp dụng hộ chiếu điện tử là Nga. Từ ngày 1-3-2010 Nga sẽ cấp hộ chiếu phổ thông điện tử cho công dân.

Riêng với hộ chiếu ngoại giao và hộ chiếu công vụ, Nga sẽ bắt đầu cấp hộ chiếu điện tử vào ngày 1-10-2010.

+ Áp dụng công nghệ mới

Công nghệ giống nhau, nhưng yêu cầu khác nhau. Mỗi nước đặt ra những yêu cầu quản lý riêng của mình, ngoài những cái chung nhất như hộ chiếu thông thường.

Chẳng hạn, trong hộ chiếu điện tử của Nga, con chíp điện tử lưu các thông tin về họ tên, giới tính... còn có các thông tin nhận dạng sinh trắc học như nhóm máu, vân tay, khuôn mặt....

Hộ chiếu điện tử của Mỹ có chữ ký điện tử để bảo vệ cơ sở dữ liệu đã được lưu trữ khỏi bị thay đổi và giúp giảm sự thay thế ảnh. Ảnh số sẽ cho phép so sánh sinh chắc học sử dụng công nghệ nhận dạng tại các cửa khẩu quốc tế.

Con chip điện tử sử dụng giao thức kết nối qua sóng radio gắn trên hộ chiếu. Nó còn được gọi là RFID (Radio Frequency Identification) chứa thêm các thông tin sinh trắc học của chủ hộ chiếu.

Bảo mật là một nỗi lo ngại. Một chuyên gia bảo mật người Đức đã trình diễn bẻ khoá một con chip RFID ngay tại Hội nghị Black Hat quốc tế, tạo một hộ chiếu giả. Các kỹ thuật bảo mật đã được quan tâm và nâng cao lên nhiều.

Nhà in an ninh Bundesdruckerei (Đức) và công ty chế tạo màn hình Samsung SDI vừa cho ra mắt loại hộ chiếu thông minh. Màn hình OLED của hộ chiếu này cung cấp những dữ liệu đáng tin cậy hơn. Hộ chiếu điện tử sẽ có màn hình dẻo OLED và lưu dữ liệu video nhận dạng cá nhân.

Một trong số những tính năng khác là hộ chiếu điện tử có chứa các vật liệu chống đọc (anti-skimming) ở mặt trước và trong lõi nhằm ngăn chặn xâm nhập dữ liệu của con chip.

Không những thế, để đọc được dữ liệu trong con chip cần phải có một mã khoá đặc biệt và trong các thiết bị đọc đều có chương trình phát hiện nhanh việc sao chép thông tin.

Các linh kiện điện tử của con chíp được cấu tạo bằng vật liệu đặc biệt và các biện pháp chống va đập, xước, gãy, chống nhiệt, ẩm…để bảo vệ và hoạt động ổn định.

Với việc triển khai hộ chiếu điện tử đồng loạt tại nhiều nước, các chuyên gia cho rằng việc kiểm soát an ninh sẽ bảo đảm chính xác, an toàn và nhanh hơn, tạo điều kiện thúc đẩy giao lưu quốc tế.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét