Thứ Ba, 16 tháng 3, 2010

Metro: Mạng lưới giao thông của TPHCM tương lai


Ách tắc giao thông tại TPHCM trở thành một vấn nạn và là một trong những vấn đề nổi cộm cần giải quyết để tạo điều kiện phát triển. Một trong những giải pháp cơ bản là xây dựng hệ thống metro.

Nhiều năm qua, hệ thống giao thông mới này được thảo luận, tư vấn, xem xét các phương án, tìm nguồn đầu tư… và cả đã khởi công xây dựng một số hạng mục cho tuyến đường đầu tiên.


Nhiều nhà tư vấn, đầu tư nước ngoài đã vào. Cái mới lần này là sự xuất hiện một nhân tố mới, với sự quan tâm lớn: Tây Ban Nha. Tháng 12-2009, Chính phủ Tây Ban Nha cam kết hỗ trợ 500 triệu euro cho dự án một tuyến metro tại TPHCM.


Ngay sau Tết Canh Dần, vào tháng 2-2010, phía Tây Ban Nha tỏ ý sẵn sàng triển khai ngay dự án, nghiên cứu tuyến metro số 5, làm đầu mối thu xếp vốn, chỉ định thầu và thực hiện việc xây dựng theo phương thức chìa khoá trao tay.

Với phương thức này, những khó khăn cho một công trình lớn như metro về công nghệ, thiết bị, vốn, xây dựng… được giải quyết một mối, chóng vánh, mở toang cánh cửa xây dựng sớm một tuyến metro đầu tiên để lấy kinh nghiệm và làm bàn đạp thực hiện các tuyến còn lại.

UBND TPHCM đã trình Chính phủ trong cuộc họp hôm 15-3-2010, nhằm giải quyết ách tắc giao thông tại thành phố.

Sự hợp tác nhanh chóng và thuận lợi của phía Tây Ban Nha mở ra những chuyển động mới, đồng thời tác động tích cực vào cuộc đua giữa các nhà đầu tư nước ngoài trong việc xây dựng hệ thống metro tại TPHCM.

+ Mạng lưới giao thông của thành phố tương lai

TPHCM đang nhắm tới việc xây dựng một hệ thống metro gồm 6 tuyến, dài 107 km, với công nghệ hiện đại, nối trung tâm hiện hữu với các thành phố vệ tinh đang cùng lúc triển khai.

Tuyến số 1: Bến Thành - Suối Tiên (vốn là tuyến số 3 trong Quy hoạch) nhưng lại được khởi công xây dựng đầu tiên từ năm 2008.

Tuyến này có chiều dài 19,7 km, trong đó có 2,6 km đi ngầm trong trung tâm thành phố và 17,1 km đi trên cao. Công trình có đầu tư khoảng 1.091 triệu USD do Ngân hàng Hợp tác quốc tế Nhật Bản cho vay với hình thức ODA.

Bắt đầu ở chợ Bến Thành đi ngầm giữa đường Lê Lợi qua bên hông Nhà hát TP đến Ba Son rồi chuyển lên trên cao. Vượt qua đường Nguyễn Hữu Cảnh, sát công viên Văn Thánh, qua đường Điện Biên Phủ, vượt sông Sài Gòn tại khu vực Nhà hàng Tân Cảng, theo hành lang xa lộ Hà Nội, qua sông Rạch Chiếc, đến gần ga Suối Tiên chuyển qua phía Nam xa lộ Hà Nội, kết thúc ở depot Long Bình, quận 9.

Tuyến này dự kiến hoàn tất giải phóng mặt bằng, di dời hạ tầng kỹ thuật trong tháng 9-2010 để khởi công gói thầu thứ nhất vào cuối năm. Sang năm 2011 sẽ tiến hành các gói còn lại và hoàn thành vào tháng 6-2014, thử nghiệm 6 tháng và đưa vào sử dụng từ tháng 1-2015.

Tuyến số 2 có tổng chiều dài 20 km, từ Thủ Thiêm đến bến xe An Sương. Giai đoạn 1 sẽ xây dựng đoạn từ Bến Thành đến Tham Lương dài 11,3 km, với số vốn hơn 1,2 tỉ USD. Giai đoạn 2 từ Bến Thành đi Thủ Thiêm và từ Tham Lương đi Tây Ninh.

Việc triển khai tuyến này trong năm nay bao gồm xét duyệt nghiên cứu khả thi, ký hiệp định vay vốn… nhằm mục tiêu đưa vào sử dụng vào năm 2016.

Tuyến số 3 dài 24 km được chia làm hai tuyến 3a và 3b. Tuyến 3a dài 16 km từ Bến Thành đi Tân Kiên (Bình Chánh). Năm 2010 trình duyệt dự án đầu tư, bàn giao mốc, xây tường bảo vệ, san lấp mặt bằng, đấu thầu xây lắp…

Tuyến 3b dài 12 km từ Ngã Sáu Cộng hoà tới Hiệp Bình Phước, trong năm nay sẽ trình dự án đầu tư, san lấp mặt bằng, xây tường bảo vệ…

Tuyến số 4 dài 24 km đi từ Gò Vấp tới Nhà Bè. Hiện tuyến này đang có các nhà đầu tư Nga và Trung Quốc bày tỏ mong muốn thực hiện. Quy hoạch đang được điều chỉnh bổ sung. San lấp mặt bằng, xây tường và nhà bảo vệ.

Tuyến số 5, dài 17 km, từ Cần Giuộc đến cầu Sài Gòn. Chính phủ Tây Ban Nha tài trợ 775.000 euro cho nghiên cứu khả thi. Chính phủ Việt Nam và Tây Ban Nha đã ký bản ghi nhớ về tài trợ 500 triệu euro cho một tuyến metro. TPHCM kiến nghị Chính phủ dành khoản này cho tuyến metro số 5.

Tuyến số 6 dài 6,2km, từ Bà Quẹo đến Phú Lâm. Nghiên cứu khả thi được thực hiện từ nguồn tài trợ của Tây Ban Nha. Hiện đang tìm đối tác đầu tư, dự kiến khoảng 320 triệu USD.

Cả 6 tuyến metro này đều kết nối giữa khu vực Bến Thành với các khu vực có mật độ dân cư cao, các đô thị vệ tinh trong tương lai (với đô thị khoa học kỹ thuật cao ở quận 9, các khu dân cư, đô thị mới ở Nam Sài Gòn…).

+ Mở rộng hợp tác quốc tế

Rất nhiều nhà tư vấn, kỹ thuật, đầu tư nước ngoài quan tâm đến dự án xây dựng hệ thống metro tại TPHCM ước tính có tổng vốn đầu tư hơn 5 tỷ USD. Nhiều nhà tư vấn, nhà thầu nước ngoài xuất hiện, làm sôi động thị trường đầu tư metro tại TPHCM, mở ra nhiều cơ hội hợp tác quốc tế.

Hãng Siemens của Đức tham gia rất sớm, từ năm 2003, vận động Bộ Kinh tế và Lao động Đức tài trợ khoảng 600.000 USD để lập dự án 2 tuyến metro đầu tiên. Siemens cũng ráo riết tiếp cận các nhà tài trợ nhằm huy động nguồn vốn trị giá 800 triệu euro cho dự án.

Siemens còn tích cực vận động nguồn vốn từ Đức và Áo và cả từ ADB cũng như vốn vay tín dụng xuất khẩu từ các ngân hàng Đức.

Tập đoàn tài chính Jobrus của Nga cũng từng sớm ký ghi nhớ lập nghiên cứu tiền khả thi triển khai 3 tuyến metro trong nội thành với kinh phí ước tính có thể lên tới 1,3 - 1,4 tỷ USD.

Mặc dù TPHCM đồng ý chấp nhận Jobrus tham gia xây dựng một tuyến metro, nhưng hãng này gặp khó khăn tài chính. Tập đoàn đường sắt Thượng Hải xin thay thế xây dựng tuyến metro thứ hai với kinh phí đầu tư ước tính hơn 500 triệu USD cho 11 km đầu tiên.

Nhờ có một số tập đoàn công nghiệp lớn tài trợ (khoảng 400.000 USD) nên Cơ quan Dịch vụ kỹ thuật đường sắt Nhật Bản (JARTS) có “lực” theo đuổi dự án metro này.

Trong khi thúc đẩy triển khai các công trình của tuyến số 1, các phương án góp vốn cho tuyến thứ 2 (Bến Thành-Tham Lương) cũng được Chính phủ đồng ý: hợp vốn của các nhà tài trợ Ngân hàng Tái thiết Đức (KfW), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và Ngân hàng Đầu tư châu Âu (EIB)…

Tây Ban Nha hỗ trợ không hoàn lại cho TPHCM trong việc khảo sát, nghiên cứu và lập dự án hai tuyến metro. Idom Ingenieria Consultoria S.A (Tây Ban Nha) vừa trở thành nhà tư vấn lập nghiên cứu khả thi xây dựng hai tuyến metro số 5 và số 6 tại TPHCM.

Theo thỏa thuận, nhà thầu tư vấn này sẽ lập nghiên cứu khả thi cho hai tuyến metro số 5 Sài Gòn - Cần Giuộc với chi phí 718.035 euro và số 6 Bà Quẹo-Phú Lâm với chi phí 548.330 euro.

Tây Ban Nha hỗ trợ 900.000 euro xây dựng tuyến metro số 5. Dự kiến giai đoạn 1 của dự án sẽ được khởi công năm 2011 và đưa vào sử dụng năm 2015.

Năm năm nữa, khi hệ thống metro của TPHCM đi vào hoạt động, sẽ giúp giảm đáng kể các phương tiện di chuyển cá nhân, giảm bớt áp lực ách tắc giao thông, tạo thêm phương tiện giao thông hiện đại văn minh cho thành phố hơn 10 triệu dân.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét