Thứ Hai, 22 tháng 3, 2010

Mở thêm cửa chuẩn bị cho phối hợp phát triển

Trạm kiểm soát liên hợp cửa khẩu quốc tế Hoa Lư (tỉnh Bình Phước) được chính thức khánh thành bằng một buổi lễ trọng thể hôm 20-3-2010, có sự tham dự của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết cung nhiều lãnh đạo chính phủ của Việt Nam, Campuchia, Lào.

Cửa khẩu quốc tế mới này nằm trên trục đường chính giữa Việt Nam và Campuchia, là con đường ngắn nhất nối Việt Nam, Campuchia, Lào với Thái Lan, được mô tả là du khách có thể trong một ngày ăn bốn bữa tại bốn nước.

Cùng với sự kiện này là việc công bố quyết định quy hoạch xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Hoa Lư đến năm 2025, khẳng định tương lai phát triển của một vùng biên cương.

+ Hệ thống huyết mạch và những chiếc máy bơm

Quan trọng hơn, khu vực này sẽ là điểm nối ray giữa hệ thống đường sắt xuyên Á với Việt Nam. Tuyến đường sắt SKRL với các nhánh chính, xuất phát từ Singapore qua Malaysia, Thailand, Campuchia rồi vào Việt Nam qua cửa khẩu này, nối với đường sắt Thống Nhất, lên Lào Cai rồi sang Trung Quốc, tới Côn Minh.

Một hệ thống đường bộ xuyên Đông Dương, xuyên Á cũng tập trung mối nối tại đây. Quốc lộ 13 của Việt Nam nối Sài Gòn, các khu công nghiệp ở Bình Dương, Chơn Thành ra cửa khẩu Hoa Lư sang Campuchia.

Từ ngã ba Snuol quẹo trái về Phnom Pênh, quẹo phải theo đường 7 đi Stung Treng rồi sang Lào, nối vào quốc lộ 13 của Lào, một trục xương sống chạy dọc Lào tới Trung Quốc.

Nhìn ở tầm khu vực, trục đường số 4 của Campuchia từ cảng Sihanouk Ville tới Phnom Pênh, nối qua đường 7 sang đường 13 của Lào song song với đường Hồ Chí Minh dọc Trường Sơn và song song với quốc lộ 1 của Việt Nam tạo ra những huyết mạch chính của khu vực.

Ba trục chính này sẽ tải trên mình năng lượng cho nền kinh tế của ba nước Đông Dương, kết nối với khu vực kinh tế đang phát triển mạnh tại Côn Minh, Trung Quốc.

Giống như đường 9 từ nam Lào cắt ngang tới Đông Hà, đường 13 nối từ Hoa Lư về Chơn Thành để rẽ sang đường 14 (Hồ Chí Minh) và về Sài Gòn nối qua đường 1 là một trong các nhánh ngang quan trọng, ở những vị trí trọng điểm kinh tế.

Giống như cửa khẩu Lao Bảo, cả một khu kinh tế thương mại quan trong mở ra ở đầu đường 9, tại khu vực cửa khẩu Hoa Lư, cũng sẽ xuất hiện một Khu kinh tế cửa khẩu.

Các khu kinh tế cửa khẩu trên những giao điểm của các con đường huyết mạch trong khu vực, như những chiếc máy bơm đấu giữa các ống dẫn, tiếp thêm sức cho nền kinh tế.

+ Từ ngõ cụt vươn ra thông thương

35 năm trước, khi chiến tranh vừa kết thúc, khu vực Lộc Ninh Bình Phước như một ngõ cụt xét về phát triển kinh tế. Đường đến Lộc Ninh còn hoang tàn cày xới bom mìn.

Trước đó, năm 1973, khu vực này là thủ phủ của chính quyền CMLT MNVN, với Nhà Giao tế, trụ sở của Bộ Ngoại giao Chính phủ CMLT, nổi tiếng với các buổi tiếp các đại sứ nước ngoài, trao trả tù binh, họp báo quốc tế…

Đó cũng là ngả đường thông thương quốc tế, điểm cuối của đường Hồ Chí Minh trên bộ, toả đi các chiến trường Đông Dương. Những cánh rừng nhiệt đới, những đồn điền cao su, điều, những con đường mòn biên giới trở thành những đại lộ hợp tác trong kỷ nguyên phát triển.

Cấu trúc phát triển không gian Khu Kinh tế là dựa trên các trục giao thông chính gồm trục quốc lộ 13, trục đường sắt Xuyên Á liên kết với các khu chức năng.

Khu Kinh tế cửa khẩu Hoa Lư sát với Campuchia có diện tích 286km2, bao gồm 5 xã, thị trấn thuộc huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước được định hướng phát triển khu kinh tế cửa khẩu gồm: thương mại - dịch vụ, khu phi thuế quan, khu đô thị, sản xuất, rừng phòng hộ...

Tính đến tháng 10-2009, đã có 51 nhà đầu tư đăng ký đầu tư vào KKTCK Hoa Lư, 11/21 doanh nghiệp được UBND tỉnh giao đất đã và đang tiến hành triển khai xây dựng dự án và 9 doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký 635,4 tỷ đồng.

Trạm Kiểm soát liên hợp cửa khẩu quốc tế Hoa Lư là một trong những dự án của Khu kinh tế cửa khẩu được đầu tư trên 19 tỷ đồng, là cơ quan liên hợp hải quan, biên phòng, kiểm dịch y tế, kiểm dịch thực vật, công an xuất nhập cảnh… tạo thuận lợi cho việc giao lưu hàng hóa qua biên giới nhanh chóng.

Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Hoa Lư được coi là một điểm tựa góp phần thúc đẩy sự phát triển của ba nước Việt Nam – Lào – Campuchia.

Trong tương lai, một tuyến đường bộ cao tốc từ Hoa Lư đi Chơn Thành sẽ được xây dựng. Đây là điểm nối giữa quốc lộ 13 và 14, thông với đường Hồ Chí Minh.

Bình Phước từng là một trong những căn cứ cánh mạng trong chiến tranh đang phát triển nhanh chóng trong thời kỳ hội nhập quốc tế. Với việc phát triển cây điều mạnh mẽ (cả về diện tích, năng suất, thu hoạch, xuất khẩu), Bình Phước đang trở thành thủ phủ của ngành công nghiệp trồng và chế biến điều của Việt Nam và thế giới.

Việc mở thêm cửa khẩu quan trọng Hoa Lư và tạo điều kiện phát triển kinh tế cửa khẩu tại đây là một bước chuẩn bị cho kết nối hệ thống đường bộ và đường sắt xuyên Á, phối hợp phát triển giữa các nước Đông Dương, ASEAN và các đối tác, đón đầu sự phát triển mạnh mẽ trong khu vực kinh tế năng động.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét