Thứ Ba, 23 tháng 3, 2010

“Thương hiệu pháo hoa”

Cuộc thi Bắn pháo hoa Quốc tế Đà Nẵng 2010, diễn ra ven sông Hàn trong hai đêm, 27 và 28-3-2010 với 5 đội Mỹ, Nhật, Pháp và Bồ Đào Nha cùng chủ nhà Đà Nẵng.

“Huyền thoại Sông Hàn” là chủ đề của cuộc thi năm nay, nhân kỷ niệm 35 năm ngày giải phóng Đà Nẵng và là một trong các hoạt động lễ hội lớn của các địa phương hướng về đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội.

Cuộc thi còn là một sự kiện giao lưu văn hoá quốc tế, lễ hội du lịch, thu hút đông đảo người tham gia với nhiều chương trình ca nhạc, thuyền hoa, hoa đăng... Trong hai đêm, các chương trình được truyền hình trực tiếp trên sóng VTV1, VTV4, DVTV và DRT.

Đà Nẵng đang nóng lên bởi các công việc chuẩn bị. Thành phố rợp sắc mầu băng rôn, cờ, phướn, cổng chào…Các khách sạn, nhà hàng, nơi tổ chức xem bắn pháo hoa, các tour du lịch, các đầu mối phương tiện giao thông… đang đua nhau cung cấp các dịch vụ gia tăng.

+ Những câu chuyện lịch sử kể bằng pháo hoa

Rút kinh nghiệm 2 lần tổ chức trước, lần này một khán đài 30.000 chỗ ngồi được xây dựng. 500 ghế VIP, 10.000 ghế sẽ bán cho khách du lịch với giá 200.000 đồng/người.

Nhiều khách sạn, nhà dân ven sông Hàn cũng tổ chức bán vé các chỗ ngồi, thậm chí một số công ty còn đang tính việc “hạ thuỷ”, đưa người xem xuống sông trên các thuyền, nhà nổi…

Chỗ xem căng đến mức một chỗ đứng trên sân thượng cũng có giá tới 120.000, với điều kiện không được đem theo chân máy ảnh hay máy quay phim, vì sẽ tốn thêm diện tích.

Mỗi đội có thời gian khoảng 20 phút để thể hiện tài năng kể chuyện bằng … hình ảnh pháo hoa. Câu chuyện chính xoay quanh Huyền thoại sông Hàn.

Đội Pháp dự kiến sẽ dùng pháo hoa kể về câu chuyện tình lãng mạn Âu Cơ – Lạc Long Quân, mang tên “Huyền thoại tiên Âu Cơ và Rồng Vàng”.

Dài 20 phút 30 giây, các đợt pháo hoa sẽ mô tả nàng tiên Âu Cơ xuống hạ giới. Nỗi buồn không thể trở về thiên đình làm nàng tuôn nước mắt thành dòng sông Hàn.

Mầu sắc, khắc họa tinh xảo, nhạc du dương, pháo hoa được dùng để tường thuật và thể hiện tình cảm, lúc vút lên cáo trào, lúc oà vỡ trong hân hoan…

Đội Bồ Đào Nha chọn trình diễn màn bắn pháo được cho là độc nhất vô nhị: “Rồng và lửa – Nơi truyền thuyết khai sinh” để tái hiện lịch sử dòng sông.

Dự kiến kể về thời điểm khi truyền thuyết về rồng và tiên bao trùm cả đất trời, đội Bồ Đào Nha cân nhắc lựa chọn các hiệu ứng cảm nhận, phối hợp nghe nhìn, tạo hình ảnh rồng tiên, đưa đến những cảm giác trải nghiệm mới về pháo hoa.

Đội Nhật Bản dự tính kết hợp nhuần nhuyễn phong cách hiện đại lẫn truyền thống trong màn biểu diễn dài 24 phút 30 giây, dùng các loại pháo hoa tốt nhất kết hợp nền nhạc và ánh sáng rực rỡ từ pháo hoa miêu để tả bầu trời đêm sông Hàn.

Đội Nhật hy vọng với hơn 150 màn trình diễn pháo hoa mỗi năm trên khắp thế giới, sẽ tạo nên những hình ảnh rồng bay lên trời cao bằng pháo vàng; rồng đẻ trứng bằng pháo hiệu ứng hình tròn; diễn tả sự phát triển của Ngũ Hành bằng cách bắn từ 5 địa điểm khác nhau; thể hiện hình ảnh một cảng biển sôi động với các loại tàu lớn nhỏ bằng pháo hoa với kích thước khác nhau...

Đội Hoa Kỳ sẽ trình diễn pháo hoa dài 24 phút 8 giây trên nền nhạc Rock n" Roll sôi động, sẽ nhấn mạnh những hiệu quả mới với nghệ thuật trình diễn cao.

Với chủ đề “Huyền thoại sông Hàn”, đội chủ nhà Đà Nẵng – Việt Nam sẽ trình diễn 5 phần, mô tả dòng sông Hàn cùng mảnh đất Đà Nẵng từ thời khai thiên lập địa, rồng và tiên xuất hiện sinh ra dòng sông, cho đến những giai đoạn lịch sử dựng nước, giữ nước, xây đắp cuộc sông mới, mở rộng giao lưu, chào đón bạn bè…

+ Sự kiện giao lưu văn hoá hằng năm đáng chú ý

Cho đến nay, các hợp đồng tài trợ cho cuộc thi này đã đạt hơn 25,4 tỷ đồng và ban tổ chức sẽ tiếp tục tiếp nhận tài trợ đến hết ngày 26-3.

Ước tính có khoảng 70.000 lượt người đổ về sông Hàn để xem thi bắn pháo hoa, tăng 40% so với năm ngoái. 9.800 phòng lưu trú dọc sông Hàn đã kín chỗ từ tháng 2.

“Cháy phòng”, “khoá sổ”… là những từ quen thuộc trong cuộc tìm kiếm chỗ nghỉ tại Đà Nẵng dịp này, vang lên trên các diễn đàn du lịch. 312 khách sạn, nhà khách, nhà nghỉ tại Đà Nẵng không đủ, thành phố đã liên kết với 76 khách sạn ở Hội An và 20 khách sạn ở thị trấn Lăng Cô, Thừa Thiên - Huế để đưa du khách về.

2.000 du khách sẽ lưu trú tại nhà người thân mỗi đêm. Loại hình homestay cũng được nhiều công ty du lịch tính đến để phục vụ du khách vào dịp này.

Cắm trại, nghỉ qua đêm tại các bãi biển, cũng được tổ chức cho các đoàn khách gia đình, sinh viên.

Tương tự như kiếm chỗ ở, việc kiếm vé máy bay đến Đà Nẵng cũng có những từ tương tự: "Cháy" vé máy bay, “hết chỗ”, “cạn vé” …

Website của hàng hàng không Vietnam Airlines (VA) từ nhiều ngày qua đã thông báo hết vé đến Đà Nẵng. VA đang tính toán sẽ tăng 42 chuyến bay đến Đà Nẵng từ ngày 25 đến 29-3.

Jetstar Pacific cho hay trong hai ngày 27 và 28-3, đã lấp đầy ghế.

Hãng hàng không SilkAir (Singapore) sẽ tăng thêm một chuyến bay trên chặng Đà Nẵng - Singapore và chiều khứ hồi.

Các hãng xe khách, taxi tại Đà Nẵng cũng được dự báo sẽ phải hoạt động hết công suất.
Đà Nẵng đang trang hoàng lại chuẩn bị đón ngày hội pháo hoa. Hàng loạt nhà hàng, tiệm ăn bắt đầu vào cuộc. Các nhà hàng nổi trên sông Hàn hút khách nhất.

Ban tổ chức cho in nhiều thông tin chi tiết hướng dẫn đường đi, vị trí các tuyến xe công cộng, chỗ gửi xe..., bố trí các lực lượng bảo vệ, hướng dẫn du khách chu đáo.

Lần thứ ba tổ chức thi bắn pháo hoa quốc tế, Đà Nẵng đang trở thành một thương hiệu về tổ chức sự kiện này. Đó cũng là dịp quảng bá cho thành phố, thu hút du khách quốc tế, tăng cường giao lưu văn hoá, một sự kiện giao lưu văn hoá hằng năm đáng chú ý.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét