Thứ Tư, 2 tháng 6, 2010

Trường Sa – Miền xanh cực Đông


Khó tưởng tượng trước được Trường Sa lại xanh và đẹp đến thế. Hình ảnh đầu tiên của Trường Sa hiện ra thật ấn tượng: một dải xanh lá cây lăn tăn sóng trắng giữa bao la xanh đậm của đại dương. Sự sống ánh lên từ những mái ngói đỏ nhấp nhô, những cánh chong chóng điện gió reo rít trên những cây cột trắng toát…

Nắng, gió, sóng, những doi cát, đường băng bê tông hầm hập được làm mát không chỉ bằng hơi biển, mà chính là những rặng cây. Những loài cây ở Trường Sa chắc khoẻ, tràn nhựa sống, xanh mướt mát, tán rộng, lá dày.

Cây cối ở Trường Sa, chả biết cứ theo thuyết Darwin, hay được lựa chọn những đại biểu xứng đáng để sống hiên ngang nơi đầu sóng ngọn gió. Những cây Tra, cây Bàng vuông toả bóng, đua chen với những loài cây không biết ai đặt tên rất gợi dáng: cây Phong Ba, cây Bão Táp.

Các cụ chơi cây cảnh tâm đắc với những cây thế. Xiêu vẹo, trơ tróc như tùng bách mà vẫn hiên ngang, hay khẳng khiu, rơi rụng mà vẫn “mai cốt cách, tuyết tinh thần” để người cả đời phải cúi đầu.

Cây Phong Ba ở Trường Sa giống cây sứ mà lại có dáng dấp của tùng bách, cây Bão Táp xum xuê hoa lá, vững chãi như câu hát “Đây Trường Sa, kia Hoàng Sa, ngàn bão tố phong ba đã vượt qua, vượt qua…”

Đảo xanh như rừng. “Rừng che bộ đội, rừng vây quân thù” như lời nhà văn Thép Mới nói về cây tre trong thời kháng chiến. Ở đảo bây giờ, “trồng cây gây rừng trên biển” còn để tạo môi trường sống tốt lên.

Đảo xanh mầu rau. Cả quân và dân, tận dụng mọi nơi có thể, trồng các loại rau và cả cây thuốc nam. Rau xanh ngắt vì đất tốt và vì nguồn nước ngọt, mát rượi từ những giếng rêu phong.

Dân cư, sống trong làng trên đảo trong nhà ngói đỏ, trồng rau đánh cá, chăn nuôi. Cá chim trắng, cá bò sừng, cả những loài cá như cá chép nhưng đỏ như chuồn chuồn ớt, chắc thịt, thơm lạ lùng…

Đá Tây là một đảo nổi lấp xấp trên mặt nước biển giữa những bãi san hô và doi cát. Vào đảo chỉ có thể bằng xuồng, với sự “lai dắt” bằng sức người, đạp chân trần trên những mỏm đá ngầm trồi sụt.

Những “ngôi nhà pháo đài” chằng lẫn nhau, được lính đảo tranh thủ bồi đắp mỗi khi nước xuống. Bài thơ Nam quốc sơn hà được khắc lên đá trên mặt tiền hướng ra biển.

Một khu vực được quây lại như bè nổi, nuôi cá chim trắng. Rau có mặt khắp nơi, cải, muống, mồng tơi… vọt lên từ vườn tới hành lang, bậu cửa, ban công và cả trên những công sự.

Nhà dàn DK là những chòi thép đứng trên những cồn đá, cát ngập nước giữa biển trời bao la. Nhiều sĩ quan và chiến sĩ đã sống ở những nhà dàn như thế đã 15-16 năm.

Không ít người đã hy sinh một cách anh hùng để bảo vệ từng vị trí tiền tiêu này. Những con tàu khi đi qua vùng biển này đều trang nghiêm làm thủ tục tưởng nhớ về họ. Dừng lại thắp nhang mặc niệm, thả vòng hoa, kéo những hồi còi âm vang chào anh linh những người anh hùng.

Trên những nhà dàn của “Quần đảo đứng hiên ngang thiên hùng ca ngời sáng” này là cuộc sống người lính còn gian khổ, hy sinh, nhưng lạc quan như lời bài hát Nơi đảo xa của Thế Song: “Nước da màu nắng tươi giòn thêm ánh thép… Đây súng khoác trên vai trăng đầu núi soi hình anh đang đứng đó. Nhắn với đất liền cánh buồm chở đầy tin yêu”.

Tới Trường Sa tiền tiêu sóng gió mà cảm giác như về một miền quê đất Việt thân quen và yên bình. Mầu xanh quen thuộc, những luống rau, hàng cây quen thuộc, mái chùa cong quen thuộc với những hoành phi câu đối bằng tiếng Việt. Biển trời ở miền cực Đông Tổ quốc và chuyện làm ăn của cư dân, chuyện học hành, ca hát của trẻ nhỏ…

Trong những câu chuyện ấy, thấp thoáng những “nhu cầu của thị trường” hải đảo. Chẳng hạn, điện chủ yếu từ điện gió và điện mặt trời, cần thêm các công nghệ mới, chống sét gỉ, chống gió bão.

Nhu cầu của dân cư trên các đảo cần các sản phẩm như tạo nguồn nước ngọt, chống muỗi, xử lý rác, cho tới những dịch vụ viễn thông phục vụ nhu cầu tình cảm nối với đất liền, gia đình.

Lính đảo thời @ rảnh là chat bằng tin nhắn với gia đình, người thân. Ở đảo có sóng, nhưng lại không bán thẻ cào, có internet nhưng lại không bán cái "hộp quẹt” USB 3G để gắn vào máy tính lên internet…

Những doi cát, rặng san hô xâm xấp nước, biến ảo giữa những cung bậc xanh là nơi lý tưởng gầy dựng những khu du lịch nghỉ dưỡng đắt giá. Trên các quần đảo xa tít ngoài Thái Bình Dương như Polinesia, Maldive, Vanuatu, Fiji, Samoa…nhiều nhà đầu tư đã dựng các nhà nghỉ kiểu thuỷ tạ trên biển san hô rất hút khách. Trường Sa, với vị trí và điều kiện tự nhiên thuận tiện hơn, cũng có thể làm du lịch như thế…

Dù có đi bốn phương trời, về Trường Sa vẫn là một niềm mơ ước một đời của nhiều người. Trên các diễn đàn mạng, trong các câu chuyện đời thường, vẫn ánh lên cảm xúc ghen tỵ, mong muốn được một lần trầm mình tắm biển Trường Sa, căng lồng ngực hứng gió miền cực đông Tổ quốc hoặc đơn giản là được chơi một trận banh trên đảo hay cất cao giọng hát bên mốc chủ quyền…

“Đây Trường Sa, kia Hoàng Sa” và những nhà dàn thềm lục địa trong lòng mỗi người Việt là “mảnh đất quê ta giữa đại dương mang tình thương quê nhà”. Đó là miền xanh thiêng liêng ở cực Đông đất Việt.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét