“Nga đã được chọn làm đối tác trong việc xây dựng nhà máy điện nguyên tử đầu tiên của Việt Nam ở tỉnh Ninh Thuận”.
Dòng thông tin này được các hãng tin quốc tế lớn cùng đưa lên hôm qua, 1-6, và đều trích từ nguồn tin tiếng Anh của neimagazine.com, trang thông tin chuyên về Nuclear Engineering International, do tập đoàn thông tin thương mại toàn cầu xuất bản.
Sở dĩ các hãng tin quốc tế chú ý tin này, vì trước đó có nhiều thông tin về lựa chọn công nghệ của nhiều nước, trong đó có Pháp, Nhật, Nga… cho nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của Việt Nam tại xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận.
Bản tin hôm 1-6 của neimagazine.com trích lời ông Vương Hữu Tấn, Viện trưởng Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam cho biết “quyết định định hợp tác với Nga đã được đưa ra sau các cuộc thảo luận kỹ lưỡng với mọi bên tham gia dự án”.
Ông Tấn nói lý do chính để chọn công nghệ của Nga là do rất an toàn, giá cả phù hợp và phía Nga cũng hứa sẽ giúp Việt Nam trong vấn đề xử lý chất thải nguyên tử.
Nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của Việt Nam có công suất 1.900MW dự kiến sẽ được bắt đầu vào năm 2014 và đưa vào hoạt động vào năm 2020.
Theo kế hoạch, đến năm 2030 Việt Nam còn xây thêm khoảng 8 đến 10 nhà máy điện hạt nhân nữa, theo lời ông Tấn.
Các hãng tin quốc tế sau khi loan tin này đã “an ủi”: Tổ máy đầu tiên đã lựa chọn công nghệ của Nga, tuy nhiên, không phải vì thế mà cơ hội hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực điện nguyên tử với các nước khác bị bỏ qua.
Các đối tác Nhật theo dõi sát sao việc này và dường như đã đoán được trước kết quả. Báo kinh tế Nhật Bản Nikkei vài tháng trước đã đưa thông tin Tổng công ty Điện lực Việt Nam EVN đã khuyến nghị nên chọn Rosatom, Cơ quan năng lượng nguyên tử Nga, để nghiên cứu dự án này.
Hãng Kyodo trích nguồn tin quan chức chính phủ Nhật cho biết Thủ tướng Hatoyama quan tâm đến việc phát triển năng lượng nguyên tử ở Việt Nam và giới thiệu Nhật Bản có công nghệ tân tiến, tiêu chuẩn an toàn cao.
Chuyến thăm làm việc tại Ninh Thuận của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải ngày 28-5 vừa qua được các hãng tin quốc tế theo sát.
Cổng thông tin Chính phủ Việt Nam cho biết đoàn công tác đã thị sát địa điểm và xúc tiến triển khai dự án. Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận gồm hai nhà máy với công suất trên 4.000 MW.
Công nghệ chính là lò nước nhẹ cải tiến, thế hệ lò từ thứ ba trở lên. Tổng mức đầu tư của dự án khoảng 200.000 tỷ đồng. Năm 2014 sẽ khởi công, đưa tổ máy đầu tiên vận hành vào năm 2020.
Thông tin được các hãng tin quốc tế “chăm chú” nhất là đoạn: “Tại hiện trường, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã nghe lãnh đạo EVN báo cáo về tiến trình lựa chọn đối tác từ LB Nga cung cấp công nghệ cho Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1”.
Theo cổng thông tin chính phủ, “Hiện nay, dự án đang trong giai đoạn chuẩn bị báo cáo nghiên cứu khả thi và xúc tiến tìm đối tác tư vấn, sau đó sẽ chuyển qua lựa chọn tổng thầu thực hiện dự án theo hình thức chìa khóa trao tay”, tức là vẫn chưa “quyết” công nghệ nào.
Trước đó, chiều 25-5, TS Phan Minh Tuấn - Trưởng ban Chuẩn bị đầu tư dự án Điện hạt nhân và Năng lượng tái tạo (Bộ Công thương) cho hay: thời gian tới sẽ báo cáo Chính phủ dự án đầu tư nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1.
Theo ông Tuấn, Việt Nam đang đàm phán với các đối tác của Nga để nước này xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên do Nga sở hữu công nghệ nguồn và bề dầy kinh nghiệm về điện hạt nhân nên.
Dù chưa tiết lộ công nghệ nào sẽ được lựa chọn cho dự án Ninh Thuận 1, nhưng ông Tuấn cho biết, công nghệ lò nước nhẹ của Nga vận hành rất an toàn.
Hiện, Việt Nam đã ký Hiệp định hợp tác hạt nhân song phương với Nga, Trung Quốc, Pháp, Ấn Độ, Hàn Quốc, Argentina.
Ngày 27-29-5, Bộ KH&CN và Bộ Công thương đồng chủ trì tổ chức Triển lãm Quốc tế lần thứ 4 về điện hạt nhân tại Cung Văn hóa Hữu nghị (Hà Nội), với chủ đề "Hướng tới Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận" với sự tham gia của các công ty hàng đầu thế giới về công nghiệp điện hạt nhân của Nhật Bản, Nga, Pháp, Mỹ, Trung Quốc, Canada và Bulgary.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét