Thứ Năm, 10 tháng 6, 2010

Việt Nam – Hoa Kỳ: Củng cố lòng tin, gia tăng hợp tác

Một loạt sự kiện diễn ra vào dịp chuẩn bị kỷ niệm 15 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, cho thấy hai bên nỗ lực củng cố sự tin cậy lẫn nhau và gia tăng hợp tác trên nhiều lĩnh vực.

Tại cuộc họp báo sau cuộc Đối thoại chính trị - an ninh - quốc phòng Việt Nam - Hoa Kỳ lần thứ ba diễn ra tại Hà Nội hôm 8-6, Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh cho biết trong thời gian tới, Việt Nam và Hoa Kỳ sẽ tăng cường hợp tác trong nhiều lĩnh vực. Không chỉ hợp tác song phương mà hai bên sẽ cùng hợp tác trên các diễn đàn đa phương.

+ Triển vọng tốt đẹp


Cuộc đối thoại hằng năm lần thứ ba giữa hai nước về các vấn đề chính trị-an ninh-quốc phòng được cả hai bên đánh giá là thành công tốt đẹp.

Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh dẫn đầu đoàn Việt Nam và phía Hoa Kỳ do ông Andrew J. Shapiro, trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ dẫn đầu tiến hành cuộc đối thoại nhằm tăng cường tin tưởng và hiểu biết lẫn nhau giữa hai bên.

Tình hình an ninh khu vực và toàn cầu, chống phổ biến vũ khí giết người hàng loạt, chống khủng bố, phòng chống ma túy, và tội phạm xuyên quốc gia, cứu trợ thiên tai, an ninh trên biển, tìm kiếm cứu nạn, các chuyến thăm của tàu hải quân và hoạt động gìn giữ hòa bình quốc tế… là những vấn đề được hai bên nêu ra thảo luận.

Hai bên cũng bàn biện pháp tăng cường hợp tác tìm kiếm người mất tích của Việt Nam và Hoa Kỳ trong chiến tranh, giải quyết hậu quả chất độc da cam/dioxin, rà phá bom mìn, đối phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng, trao đổi đoàn cấp cao nhằm tăng cường quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai nước.

Đưa tin về sự kiện này, các nguồn tin nước ngoài dẫn lời ông Andrew J.Shapiro cho rằng “cuộc đối thoại có ý nghĩa quan trọng trong tăng cường quan hệ VN - Hoa Kỳ”.

Theo ông Shapiro, trong năm nay, Hoa Kỳ sẽ cấp cho Việt Nam 3,5 triệu USD để rà phá, tháo gỡ bom mìn còn sót lại sau chiến tranh. Khi quay về nước, ông sẽ tìm kiếm nguồn tài trợ bổ sung để giúp Việt Nam giảm bớt các hiểm họa này.

Quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ sau 15 năm phát triển, được các nhà quan sát quốc tế cho là đang đứng trước những triển vọng tốt đẹp trong tương lai.

+ Tích cực và tăng sự tin cậy

Cùng đến Việt Nam, cùng tổ chức một cuộc họp báo khác cùng ngày 7-6, đốc đốc hải quân Hoa Kỳ Robert Williard cho rằng vấn đề tranh chấp chủ quyền tại biển Đông cần phải được giải quyết qua diễn đàn đa phương.

Lời nói này của Đô đốc Willard được các nhà quan sát chú ý, cho đó là một chuyển động của Hoa Kỳ, quan tâm hơn đến khu vực Đông Nam Á và biển Đông, tiến gần hơn với quan điểm của ASEAN.

Đô đốc Willard, chỉ huy quân sự cao cấp nhất của Hoa Kỳ tại châu Á-TBD được các hãng tin quốc tế tường thuật là nhấn mạnh tầm quan trọng của tuyến giao thông hàng hải tại biển Đông và “Hoa Kỳ phản đối bất kỳ nước nào sử dụng các biện pháp không hòa bình hoặc không tôn trọng luật pháp quốc tế” trong khu vực này.

Đô đốc Willard khẳng định: “điều quan trọng là những bất đồng này phải được giải quyết qua diễn đàn đa phương”. Theo ông, tuyên bố ASEAN về ứng xử của các bên tại biển Đông là cơ sở để giải quyết những tranh chấp.

Trước đó, hôm 6-6 tại diễn đàn an ninh Đối thoại Shangri-La 2010 ở Singapore, Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Robert Gates dành một phần quan trọng của bài phát biểu cho chủ đề Biển Đông, phản đối các hạn chế đi lại cũng như kinh doanh làm ăn đối với tàu bè và công ty Hoa Kỳ tại khu vực này.

Phát biểu của ông Gates được đánh giá là phản ánh quan ngại mạnh mẽ nhất từ trước tới nay của Hoa Kỳ về Biển Đông.

Chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ, như lời của Ngoại trưởng H.Clinton tuyên bố tại cuộc gặp với ASEAN là “chúng tôi đã trở lại”. Đô đốc Willard cũng thông báo hải quân Hoa Kỳ cũng sẽ tiếp tục hiện diện tại khu vực này trong tương lai, thông qua sự hợp tác với các nước ASEAN.

Trước chuyến thăm này, tàu chiến Hoa Kỳ đã thực hiện các chuyến thăm và tham gia các chiến dịch nhân đạo tại một số nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.

Quan hệ hợp tác quân sự giữa Việt Nam và Hoa Kỳ được bắt đầu bằng chuyến thăm Việt Nam của Bộ trưởng Quốc phòng William Cohen tháng 6-2000, và chuyến thăm đáp lễ của tướng Phạm Văn Trà tháng 11-2003.

Chuyến thăm Hoa Kỳ của Thủ tướng Phan Văn Khải năm 2005 mở màn cho các văn bản về hợp tác nhiều mặt với Hoa Kỳ, trong đó trong lĩnh vực quân sự có việc chia sẻ thông tin tình báo và quốc phòng.

Tiếp theo là chuyến thăm Việt Nam của Bộ trưởng Quốc phòng Donald Rumsfeld năm 2006, giải quyết “hồ sơ MIA”.

Tháng 12-2006, Tổng thống Bush ký sắc lệnh bỏ cấm vận. Chiến hạm Mỹ thăm các cảng Việt Nam trở thành thường xuyên. Một chương trình đào tạo, huấn luyện sĩ quan cho Việt Nam, trong đó có phi công, tiếng Anh… được tiến hành.

Tháng 12-2009, Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Phùng Quang Thanh hội đàm với Bộ trưởng Robert Gates trong chuyến thăm Hoa Kỳ được giới quan sát quốc tế coi là “công khai hợp tác quốc phòng”.

Trong cuộc hội đàm này, hai bên nhấn mạnh nhu cầu tăng cường đối thoại và xây dựng lòng tin, trao đổi kết quả hợp tác trong thời gian qua và biện pháp để thúc đẩy quan hệ trong lĩnh vực quốc phòng “lên một bước mới”.

Trả lời TTXVN, Bộ trưởng Phùng Quang Thanh đánh giá quan hệ hợp tác quân sự giữa Hoa Kỳ và Việt Nam trong thời gian qua là tích cực, nhờ gia tăng hiểu biết và tin cậy lẫn nhau.

+ Hứa hẹn nhiều tiềm năng

Một cuộc họp hằng năm khác giữa Việt Nam và Hoa Kỳ cũng vừa diễn ra tại Hà Nội. Đó là Hội đồng hợp tác liên chính phủ trong Khuôn khổ Hiệp định khung về Thương mại và Đầu tư (TIFA).

Nhân dịp đến Hà Nội dự cuộc họp này, Phó Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) Demetrios Marantis được Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm tiếp hôm 9-6.

Bày tỏ hy vọng quan hệ hợp tác giữa hai nước sẽ tiếp tục phát triển hơn nữa trong tương lai, Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm mong muốn hai bên cùng phối hợp chặt chẽ nhằm xử lý các tranh chấp thương mại phát sinh, trên cơ sở xây dựng và củng cố sự tin cậy lẫn nhau.

Năm ngoái, kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam – Hoa Kỳ đạt trên 15 tỷ USD, Hoa Kỳ vươn lên vị trí hàng đầu trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư trực tiếp tại Việt Nam.

Việt Nam mong muốn Hoa Kỳ sớm công nhận nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường; dành Quy chế ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP) cho Việt Nam; tạo điều kiện thuận lợi cho hàng hóa Việt Nam thâm nhập ngày càng nhiều hơn vào thị trường Hoa Kỳ.

Hoa Kỳ mong muốn Việt Nam tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư Hoa Kỳ, nhất là trong lĩnh vực năng lượng và cơ sở hạ tầng.

Tháng trước, trả lời phỏng vấn báo chí, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Michalak cho rằng các doanh nghiệp Hoa Kỳ đang có những cơ hội rất lớn để khuyếch trương công cuộc kinh doanh trên thị trường Việt Nam sau khi đã có những thành quả khả quan trong 15 năm qua.

Ông cho biết Việt Nam và Hoa Kỳ dự kiến sẽ tăng cường hợp tác trong các lãnh vực viễn thông, công nghệ thông tin và khai thác dầu khí, những lãnh vực mà các doanh nghiệp Hoa Kỳ có sức cạnh tranh cao.

Năm 2010 năm kỷ niệm 15 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Hoa Kỳ đã khởi đầu bằng những kết quả hợp tác kinh tế khả quan.

Trao đổi mậu dịch giữa hai nước trong quý một năm nay vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng, với tổng kim ngạch xuất-nhập khẩu tăng 16,5% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó xuất khẩu tăng 12,3% và nhập khẩu tăng 36%, theo số liệu của thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ.

Theo số liệu của Bộ Thương mại Hoa Kỳ, tổng kim ngạch xuất-nhập khẩu hai chiều giữa hai nước đã đạt trên 3,9 tỷ USD trong quý một, trong đó Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ 3,1 tỷ USD hàng hóa và nhập khẩu theo chiều ngược lại trên 831 triệu USD.

Trong số các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam sang Hoa Kỳ, dệt may vẫn đứng đầu, đạt 1,3 tỷ USD (cùng kỳ năm 2009 đạt gần 1,2 tỷ USD). Đồ gỗ và nội thất đứng thứ hai, đạt gần 393 triệu USD, tăng hơn 26%.

Nhập khẩu của Việt Nam từ Hoa Kỳ trong quý 1-2010 cũng tăng so với cùng kỳ năm trước. 12/15 mặt hàng Việt Nam nhập khẩu từ Hoa Kỳ có kim ngạch tăng.

Hợp tác kinh tế, thương mại giữa hai nước đang hứa hẹn nhiều tiềm năng. Các cơ quan chức năng hai bên đang bàn các cơ chế cụ thể để tháo gỡ các khó khăn, thiết lập các cơ chế thuận lợi cho giới kinh doanh hai nước.

+ Từ văn học đến văn hoá nghệ thuật

Hội thảo Văn học Việt Nam - Hoa Kỳ sau chiến tranh vừa diễn ra tại Hòa Bình từ ngày 28-5 đến 3-6 do Đại học Văn hóa phối hợp TT William Joiner tổ chức.

William Joiner là trung tâm nghiên cứu hậu quả chiến tranh ở Việt Nam, thuộc đại học Massachusetts, lấy tên người lính Mỹ gốc Phi Bill Joiner- từng có mặt trong chiến tranh Mỹ ở Việt Nam. Trung tâm là nơi dịch, quảng bá nhiều tác phẩm văn học Việt Nam trên đất Mỹ.

6 nhà văn Hoa Kỳ cùng hơn 50 nhà văn Việt Nam tham gia một chuỗi hoạt động, từ hội thảo đến giao lưu. Một đêm thơ “Chơi bóng rổ với Việt Cộng” lấy cảm hứng từ bài thơ của Kevin Bowen diễn ra thú vị giữa các nhà văn hai nước.

Kevin Bowen, Giám đốc Trung tâm William Joiner ôn lại hành trình đến Việt Nam từ năm 1986 được ông coi là “không ít gian khó và định mệnh”. Ông tâm sự: “Chuyến đi đầu tiên đó đã thay đổi cuộc đời tôi mãi mãi”

Tiểu thuyết Thời xa vắng của Lê Lựu, nhà văn Việt Nam đầu tiên đến Hoa Kỳ sau chiến tranh, được William Joiner dịch và giới thiệu tại Hoa Kỳ.

Nhà văn Nguyễn Quang Sáng chia sẻ: “Những cuộc hội thảo như thế này có thể đưa văn học Việt Nam sang Mỹ, từ đó lan tỏa trên thế giới. William Joiner có thể được coi là một trong số cánh cửa quảng bá văn học Việt Nam ra nước ngoài”.

Trong cuộc giao lưu, nhà văn Tim O’Brien kể “Các bạn không thể hiểu nổi hạnh phúc của tôi, khi hôm nay được ngồi cạnh những người bạn Việt Nam. Bởi sau chiến tranh Việt Nam, tôi luôn trong tình trạng mất ngủ, nhiều lần tôi muốn tự tử. Nhưng chính nhờ các bạn, tôi có nhiều điều mới để vượt qua những ký ức khổ của cuộc chiến”.

Bruce Weigl, người cũng từng tham chiến ở chiến trường miền Nam cho rằng: “Điều làm cho tôi tồn tại là những chuyến đi đến Việt Nam”.

Sau hội thảo “Con đường tới cái đẹp” nhà văn Kevin Bowen cho biết:
“Sắp tới, chúng tôi sẽ dịch và đưa các bài viết, phỏng vấn các nhà văn Việt Nam lên trang web chính thức của trung tâm. Chúng tôi nghĩ đến sự mở rộng công việc những nhà văn trẻ. Một trong hướng mở rộng công tác quảng bá văn học Việt Nam trên đất Mỹ, là giảng dạy về văn học Việt Nam trong trường đại học Massachusetts”.

Hợp tác văn học Việt Nam – Hoa Kỳ xuất phát như thế. Nó mở đường cho các chương trình hợp tác văn hoá- nghệ thuật khác đang nở rộ giữa hai nước.

Tháng 3-2010, một sự kiện văn hoá lớn nhất từ trước tới nay trong lịch sử quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ đã diễn ra mang tên “Thăng Long”. Đó là dự án hợp tác trên 3 lĩnh vực: liên hoan âm nhạc, giáo dục và chia sẻ kinh nghiệm quản lý, biểu diễn.

Về âm nhạc, hai bên trao đổi đoàn biểu diễn và giao lưu nghệ thuật, mỗi đoàn gồm 19 nghệ sỹ nổi tiếng, giới thiệu nền âm nhạc truyền thống và đương đại. Các buổi giao lưu và biểu diễn được tổ chức tại Hà Nội, TP.HCM, Pasadena và Los Angeles.

Các chương trình giao lưu văn hoá, giáo dục giữa hai nước đang được xúc tiến mở rộng vào năm kỷ niệm lớn này.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét