Con tầu ngừng lại khi còn cách đảo Đá Tây một khoảng xa. Từ tàu vào đảo phải xuống xuồng do canô kéo thêm một đoạn nữa. Ở đó, nơi đảo chìm nhô dần lên mặt nước lúp xúp, những người lính ngâm gần nửa người trong biển đã chờ sẵn.
Bằng tay, họ kéo xuồng chở đầy người và hàng, lai dắt qua những khe đá ngầm. Dưới chân họ, đá trồi sụt, san hô lởm chởm. Chiếc xuồng dúi xuống, chồm lên theo bước chân họ, cọ quẹt với đá ngầm...
“Bộ đội thế là thường, dân thường thế là chết”- cái câu dân dã này không chỉ nói lên sự “đa tài”, mà còn là sự chịu đựng, học hỏi, sáng tạo của người lính. Những người lính biển Trường Sa, ngoài những phẩm chất chung của bộ đội, có thêm cái nét riêng: kiến thức khoa học và sự phối hợp binh chủng.
Đàn ông ở Trường Sa phải biết nhiều thứ, nào “làm việc” với các trạm điện gió, điện mặt trời, nào xử lý các thiết bị điện và điện tử bị tác động của hơi nước biển. Có lẽ hơn ai hết, lính Trường Sa biết cách phối hợp binh chủng, hải-lục-không quân, sử dụng đa dạng phương tiện và khí tài.
Trường Sa lớn xanh rì, bao trùm bởi những hàng cây rậm rạp, công sức trồng cây gây rừng trên biển của những người lính. Họ còn phủ xanh mọi miếng đất bằng các loại rau, từ vườn đến ban công, từ các loại chậu, sọt. Những người đàn ông giữa biển mặn tạo ra cho mình nguồn rau, thịt tươi, kiêm luôn làm nghệ nhân ẩm thực mọi miền.
Robinson ngày xưa một mình giữa đảo hoang cũng tạo được “cơ ngơi” cho riêng mình, huống hồ thị trấn phố huyện Trường Sa đông đúc. Không chỉ có doanh trại bộ đội, Trường Sa có làng dân cư, nào trụ sở Uỷ ban, nào nhà văn hoá, thư viện, trường học, trạm y tế…
Tivi loa đài bắt cả ngày, điện mặt trời im ắng, chỉ có những cột chong chóng điện gió quạt phành phạch. Thời buổi @, đảo cũng có internet. Chỉ việc cắm USB 3G của Viettel vào máy tính là vào mạng vô tư.
Nhưng lính tráng, cứ “con cầm tay” mà chat cho nhanh, rảnh ra là chat nhoay nhoáy với gia đình, bồ bịch, bạn bè ở đất liền, không còn phải chờ đau đáu những cánh thư giấy đi cả tháng trời mới tới như ngày xưa.
Lính đảo bảo nhờ vậy mà thấy gần gũi hẳn, lúc nào cũng như đang ở nhà.
Ở Trường Sa cũng có phụ nữ, trẻ con trong làng dân cư, nhưng đa phần là đàn ông, ai cũng săn chắc, bánh mật.
Trai làng đánh cá, chăn nuôi. Công nhân xây dựng áo xanh tíu tít. Lính đủ sắc, trắng của hải quân, xanh da trời của không quân, rằn ri trực chiến. Ngày đi làm, chiều về tắm biển, chơi thể thao. Nào bóng bàn, bóng chuyền, không thì cả quân lẫn dân, chia nhau mỗi bên gần ba chục mạng, quần thảo bóng đá trên đường băng sân bay.
Lính đảo nhiều người vài tháng đã trở thành thợ lặn bậc cao. Hỏi ra mới biết sức hút của biển đối với những chàng trai này mạnh cỡ nào.
Biển cực đẹp, biến đổi nhiều sắc mầu. Những bãi san hô long lanh, những loài ốc sò, cá lạ lẫm. Biển xanh lơ xanh đậm mà cá đỏ chót như ai bôi sơn. Lặn và sưu tầm những cái lạ ấy cũng là một thú vui cuốn hút.
Du khách bây giờ phải bỏ không ít tiền ra Nha Trang, Côn Đảo lặn xem san hô hay đi coi rùa đẻ. Lính thời nay cũng biết tranh thủ hưởng cái mình có, có “máu phượt” hơn lính thời xưa chỉ biết phèng phèng ghi-ta hay trà lá, thuốc lào vặt mỗi khi rảnh rỗi.
Nhiều đoàn từ đất liền ra Trường Sa với mục đích động viên chiến sĩ, hoá ra được động viên ngược lại từ cuộc sống, bản lĩnh của người lính đảo.
Lẽ sống, lối sống, phong cách sống của những người lính đảo, lính trên các nhà giàn, thềm lục địa, hiên ngang và bình thản nơi đầu sóng ngọn gió gây thán phục cho những người tới “động viên”.
Trăm anh em mỗi người một tên, đã lên đảo, lên giàn như không còn tên riêng nữa. Họ như thành một khối “Những người đàn ông ở Trường Sa” ngày và đêm dõi mắt trên biển, canh đất, canh trời.
Ở miền cực đông ấy, mỗi ngày như một ngày họ trầm mình lai dắt những con tầu, xây đắp đảo, luyện tay súng… Những gương mặt rất trẻ, rất Việt, bình dị, bình thản sẵn sàng đón nhận những cơn phong ba, bão táp với phong thái và bản lĩnh đàn ông Việt thời nay.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét