Người Việt thêm một lần cho thấy sự sáng tạo trong cuộc đấu tranh bảo vệ môi trường sống. Xơ dừa, cỏ, vỏ trứng, trồng nấm rơm… và mới đây, rau muống biển được huy động vào cuộc chiến, lấy thô sơ chống biến đổi thời hiện đại, lấy cái bất biến như rau khoai của mình chống chọi với cái vạn biến của thế giới hiện đại.
+ Sáng tạo nhiều cách độc đáo, tận dụng vật liệu địa phương
Rau muống biển, một loại rau muống họ khoai lang mọc ven bãi cát biển và cố định cát, đầy sức sống, sức bám trụ. Hoa tím trắng như sim, theo truyền thuyết là biểu tượng của tình yêu chung thuỷ, rau muống biển đi vào văn học, thơ ca.
Phân bố ở Nhật Bản, Trung Quốc, Việt Nam, Ấn Độ, Indonesia, Philippines. Ở một số nước, rau muống biển được nói đến như một vị thuốc chữa cảm mạo, sốt, tê thấp, chân tay đau nhức, mỏi, thông tiểu tiện, đau bụng…
Ở Việt Nam, rau muống biển được trồng chủ yếu để tạo cảnh quan, nhất là tại các bãi rác cũ hoặc bãi cát trống… Trồng rau muống biển để ổn định bờ cát là phương pháp cổ truyền của người dân địa phương, nay được áp dụng ở Phù Cát, Bình Định, Phú Yên…
Rau muống biển, cùng cỏ Vetiver và xơ dừa tạo thành bộ ba hữu ích giữ đất, chống sạt lở, giữ đê…cản sự dâng lên của nước biển và ngăn nước mặn thấm sâu vào đồng ruộng. Ba loại vật liệu địa phương sẵn có này kết hợp với nhau tạo nên một “công nghệ” kè biển mới, theo một nghiên cứu tại Phú Yên...
Trước đó, cỏ Vetiver, một loại cỏ được trồng thử tại Thái lan, Ấn độ, Băngladesh… cũng được áp dụng vào việc kè nước biển. Tại Bến tre loại cỏ này được sử dụng để chống xói mòn đường giao thông, sạt lở bờ kênh rạch, các công trình giao thông, thủy lợi.
Giống cỏ này có bộ rễ phát triển nhanh, khoẻ, cắm sâu vào lòng đất, phát triển tốt trên nhiều địa hình giảm phèn cho đất, không tranh giành dinh dưỡng của đất đối với cây nông nghiệpkhông bị gậm nhấm… Trồng cỏ Vetiver chống sạt lở đã được áp dụng ở Quảng Bình, Quảng Ngãi, Long An, An Giang, Ninh Thuận...
Lưới xơ dừa cũng được áp dụng thử nghiệm làm đê bao ở vùng có nền đất yếu và được áp dụng ở Vĩnh Long.
Việc đắp bờ chống sạt lở sẽ được dùng bằng đất và cát tại chỗ. Từng lớp đất-cát sẽ trải một lớp lưới xơ dừa để ổn định. Khi đạt độ cao chống được triều cường và sóng biển, sẽ trải một lớp lưới xơ dừa bề mặt ở độ cao nhất và trồng cỏ Vetiver và rau muống biển.
Phương pháp này đang cho thấy hiệu quả, tiện lợi, bảo vệ môi trường và giá rẻ.
Việt Nam là một trong những nơi chịu ảnh hưởng nhiều nhất của biến đổi khí hậu. Chống biến đổi khí hậu không chỉ chờ đợi vào viện trợ quốc tế hay trông chờ vào các biện pháp sử dụng các phương tiện khoa học kỹ thuật tiên tiến.
Phong trào trồng nấm rơm lại phát triển rộng, được gắn với chống sự nóng lên của môi trường. Nông dân được hướng dẫn không đốt rơm, dung rơm trồng nấm.
Kế hoạch ứng phó với biến đổi khí hậu tập trung vào 5 vấn đề lớn: xây dựng và gia cố hệ thống đê biển; Quai đê ở đồng bằng sông Cửu Long; phát triển rừng đầu nguồn, rừng phòng hộ, rừng ngập mặn; Phòng chống triều cường tại các tỉnh phía Nam; Đưa ra đề án chống biến đổi khí hậu tại đồng bằng sông Cửu Long; Hoàn thiện hệ thống quan trắc, đo đạc, dự báo thời tiết…
+ Thế giới giúp sức chống biến đổi khí hậu
Những sáng kiến chống biến đổi khí hậu được các tổ chức quốc tế quan tâm. Năm ngoái, sáng kiến xây bờ chống sạt lở bằng cỏ Vetiver, rau muống biển và xơ dừa ... được đánh giá cao và nhận được giải thưởng 270 triệu đồng của Ngân hàng Thế giới.
Mục tiêu đến năm 2015 là sẽ vận động tài trợ khoảng 3 - 5 tỉ USD chống biến đổi khí hậu.Tháng 6-2010, Nhật và Pháp cam kết chương trình vốn vay ODA trị giá 134 triệu USD giúp Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu. Nhật góp 10 tỉ Yên (110 triệu USD) và Pháp góp 20 triệu Euro (24 triệu USD).
Tại Hội nghị Thượng đỉnh LHQ về Chống biến đổi khí hậu COP 15 tại Copenhaghen (Đan Mạch), Việt Nam nhận được sự ủng hộ và cam kết giúp đỡ của nhiều nước. Đan Mạch sẽ hỗ trợ 53 triệu USD, Chương trình phát triển của LHQ (UNDP) tài trợ 8 triệu USD; Nhật Bản cho Việt Nam vay ưu đãi 450 triệu USD, Ngân hàng thế giới (WB) cũng cam kết giúp Việt Nam nguồn tài chính chống biến đổi khí hậu.
Ngoài ra, Hà Lan sẽ giúp công nghệ củng cố đê biển; Đan Mạch giúp hệ thống xử lý rác thải y tế tại Hà Nội và TpHCM; Mỹ giúp nâng cao hệ thống quan trắc, đo đạc, khí tượng thuỷ văn và đối phó với triều cường tại các tỉnh phía Nam, Đức giúp đào tạo nhân lực trong lĩnh vực này…
Chống biến đổi khí hậu, nước biển dâng… là thách thức và cuộc chiến đấu của cả loài người. Việt Nam, các tỉnh phía Nam đứng ở tuyến đầu cuộc đấu tranh này, đang sáng tạo và tận dụng “vũ khí thô sơ”, từ cây tre đến rau muống, xơ dừa, với sự giúp đỡ của thế giới, đang tích cực bảo vệ khí hậu, môi trường sống trong lành cho loài người.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét