Thứ Năm, 26 tháng 5, 2011

Đông Dương: Xác định xong mốc biên giới trên bộ

Công tác phân giới cắm mốc biên giới giữa Việt Nam và hai nước láng giềng Lào, Campuchia tiến triển thuận lợi, công bằng, hiểu biết và tôn trọng.

Trên những đường biên giới lâu đời này, các dân tộc chung sống hoà thuận, chia sẻ. Những cột mốc cắm thưa thớt từ thời xa xưa, phôi phai với thời gian. Dân biên giới kể đôi khi người dân hai bên chỉ đi vòng để tránh một vũng nước lớn thôi, có khi đã “vượt biên” rồi.

Loài người từ lâu đã đúc kết: để láng giềng sống hoà thuận, tôn trọng bên nhau, cần xây và tôn trọng cái hàng rào. Việt nam, sau khi hoà bình và ổn định, đã tích cực cùng các nước láng giềng xác định và xây dựng các đường biên giới hoà bình, hữu nghị, hợp tác để cùng phát triển.

Sau khi hoàn thành đường biên giới trên bộ với Trung Quốc, Việt Nam tích cực hợp tác với Lào, Campuchia phân giới cắm mốc biên giới, tăng dày, tôn tạo những cột mốc bị thời gian và bom đạn thời chiến tranh phá hỏng…

+ Mốc giới số 314 - mốc cuối cùng trên biên giới đất liền Việt Nam – Campuchia được xác định vị trí

Ngày 24-5 vừa qua, Đoàn công tác đặc biệt của Ủy ban Liên hợp biên giới Việt Nam, Campuchia đã thực địa xác định vị trí mốc giới số 314.Cột mốc cuối cùng trên tuyến biên giới đất liền Việt Nam – Campuchia được xác định vị trí trên bờ biển khu vực tiếp giáp giữa thị xã Hà Tiên (Việt Nam) và huyện KompôngTrách (Campuchia).

Việc hoàn thành xác định vị trí mốc cuối trong 28 mốc giữa hai địa phương chung đường biên giới dài 56,8km này sẽ thúc đẩy công tác phân giới, cắm mốc của hai tỉnh và trên toàn tuyến biên giới đất liền giữa hai nước.

Tháng 3-2010, tỉnh Tây Ninh của Việt Nam và Kom Pong Chàm (Campuchia) đã xây 8 cột mốc biên giới. Theo kế hoạch, trên đường biên dài 240 km giữa Tây Ninh và 3 tỉnh của Campuchia là Kom Pong Chàm, Pvay Veng và SVay Riêng đến cuối năm 2012 sẽ cắm 101 cột mốc.

+ Biên giới Việt – Lào: Tăng dày, tôn tạo


So với đường biên giới Việt Nam – Campuchia thì đường biên giới Việt – Lào có vẻ khó hơn về mặt địa lý tự nhiên. Nơi thấp nhất cũng hơn 300m so với mực nước biển, nơi cao, đến 2.700 m.

Phần lớn đường biên giới Việt – Lào nằm trong khu vực núi cao hiểm trở, rừng nhiệt đới ẩm thấp với khi hậu khắc nghiệt, khiến những cột mốc có từ thời Pháp bị hư hỏng. Các cột mốc xa nhau cả 10 km, nhiều đoạn tới 40 km mới có một cột, khiến việc xác định biên giới ngay cả đến người dân địa phương cũng khó khăn…

Dài hơn 2.400 km qua 10 tỉnh từ Điện Biên đến Kon Tum, đương biên giới Việt – Lào được hai bên lên kế hoạch theo đó đến năm 2014 sẽ tôn tạo, xây dựng tăng dày gần 800 mốc, với 16 mốc đại, 190 mốc trung, 586 mốc tiểu.

Trong năm 2012 hai bên sẽ hoàn thành công tác cắm mốc trên thực địa, và năm 2014 hoàn thành Nghị định thư, bản đồ ghi nhận kết quả.

31/35 cột mốc giữa hai tỉnh Quảng Trị và Savanakhet được xây xong. Hôm 16-5 vừa qua, mốc đại 635 được hai tỉnh Quảng Trị (Việt Nam) và Sa La Van (Lào) long trọng khánh thành tại cửa khẩu La Lay.

+ Đông Dương: Tam giác phát triển đầy tiềm năng


Năm 2008, cột mốc ba ba mặt giữa ba nước Việt Nam – Lào- Campuchia được xây dựng tại ngã ba biên giới sát tỉnh Kontum. Đây là cột mốc ba mặt thứ hai tại Việt Nam, sau cột mốc sát Apachai, tỉnh Điện Biên, ngã ba biên giới giữa Việt Nam – Trung Quốc – Lào.

Ngã ba Đông Dương được xác định là một khu vực Tam giác phát triển của ASEAN, nối với vùng hạ Lào và đông bắc Campuchia.

Đây cũng được xác định là vùng bảo tồn thiên nhiên đa dạng sinh học lớn, vùng lưu trữ các giá trị văn hóa dân tộc bản địa và là trung tâm du lịch lớn của cả khu vực ASEAN.

Các tỉnh khu vực biên giới phía tây Việt Nam được quy hoạch phát triển với hai khu vực lớn là khu vực biên giới Tây Nam và khu vực biên giới Tây Nguyên. Mỗi khu vực sẽ hình thành các tiểu vùng kinh tế với các đô thị trung tâm là Buôn Ma Thuột, Pleiku, Long Xuyên và Trảng Bàng.

Đây sẽ là một vùng kinh tế động lực, phát triển nông, lâm nghiệp, thủy điện, thủy lợi; là đầu mối và cửa ngõ giao thông về đường bộ, đường thủy và đường hàng không quan trọng.

Vùng biên giới Việt Nam - Campuchia gồm 10 tỉnh, trong đó 4 tỉnh thuộc vùng biên giới Tây Nguyên (Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông) và 6 tỉnh thuộc vùng biên giới Tây Nam (Bình Phước, Tây Ninh, Long An, Đồng Tháp, An Giang và Kiên Giang) có 2 tiểu vùng.

Tiểu vùng 3 gồm các tỉnh Long An, Tây Ninh và Bình Phước nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, ưu tiên phát triển công nghiệp, dịch vụ thương mại, du lịch sinh thái.

Tiểu vùng 4 gồm Đồng Tháp, An Giang và Kiên Giang, chức năng phát triển sản xuất lúa gạo, thuỷ hải sản xuất khẩu, cây ăn trái nhiệt đới, thương mại du lịch sinh thái.

Năm 2030, Vùng biên giới Việt Nam - Campuchia sẽ trở thành một trung tâm kinh tế biển, có vị thế ảnh hưởng đặc biệt với vùng Tây Nguyên, Trung và Nam Bộ và các nước trong khu vực vịnh Thái Lan.

“Nóc nhà Đông Dương” với đường biên giới hoà bình ổn định, sẽ thúc đẩy sự phát triển của tam giác Việt- Cam- Lào, ngày càng đóng vai trò lớn hơn cùng ASEAN phát triển ổn định và thịnh vượng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét