Ba nước Đông Dương nằm trên một địa thế trải dài. Để cùng phát triển, việc xây dựng hạ tầng giao thông, những trục đường chung là một trong những lĩnh vực ưu tiên.
Một tuyến đường sắt và đường bộ xuyên Đông Dương đang là bài toán lớn để suy nghĩ, phối hợp đáp ứng nhu cầu phát triển dài lâu của cả ba nước Đông Dương.
Đó là đề xuất dự án mở tuyến đường sắt, song hành cùng đường bộ, nối Hà Nội và TPHCM gần như thẳng theo đường chim bay, cắt qua trung Lào từ Hà Tĩnh, chạy dọc xuống hạ Lào, qua Strung Treng (Campuchia), chạy dọc vùng đông bắc nước này, vào lại Việt Nam ở vùng Bình Phước, tới TPHCM.
+ Xương cá và xương sống
Trục đường đề xuất này dự kiến dài khoảng 1.410 km, trong đó có 540 km đi trên đất Việt Nam; 560 km đi qua Lào và 310 km trên đất Campuchia.
Nó sẽ giúp thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội cả ba nước, nhất là các vùng còn hẻo nơi tuyến đường đi qua.
Ý tưởng của đề xuất này là xây dựng một trục xương sống kết nối các nước Đông Dương, tạo điều kiện cùng phát triển và chuẩn bị hạ tầng nối với hệ thống đường xuyên Á…
Hệ thống giao thông hiện tại lắm xương cá nhưng lại thiếu xương sống. Phương án kết nối này dài khoảng 1.410 km; ngắn hơn 300 km so với trục quốc lộ 1A của Việt Nam rút ngắn thời gian 16-18 giờ. Phần lớn con đường sẽ nằm phía tây Trường Sơn, tránh các hậu quả của biến đổi khí hậu, nước biển dâng, triều cường, sạt lở…
+ Các tuyến đường tương lai trong khu vực
Hiện có rất nhiều đề xuất phát triển đường sắt trong khu vực. Nhu cầu rất cần, địa hình, điều kiện tự nhiên thuận lợi, giá thành rẻ hơn đường hàng không và đường thuỷ… khiến nhiều nước, các nhà đầu tư nước ngoài thúc đẩy phát triển đường sắt.
Một số ngân hàng, tổ chức quốc tế đề ra dự án mở tuyến đường sắt từ TPHCM qua Campuchia, dọc theo sông Mekong qua Lào, Myanmar, Trung Quốc. Một dự án khác có dự án mở tuyến đường sắt dọc theo đường bộ Bangkok – Phnom Penh – TPHCM.
Dự án lớn nhất trong khu vực là tuyến Singapore – Côn Minh, chạy dọc Malaysia, qua Thái Lan, Campuchia, Việt Nam, Trung Quốc, với nhánh qua Lào. Trung Quốc đầu tư mở tuyến đường sắt cao tốc Vientiane – Côn Minh…
Tuyến Singapore – Côn Minh theo dự án, sẽ rẽ vào Việt Nam ở Bình Phước. Từ đây mở tiếp đường sắt theo quốc lộ 13 về TPHCM, nhập vào hệ thống đường sắt xuyên Việt sẵn có, ra Hà Nội, lên Lào Cai, sang Trung Quốc, tới Côn Minh.
Theo dự án này, đường sắt Việt Nam khổ hẹp và có nhiều đường cắt ngang sẽ phải chuyển mình đổi theo tiêu chuẩn quốc tế. Đổi mới đường tàu thống nhất xuyên Việt đã quá cũ là điều rõ ràng phải làm. Vấn đề là làm theo cách nào. Các chuyên gia đang tính có nên làm luôn thành đường sắt cao tốc hay không, hoặc chỉ cần kết nối được với đường sắt khu vực?
+ Kết nối với cả châu Á
Trong bối cảnh này, đề xuất làm đường sắt xuyên Đông Dương từ TPHCM đến Hà Nội qua Campuchia và Lào là một ý tưởng đúng lúc, với các giải pháp kinh tế- kỹ thuật được nhiều chuyên gia giao thông tán đồng.
Nếu ý tưởng này được chấp thuận để từng bước kêu gọi đầu tư, xây dựng thành trục giao thông dọc Đông Dương, sẽ không chỉ mang lại hiệu quả lớn, lâu dài cho cả ba nước Đông Dương, mà còn sẽ trở thành trục vận tải lớn của khu vực, nối với tuyến Singapore – Côn Minh và tuyến đường sắt xuyên Á.
Ở tầm châu lục, tuyến đường sắt xuyên Á (TARN) được đề ra dài 114.000 km, phát triển trên cơ sở 106.000 km đường sắt có sẵn, kết nối 28 nước. Bên cạnh đó, hệ thống đường bộ xuyên Á (AHN) nối 32 nước, trải dài từ Nhật Bản tới Thổ Nhĩ Kỳ, được các nước thoả thuận nâng cấp, xây dựng.
Tuyến đường sắt đầu tiên được khởi công xây dựng tại Việt Nam là tuyến Sài Gòn - Mỹ Tho, năm 1881 và khai thác 4 năm sau đó, từ năm 1885. Nửa thế kỷ sau, đường sắt mới chạy suốt dọc Việt Nam. Đó là ngày 2-10-1936, chuyến tàu đầu tiên từ Hà Nội về tới Sài Gòn. Trước đó một ngày, lễ nối mối ray cuối cùng diễn ra tại ga Hảo Sơn (Tuy Hoà)…
75 năm trôi qua, đường sắt Việt Nam đã lại nối liền và đang đứng trước vận hội mới: đổi mới và hội nhập với đường sắt khu vực và quốc tế. Nếu phương án đường sắt nối liền Việt Nam – Lào – Campuchia được tính toán phù hợp và chấp thuận hợp tác xây dựng thì dọc theo bán đảo Đông Dương sẽ lại có thêm một tuyến đường sắt thứ hai, dọc phía tây dãy Trường Sơn.
Vậy là du lịch "bụi" Đông Dương cũng nên "mơ" từ bây giờ vì giấc mơ này sẽ là hiện thực bởi đó sự phát triển tất yếu của ba nước Đong dương.
Trả lờiXóa