Thứ Năm, 28 tháng 7, 2011

Nhật - Việt tăng xu hướng liên doanh

Một trong những cách thúc đẩy phục hồi kinh tế của Nhật Bản là tăng cường đầu tư ra nước ngoài, nhất là những nước đang phát triển tại châu Á, trong đó Việt Nam là thị trường được quan tâm ưu tiên.

“Khoảng 40% doanh nghiệp lớn đang có ý định mở rộng đầu tư ra nước ngoài trong vòng ba năm tới”. Ông Toshiyuki Obama, Giám đốc điều hành Thời báo Kinh tế Nikkei của Nhật cho biết như vậy tại buổi họp báo hôm 26-7 tại Hà Nội khi đến Việt Nam chuẩn bị hội thảo Kịch bản phục hồi và tái thiết Nhật Bản - xu hướng đầu tư ra nước ngoài sẽ diễn ra tại Hà Nội vào ngày 10-8 tới.

Việt Nam là thị trường có cơ hội lớn để đón dòng đầu tư này, cùng hợp tác để phát triển. Việt Nam đang xây dựng nhiều chương trình nhằm trở thành một thị trường an toàn và hấp dẫn hơn đối với nhà đầu tư Nhật.

Riêng trong tháng 7-2011, hơn 253 triệu USD vốn FDI Nhật đổ vào Việt Nam, trong khi con số này trong 6 tháng đầu năm là 467 triệu USD.

Trong bối cảnh hiện nay, khi đầu tư ra nước ngoài, các doanh nghiệp Nhật đang tính nhiều hơn đến hình thức liên doanh, thay vì đầu tư trực tiếp, nhằm nâng hiệu quả đồng vốn, tiếp cận tốt hơn thị trường bản địa.

Trong khi đó, các kinh nghiệm của Nhật được chuyển giao nhiều hơn nhằm thúc đẩy tính năng động của thị trường. Thí dụ, trong lĩnh vực quản lý cảng biển, Nhật sẽ cung cấp hệ thống hàng hóa và cảng hợp nhất (NACCS) cho Việt Nam.

Đây là hệ thống làm thủ tục hải quan và thương mại một cửa đang ứng dụng ở Nhật Bản. Áp dụng hệ thống này sẽ giúp giảm 50% thủ tục giấy tờ, giải phóng nhanh tàu và cảng, thúc đẩy giao thương.

Để nhận giấy phép nhập khẩu hàng hóa, hệ thống thủ tục cảng biển hiện nay mất khoảng 20 ngày, khi áp dụng NACCS, chỉ cần một ngày.

Nhật Bản giúp Việt Nam cải tiến khâu thủ tục này nhằm giải toả ách tắc cho các doanh nghiệp Nhật Bản, đẩy nhanh quá trình xuất nhập khẩu. Sau Việt Nam, Nhật còn giúp một số nước khác ở Đông Nam Á có cảng biển và có quan hệ xuất nhập khẩu nhiều với Nhật.

Việt Nam đặt mục tiêu đưa hệ thống NACCS vào hoạt động năm 2014.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét