Thứ Sáu, 12 tháng 10, 2012

Hướng đầu tư của Nhật Bản vào các tỉnh phía Nam: Đô thị sinh thái, khu công nghiệp đặc thù

Đoàn lãnh đạo Bộ Đất đai- Cơ sở hạ tầng- Giao thông- Du lịch Nhật Bản do Bộ trưởng Hata Yuichiro dẫn đầu thăm Việt Nam hôm 10-10, thăm và làm việc tại một số tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Chuyến làm việc của đoàn Nhật Bản tại Bình Dương lần này được coi là động lực thúc đẩy dự án Khu đô thị Tokyu - Bình Dương đồng thời khảo sát để chuẩn bị cho các bước đầu tư mở rộng mới, phát triển các thành phố sinh thái tại Bình Dương và nhiều tỉnh khác tại Việt Nam.

Qua chuyến khảo sát, Bộ trưởng Hata Yuichiro bày tỏ sự ấn tượng trước sự phát triển của tỉnh Bình Dương, nhất là hệ thống giao thông và cơ sở hạ tầng. 


Ông cho biết các nhà đầu tư Nhật Bản đang có kế hoạch xây dựng thêm các đô thị sinh thái tại Việt Nam. Dự án Khu đô thị Tokyu - Bình Dương là bước khởi đầu để triển khai các dự án khác.

Thăm và làm việc tại Bình Dương, ông Hata Yuichiro cho biết sẽ hỗ trợ Việt Nam về kỹ thuật, công nghệ và đào tạo nhân lực để phát triển các khu đô thị sinh thái hiện đại và thân thiện môi trường.

Đón trước xu hướng này, nhiều tỉnh phía Nam, nhất là khu vực kinh tế trọng điểm, đang tích cực chuẩn bị cơ sở hạ tầng.

Tại TPHCM đang gấp rút xây dựng mô hình khu công nghiệp chuyên ngành công nghiệp hỗ trợ và ưu tiên thu hút nhà đầu tư Nhật Bản.

Một loạt các khu công nghiệp mới được phối hợp triển khai theo hướng này: Lê Minh Xuân 2, Lê Minh Xuân 3, Vĩnh Lộc 3, Xuân Thới Thượng, Hiệp Phước giai đoạn 3, Lê Minh Xuân mở rộng, Hòa Phú, Phước Hiệp. 

Hepza- Khu công nghiệp, khu chế xuất TP HCM- cho biết đang đẩy mạnh các biện pháp thu hút vốn đầu tư từ Nhật Bản, trong đó, trọng tâm là hình thành Khu công nghiệp Việt - Nhật quy mô khoảng 100 ha.

Đồng Nai đang tích cực xây dựng các khu công nghiệp theo mô hình với các tiêu chí hạ tầng hoàn chỉnh, có mặt bằng riêng biệt, cung cấp dịch vụ trọn gói để thu hút các nhà đầu tư Nhật Bản.

Khu công nghiệp Đức Hòa III-Silico tại Long An đã hoàn thành 90% hạng mục, chuẩn bị đi vào hoạt động, đón làn sóng đầu tư của Nhật Bản đầu năm 2013. 

Chuyến thăm của đoàn lãnh đạo Bộ Đất đai- Cơ sở hạ tầng- Giao thông- Du lịch Nhật Bản cho thấy sự quan tâm của các nhà đầu tư Nhật Bản và xu hướng đầu tư vào Việt Nam trong các lĩnh vực quy hoạch và phát triển hạ tầng, du lịch thời gian tới. 

Ngoài các tiêu chuẩn chung về tiện ích hiện đại, công năng thuận tiện, môi trường xanh, còn thêm một số tiêu chí riêng, mang sắc thái văn hoá Á Đông, thân thiện với môi trường, xã hội.

Lưu trú tại khách sạn Legend Saigon phái đoàn Bộ Đất đai - Cơ sở hạ tầng - Giao thông - Du lịch Nhật thu hút sự quan tâm của các đối tác Việt Nam.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét