Thứ Hai, 23 tháng 12, 2013

Với trọng tâm hợp tác kinh tế, quan hệ Việt Nga xúc tiến mở rộng


Đoàn đại biểu Hội đồng Liên bang Nga (Thượng nghị viện) sẽ thăm Việt Nam, TPHCM trong tuần này.

Báo chí Nga đưa nhiều chi tiết chuẩn bị và nhận định chuyến đi thể hiện sự thúc đẩy triển khai các thỏa thuận trong chuyển thăm Việt Nam của Tổng thống Nga Putin vừa qua.

Tăng cường tình hữu nghị truyền thống, hiểu biết lẫn nhau sâu sắc, quan hệ Việt – Nga được nhiều nhà quan sát nước ngoài cho rằng đang trở lại với trọng tâm hướng tới là hợp tác kinh tế trên quy mô lớn, mở rộng các đầu mối hợp tác với cả khu vực.

Chuyến thăm lần này, theo báo Tiếng nói nước Nga, sẽ thảo luận các vấn đề quốc phòng và năng lượng hạt nhân.

Các phương tiện thông tin đại chúng lâu nay thường có các tin Nga bán các loại vũ khí hiện đại cho Việt Nam, từ tầu ngầm, tên lửa, máy bay… và cho rằng trong lĩnh vực quân sự, sự hợp tác giữa hai nước “trên cả đối tác chiến lược”.

Phó Chủ tịch Ủy ban khoa học, giáo dục và chính sách thông tin tại Hội đồng Liên bang, ông Victor Kosourov cho biết: “Phái đoàn của Hội đồng Liên bang Nga sắp sang thăm Việt Nam với mục tiêu thảo luận về các liên kết hợp tác trong quốc phòng, năng lượng hạt nhân và đào tạo nhân sự cho ngành công nghiệp công nghệ cao…”

Loạt văn bản thỏa thuận giữa hai nước về hợp tác kinh tế được ký kết trong chuyến thăm Hà Nội gần đây của Tổng thống Putin được triển khai sớm, thúc đẩy các doanh nghiệp khởi động.

Hiện Nga có không ít dự án về điện năng và điện hạt nhân, khai thác dầu khí, xây dựng các cơ sở công nghiệp liên quan các nhà công nghiệp khổng lồ như Rosatom, Gazprom hay Uralvagonzavod và các dự án lớn đang triển khai theo lộ trình.

Ở tầm doanh nghiệp Nga vừa và nhỏ, báo chí Nga cho rằng trên thị trường Việt Nam còn ít, thậm chí quá khiêm tốn, dù nền kinh tế Việt Nam đang phát triển ấn tượng.

Một trong những nguyên nhân là thiếu thông tin giữa thị trường và doanh nghiệp. Giới kinh doanh Nga cho rằng hai bên còn nhiều tiềm năng, Việt Nam đang có nhu cầu và quan tâm công nghệ hiện đại như công nghệ sinh học, thông tin, năng lượng, vật liệu, thiết bị y tế, công nghệ môi trường… nhưng hầu như nắm ít thông tin.

Nhìn thấy và đáp ứng vấn đề này, giới kinh doanh Nga mở đầu dự án án "Nền kinh tế mới. Chân dung ứng nghiệm Nga", như một cuốn sách trắng cung cấp các thông tin cho doanh nhân hai bên.
Chuẩn bị chuyến đi này của Hội đồng Liên bang Nga, phía Nga chuyển cho các đại diện doanh nghiệp các thông tin về Việt Nam, về thị trường, đặc thù kinh doanh nội địa, các chế độ ưu đãi cho doanh nghiệp ứng nghiệm…

Cách làm này được chứng minh là mang lại hiệu quả rõ rệt. Thí dụ, trong hai năm 2012-2013, trong số 19 doanh nghiệp vừa và nhỏ được giới thiệu, đã có 11 công ty thiết lập quan hệ thường xuyên với đối tác Việt Nam. Các công ty khác đang chuẩn bị cho chuyến đi mới đến Việt Nam vào tháng 4-2014.

Hợp tác kinh tế Việt – Nga đem lại nhiều hiệu quả thiết thực đóng góp vào sự phát triển kinh tế xã hội. Vietsovpetro khai thác hơn 206 triệu tấn dầu, hai bên nay cùng khai thác dầu khí ở Nga.

Hướng mới trong lĩnh vực này là hợp tác lọc dầu. Nga sẽ giúp đại hóa nhà máy lọc dầu Dung Quất, tham gia thị trường khí đốt...
Nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của Việt Nam “Ninh Thuận 1” sẽ được xây dựng với sự giúp đỡ của Nga.

Quan hệ quốc phòng đang rất khởi sắc trong thời gian ba năm gần đây, với hàng loạt hợp đồng của Việt Nam đặt mua vũ khí hiện đại của Nga trị giá hàng tỷ đô la. Các hình thức hợp tác mới về sản xuất, lắp ráp tại Việt Nam được lên kế hoạch.

Kim ngạch thương mại giữa hai nước năm 2012 tăng 20%, đạt 3,66 tỷ USD. Dự kiến con số này sẽ tăng lên 7 tỷ USD vào năm 2015. 

Hiện có 90 công ty Nga đang hoạt động ở Việt Nam, 17 đề án đầu tư trị giá gần 2,5 tỷ USD đang được triển khai.

Nga đã đào tạo 52.000 chuyên gia cho Việt Nam và nay có gần 5.000 sinh viên Việt Nam đang theo học trong các trường đại học của Nga.

Người Nga trở lại, mối quan hệ thêm thân thiết. Các khu du lịch ven biển miền Trung, nhất là từ Nha Trang, Bình Thuận mùa nay luôn đông du khách Nga. Nhiều đường bay thẳng được thiết lập từ các khu vực ấm áp này nối với các điểm mới Viễn Đông và miền Trung nước Nga.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét