Không chỉ trở thành một lễ hội văn hóa, Festival Huế trở
thành một “sân khấu” giới thiệu nhiều nét văn hóa truyền thống Việt
Nam, thu hút sự quan tâm, tham gia giao lưu của nhiều đoàn nghệ thuật
nước ngoài.
Festival Huế được tổ chức lần thứ 8, quy mô quốc gia và
mang tính quốc tế, góp phần quảng bá văn hoá Việt Nam, hình ảnh đất nước, con
người, nét đặc sắc xứ Huế…
“Di sản văn hóa với hội nhập và phát triển” là chủ đề của
Festival Huế 2014. Hoạt động văn hóa này diễn ra trong khuôn khổ diễn đàn
giao lưu văn hóa Đông Á – Mỹ La tinh do Bộ Ngoại giao Việt Nam đề xướng.
Lễ khai mạc tối 12/4 có sự tham dự của Phó Thủ
tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc, Phó Chủ tịch Quốc hội nước CHDCND Lào
Saysomphone Phomvihane.
Một hội nghị bộ trưởng văn hóa các nước ASEAN + 3 cũng
được tổ chức trong dịp này theo đề nghị của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch
Việt Nam.
Trong 9 ngày đêm tại Huế diễn ra hơn 50 hoạt động văn hóa
cộng đồng và được nối dài sau Festival bằng các hoạt động văn hóa đặc trưng vùng
miền: Sóng nước Tam Giang - Quảng Điền, Thuận An biển gọi - Phú Vang vào dịp
lễ 30-4, 1-5…
Nhiều địa phương có di sản văn hóa từ nhiều nước khác
như Hàn Quốc, Nhật Bản, Nga, Úc… cũng giới thiệu những nét đặc sắc của
mình.
Trang phục truyền thống của 11 nước: Ấn Độ, Campuchia, Hàn
Quốc, Lào, Malaysia, Mông Cổ, Myanmar, Nhật Bản, Thái Lan, Trung Quốc, Việt Nam
được trình diễn như một buổi giao lưu, giới thiệu nét đặc sắc xưa.
Festial Huế 2014 giới thiệu gần 100 chương trình nghệ thuật
tiêu biểu của 43 đoàn nghệ thuật từ khắp 5 châu lục với 595 nghệ sĩ và 23
đoàn nghệ thuật trong nước hơn 1.000 diễn viên.
Nhiều loại hình nghệ thuật như sắp đặt, âm nhạc, mỹ thuật
đường phố, triển lãm, hội chợ thương mại quốc tế; liên hoan ẩm thực quốc tế, lễ hội thiếu nhi, nghệ thuật thả diều, chơi
chim… được tổ chức tại nhiều khu vực.
Bảo tàng Văn hóa Huế trưng bày chuyên đề “Phú Xuân - Huế: Từ
đô thị cổ đến hiện đại” với gần 100 ảnh tư liệu, văn bản, hiện vật gốc... giới
thiệu sự hình thành và phát triển của
Huế trong 4 thế kỷ đổi mới, hội nhập nhưng không đánh mất bản sắc.
Kinh đô Phú Xuân xưa là điểm hội tụ, nơi gặp gỡ và giao hòa
các nền văn hoá. Phát huy truyền thống ấy, nay Festival Huế trở thành
một nhịp cầu giao lưu văn hóa, tăng cường hiểu biết lẫn nhau giữa các
nền văn hóa đa sắc màu.
Festival Huế như một diễn đàn giao lưu nhiều loại hình
văn hóa, một cách “ngoại giao văn hóa” ngày càng thu hút sự quan tâm
của nhiều nước.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét