“Xây dựng những mối quan hệ lâu dài cho các thế hệ tương lai của hai nước”, theo lời Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam Peter Lysholt Hansen, là mục tiêu chuyến thăm Việt Nam của Hoàng gia Đan Mạch, do Nữ hoàng Margrethe dẫn đầu, sẽ diễn ra từ ngày 2 đến 6-11 theo lời mời của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết.
Nhân dịp này, một loạt các hoạt động giao lưu, hội thảo, diễn đàn sẽ được tổ chức nhằm tăng cường hiểu biết lẫn nhau, tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư giữa các đối tác.
Ngày 3-11 tại Hà Nội và ngày 6-11 tại TPHCM, hơn 70 doanh nghiệp hàng đầu Đan Mạch sẽ tham dự diễn đàn doanh nghiệp với chủ đề "Việt Nam-Đan Mạch: Hãy cùng hợp tác kinh doanh".
Mục tiêu của đoàn doanh nghiệp Đan Mạch là xây dựng mối quan hệ hợp tác bền vững với các đồng nghiệp Việt Nam, tập trung vào sáu ngành: công nghệ sạch, hàng hải, công nghệ thông tin và truyền thông, trang thiết bị và dịch vụ sân bay, công nghệ chế biến thịt.
Dự tính có hơn 700 doanh nhân Việt Nam sẽ tham gia vào các buổi hội thảo này tại Hà Nội và TP HCM.
Đề tài thời sự được chú ý là trao đổi kinh nghiệm giải quyết những thách thức về khí hậu và môi trường.
Đan Mạch là nước chủ nhà tổ chức Hội nghị LHQ về biến đổi khí hậu vào tháng 12 tới và Việt Nam là một trong những nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất do biến đổi khí hậu.
Theo số liệu của Tổng cục hải quan, trong 8 tháng đầu năm 2009 kim ngạch nhập khẩu hàng hoá của Việt Nam từ Đan Mạch đạt 127,5 triệu USD, tăng 18% so với cùng kỳ năm 2008.
Mặt hàng được nhập khẩu nhiều nhất là sữa và sản phẩm sữa, chiếm 27,7% tổng kim ngạch nhập khẩu và tăng hơn 4 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Một số mặt hàng khác có kim ngạch nhập khẩu tăng khá mạnh từ Đan Mạch là máy móc thiết bị (tăng 57,4% so với cùng kỳ năm ngoái), dược phẩm (tăng 52,7%), sắt thép tăng tăng hơn 6 lần về trị giá, đạt 7.289.701 USD.
Giao lưu văn hóa là một điểm nhấn của chuyến thăm lần này. Lần đầu tiên tại Hà Nội sẽ diễn ra Liên hoan Nghệ thuật đường phố (ngày 3-11) tại Vườn hoa Lý Thái Tổ.
Đây là hoạt động văn hóa do Đại sứ quán Đan Mạch, UBND TP Hà Nội và Cơ quan nghệ thuật Đan Mạch tổ chức.
Hơn 100 nghệ sĩ nổi tiếng của hai nước sẽ biểu diễn các loại hình nghệ thuật truyền thống và hiện đại, giao lưu với khán giả thủ đô với một đêm gala đặc sắc.
Đan Mạch lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam từ khá sớm, vào ngày 25 -11-1971. Trong thời gian chiến tranh, Đan Mạch dành cho Việt Nam sự ủng hộ và giúp đỡ quý báu trong cuộc đấu tranh giành độc lập và thống nhất đất nước.
Ngày nay, Đan Mạch tiếp tục ủng hộ, hợp tác và giúp đỡ Việt Nam trong xây dựng và đổi mới. Quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt giữa hai nước đang phát triển tích cực.
Hai bên nhất trí xây dựng "Quan hệ đối tác vì sự phát triển" trên cơ sở ổn định, lâu dài và cùng có lợi.
Đan Mạch đánh giá cao những thành tựu của Việt Nam đạt được trong công cuộc đổi mới, nhất là trong xoá đói giảm nghèo, phát triển y tế, giáo dục, hội nhập vào nền kinh tế khu vực và quốc tế; những kết quả phát triển kinh tế - xã hội ấn tượng của Việt Nam trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế thế giới.
Đan Mạch là một trong những nước ưu tiêu dành ODA cho Việt Nam, ở mức 40 -50 triệu USD/năm. Ngoài ra, Đan Mạch còn tài trợ không hoàn lại cho chương trình hợp tác Môi trường với ngân sách mỗi năm khoảng 10 triệu USD.
Nguồn vốn ODA của Đan Mạch được sử dụng hiệu quả trong các lĩnh vực ưu tiên, góp phần đáng kể vào công tác xóa đói giảm nghèo và phát triển kinh tế, xã hội ở Việt Nam, giúp Việt Nam ứng phó với vấn đề biến đổi khí hậu, hợp tác tư pháp.
Hai bên phấn đấu nâng kim ngạch thương mại hai chiều lên 1 tỉ USD và đầu tư của Đan Mạch tại VN lên 1 tỉ USD trong vài năm tới, tăng cường tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hai nước trao đổi, gặp gỡ, thực hiện đầu tư và kinh doanh tại thị trường của nhau.
Đan Mạch ở châu Âu, là một nước xuất khẩu lớn về lúa mì, sữa, phô-mai, và nhiều nông sản khác.
Với dân số 5,3 triệu người trên diện tích 43.000 km², có tới 443 đảo lớn nhỏ. đường bờ biển dài tới 7.314 km, không nơi nào cách biển quá 52 cây số, không có nhà chọc trời…
Đan Mạch được coi là một trong những nước phát triển ưu tiên các mục tiêu xã hội. Đan Mạch có chế độ an sinh xã hội rất cao, miễn phí chữa bệnh và học hành.
Hằng năm Đan Mạch dành 0,8% Tổng thu nhập quốc gia (GNI) cho viện trợ nước ngoài.
Cách nay hơn nghìn năm, chế độ vương quyền đã hình thành tại Đan Mạch, có lần lượt 52 vua và 2 nữ hoàng.
Vào thế kỷ 19, Đan Mạch vươn lên từ một xã hội nông nghiệp nghèo thành một trong những quốc gia nông nghiệp giàu nhất châu Âu.
Bước vào thế kỷ 21, Đan Mạch đẩy mạnh phát triển bền vững, bảo vệ môi trường với 4 mục tiêu: Năng lượng gió, nước, thực phẩm và con người.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét