Vovinam được chấp thuận thành môn thi đấu chính thức tại SEA Games 26, diễn ra ở Indonesia cuối năm 2011, được coi là “một tin vui lớn” không chỉ trong giới thể thao.
Sau một quá trình dài giới thiệu và vận động, các nhà “ngoại giao thể thao” Việt Nam đã vượt qua được nhiều khó khăn, thuyết phục được hội đồng thể thao ASEAN đưa môn võ dân tộc này của Việt Nam trở thành môn thi đấu chính thức tại SEA Games.
Trong số 9 môn được cân nhắc lần này, chỉ có 2 môn Vovinam và Petanque (bi sắt) được chấp thuận, trong khi những môn khá nổi bật khác như Muay Thái, thể hình… không được thông qua.
Đó là kết quả của quá trình vận động kéo dài nhiều năm, với “sự vận động khéo léo của của Ủy ban Olympic VN (VOC) và Liên đoàn Vovinam VN, mà nhân vật chủ chốt là Tổng thư ký Hoàng Vĩnh Giang”.
Vovinam trở thành môn thi đấu tại SEAGames được coi là “một dấu mốc quan trọng” của môn thể thao dân tộc và thêm cơ hội giúp Việt Nam cải thiện thành tích thể thao.
Tuy nhiên, điều quan trọng nhất, như lời ông Võ Danh Hải, Chủ tịch Liên đoàn Vovinam: “Chúng tôi sẽ sử dụng Vovinam để quảng bá hình ảnh VN. Thông qua Vovinam, người dân khu vực sẽ biết nhiều hơn đến đất nước VN”.
+ Tham gia SEA Games, mở rộng với thế giới
Tại SEA Games 2011, môn Vovinam sẽ được tổ chức tại đảo Bali với 16 nội dung, trong đó có tám nội dung quyền biểu diễn và tám nội dung đối kháng tranh huy chương.
Ngay sau khi vừa giành được quyền đưa Vovinam vào hệ thống thi đấu ASEAN, các nhà thể thao Việt Nam bắt tay vào hỗ trợ việc tổ chức thi môn này. “Trước mắt, WVVF và Liên đoàn Vovinam VN sẽ cử các chuyên gia, HLV hàng đầu tỏa đi huấn luyện tại một số nước trong khu vực chưa tập Vovinam và mời võ sĩ, HLV của những nước đã có phong trào Vovinam về VN tập luyện. Hy vọng sẽ có ít nhất chín quốc gia tranh tài môn Vovinam tại SEA Games 26”- ông Hải nói.
Hiện Vovinam đã có mặt ở bảy nước Indonesia, Thái Lan, Singapore, Philippines, Lào, Campuchia và VN, trong đó ở Indonesia tuy mới phát triển nhưng đã thu hút khá đông người tập.
Dự kiến, tại SEA Games 26 sẽ có 42 môn trong chương trình thi đấu chính thức. Trong đó, 2 môn ở nhóm các môn Olympic bắt buộc (Điền kinh, Bơi lội); 28 môn trong hệ thống Olympic và ASIAD; 4 môn theo đề xuất của nước chủ nhà và 2 môn các nước đề xuất vừa được chấp thuận là Bi sắt và Vovinam.
Phó chủ tịch WVVF Nguyễn Văn Chiếu nhận xét: “SEA Games sẽ cho chúng ta cơ hội gầy dựng phong trào Vovinam thật sự ở khu vực và thế giới”.
+ Mở rộng tập võ, mở rộng giao lưu văn hoá
Vovinam, cách viết tắt của cụm từ "Võ Việt Nam", là môn võ dân tộc, trước đây gọi là Việt Võ Đạo do võ sư Nguyễn Lộc lập ra phong trào luyện tập vào năm 1936.
Đến năm 1938 môn võ này được mở rộng trên cơ sở võ học cổ truyền Việt Nam, bao gồm võ tay không, những thế đấm, đá, gạt, đỡ, lao, gối, chỏ, vật, đòn chân…Đặc biệt môn này có đòn đặc thù là bay cao kẹp cổ rất nổi tiếng, luôn có mặt trong các buổi biểu diễn.
Phần binh khí gồm các vũ khí thô sơ kiếm, đao, côn, thương, dao găm… Phần quan trọng nữa là việc luyện tập ngạnh công, nhuyễn công, khí công giúp dưỡng sinh và bảo tồn sức khỏe. Võ thuật Vovinam được coi là đa dạng và thức thời, phù hợp với nhiều lứa tuổi.
Hiện nay Vovinam được phát triển rộng ở nhiều nơi trên thế giới như Ba Lan, Bỉ, Campuchia, Đan Mạch, Đức, Mỹ, Maroco, Na Uy, Nga, Pháp, Romania, Thụy Sĩ, Thụy Điển, Singapore, Uzbekistan, Thái Lan, Italy, Australia…
Với việc chính thức trở thành một môn thi đấu tại SEA Games 26, Vovinam đang tiến một bước giới thiệu nét văn hóa Việt Nam tới bạn bè khu vực, góp phần mở rộng giao lưu văn hoá ngày càng rộng rãi giữa Việt Nam và các nước.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét