WEF Đông Á tổ chức lần đầu tiên tại TPHCM đã thành công tốt đẹp. Nói như lời Giáo sư Klaus Schawb – người sáng lập và là Chủ tịch WEF: “Đây là một Hội nghị rất thành công trong số những hội nghị mà WEF đã tổ chức từ trước tới nay”.
Sau 2 ngày làm việc với 20 phiên họp xoay quanh chủ đề “Vai trò đang lên của châu Á trong phát triển toàn cầu”, WEF đã bàn nhiều vấn đề, từ việc chuẩn bị cho sự phát triển mới hậu khủng hoảng, đến sự tham gia của các nền kinh tế Đông Á, chuẩn bị thế hệ trẻ, tăng cường hợp tác giữa các nền kinh tế…
Trả lời phỏng vấn báo chí sau hội nghị, Giáo sư Klaus Schawb đề cập đến một thuật ngữ mới: ABRIC và cho rằng đó sẽ là hạt nhân thúc đẩy nền kinh tế toàn cầu. Thuật ngữ này, vốn đã có trước BRIC (viết tắt từ Brazil, Russia, India, China), nay sẽ thêm vào ASEAN, viết tắt là A.
+ Bric và các “biến thể” của Bric
Các thuật ngữ này để chỉ các nền kinh tế mới nổi, có tiềm năng lớn và được dự báo sẽ phát triển mạnh mẽ trong tương lai.
Thuật ngữ "BRIC" xuất hiện từ đâu vẫn còn là một tranh cãi. Nhơng quan trọng là ý tưởng thành lập một liên minh giữa bốn siêu cường tiềm năng.
Các chuyên gia kinh tế dự báo trong 50 năm nữa BRIC sẽ là những thế lực kinh tế rất lớn của thế giới, vượt qua các nước G7 hiện nay. Xét về quy mô kinh tế, thứ tự lúc đó sẽ được sắp xếp lại: Trung Quốc, Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản, Brasil và Nga.
Bric sau khi ra đời lại có nhiều “biến thể” khác, với những liên kết cộng thêm khác nhau. Thí dụ:
- BRICS: Nhóm 5 nước Brasil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi; nói cách khác BRICS = BRIC + Nam Phi.
- BRIICS: Nhóm 6 nước Brasil, Nga, Ấn Độ, Indonesia, Trung Quốc và Nam Phi, tức BRIC nguyên gốc + Indonesia + Nam Phi.
- BRIMC: Nhóm 5 nước Brasil, Nga, Ấn Độ, Mexico và Trung Quốc; BRIMC = BRIC + Mexico.
- IBSAC: Nhóm các nước Ấn Độ, Brasil, Nam Phi, Trung Quốc. Nhóm này gồm nguyên thể BRICS, nhưng trừ Nga, trong đó Nam Phi được viết bằng 2 chữ SA và sắp xếp lại thứ tự các chữ viết tắt.
- LEMs: Nhóm các nước nền kinh tế thị trường đang nổi lên lớn (Large Emerging-Market Economies), gồm 9 nước, trong đó có 4 nước BRIC cộng với Argentina, Indonesia, Hàn Quốc, Mexico, Saudi Arabia và Thổ Nhĩ Kỳ.
Theo các cách đặt tên này, có thể nhận thấy các chuyên gia kinh tế cho rằng Bric là nhóm nước sẽ phát triển mạnh mẽ trong tương lai, là nòng cốt lôi kéo sự phát triển của nền kinh tế thế giới. Các biến thể khác như một “làn sóng thứ hai” cuốn theo, với sự hợp tác với Bric.
Từ WEF Đông Á tại TPHCM lần này, Abric đang được dự báo sẽ hình thành, kết nối ASEAN với Bric trở thành một làn sóng phát triển mới tại khu vực Đông Nam Á.
Trong khi đó, một nhóm nước vẫn phát triển riêng rẽ, nhưng được cho là “lực lượng kế cận” đuổi bám ngay sau Bric. Đó là nhóm N -11 (Next Eleven), gồm 11 nước tiếp sau Bric: Hàn Quốc, Bangladesh, Ai Cập, Indonesia, Iran, Nigeria, Pakistan, Philippines, Thổ Nhĩ Kỳ, Việt Nam, Mexico.
+ ASEAN - trung tâm phát triển thứ ba
Vấn đề không chỉ là thuật ngữ và thuật ngữ mới. Đó là dấu hiệu cho thấy vai trò của ASEAN đang gia tăng nhanh và có vị trí quan trọng trong bản đồ phát triển kinh tế của thế giới.
ASEAN đang liên kết ngày càng chặt chẽ và sẽ trở thành một cộng đồng kinh tế rộng lớn vào năm 2015, với nhiều tiềm năng và thế mạnh. ASEAN được dự báo sẽ là khu vực phát triển năng động nhất bên bờ Thái Bình Dương.
ASEAN, thị trường 600 triệu dân, được dự báo có thể trở thành trung tâm phát triển thứ ba của thế giới. Thương mại nội vùng của ASEAN đã phát triển lớn, tạo cơ hội cho châu Á và cả châu Âu.
Tuy nhiên, một trong những vấn đề đang đặt ra cho ASEAN là phát triển cơ sở hạ tầng giao nhận vận tải, kho bãi, cải thiện tích hợp hậu cần vận tải, nỗ lực cải cách thể chế, thủ tục hành chính, hải quan…
Giáo sư Klaus Schawb cho rằng ASEAN, châu Á là “nhân tố ngày càng quan trọng về phương diện kinh tế và từ đó giúp châu Á đóng vai trò trung tâm cả về chính trị nữa. Chúng ta đang chứng kiến một sự dịch chuyển trọng tâm địa chính trị và địa kinh tế thế giới từ Tây sang Đông, từ Đại Tây Dương sang Thái Bình Dương”.
Vai trò ấy ngày càng rõ. Sự thành công của các hội nghị quốc tế như WEF Đông Á lần này là thảo luận làm cách nào gia tăng vai trò của châu Á, các khu vực, tiểu vùng của lục địa này, đóng góp ngày càng lớn vào sự phát triển chung của kinh tế thế giới.
+ Dấu ấn TPHCM, dấu ấn Việt Nam
Là chủ nhà của WEF Đông Á 2010, TPHCM thay mặt Việt Nam thể hiện sự hiếu khách và tính chuyên nghiệp trong việc tổ chức sự kiện quốc tế.
Giáo sư Klaus Schawb cho biết: “khi tìm kiếm một địa điểm tại một quốc gia trong khu vực ASEAN, thì TPHCM - một trung tâm kinh tế lớn, năng động v.v… là một sự lựa chọn đầu tiên của chúng tôi”.
Sau khi hội nghị kết thúc, ông nhận xét: “Không khí của Hội nghị được tổ chức tại đây rất đặc biệt, dù lịch làm việc tương đối căng thẳng, vất vả, mọi người vẫn cảm thấy thoải mái bởi sự quan tâm chu đáo của các bạn”.
Nói về những ấn tượng của mình, Giáo sư Klaus Schawb khẳng định: “Tôi có thể nói rằng đây là một Hội nghị rất thành công trong số những hội nghị mà WEF đã tổ chức từ trước tới nay thể hiện qua rất nhiều những hoạt động phong phú sôi nổi. Hội nghị đã đạt được những kết quả ấn tượng, trong đó ấn tượng lớn nhất theo tôi đó là các đại biểu tham gia các sự kiện đều thấy có nhiều dấu ấn Việt Nam, thể hiện tiềm năng nền kinh tế Việt Nam”.
Hội nghị WEF Đông Á tại TPHCM thêm một lần nữa cho thấy khả năng tổ chức các hội nghị quốc tế lớn, thúc đẩy các quan hệ kinh tế, giới thiệu tiềm năng và hình ảnh Việt Nam, thể hiện vai trò năng động tích cực trong các hoạt động trên trường quốc tế.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét