Thứ Tư, 11 tháng 7, 2012

Thăm Việt Nam, Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Hillary Clinton: Ủng hộ đường lối ngoại giao của Việt Nam, tăng cường hợp tác

Chuyến thăm Việt Nam của Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Hillary Clinton thu hút sự chú ý của giới truyền thông quốc tế, không chỉ về sự thúc đẩy phát triển mối quan hệ giữa hai nước, mà còn về sự phát triển cả ASEAN, các sự kiện thời sự đang diễn ra khu vực này liên quan đến chiến lược hướng về châu Á của Hoa Kỳ.

+ Ủng hộ đường lối ngoại giao của Việt Nam về giải quyết các vấn đề biển Đông

Đài VOA của Mỹ đưa tin hàng đầu, như một kết quả quan trọng của chuyến thăm Việt Nam: Ngoại trưởng Hillary Clinton lên tiếng ủng hộ đường lối ngoại giao của Việt Nam về giải quyết các vấn đề biển Đông.

Trích lời bà Clinton, đài này cho biết: “Hoa Kỳ hoan nghênh những đóng góp của Việt Nam để đi đến một giải pháp ngoại giao nhằm giải quyết các vụ tranh chấp và giảm căng thẳng tại Biển Đông. Chúng tôi trông đợi vào ASEAN, sẽ nhanh chóng đạt tiến bộ với Trung Quốc hướng tới một bộ Quy tắc Ứng xử trên Biển có hiệu quả, để đảm bảo khi xảy ra thử thách, thì những thách thức đó sẽ được xử  lý và giải quyết một cách hòa bình qua một tiến trình đồng thuận, phù hợp với các nguyên tắc của luật quốc tế đã được công nhận bấy lâu nay.”

Những tuyên bố này, theo nhận xét của VOA, được đưa ra trong cuộc họp báo tại Hà Nội, sau cuộc hội đàm với Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh.

Đài BBC của Anh cho biết chủ đề Biển Đông và quan hệ với Trung Quốc sẽ lại được bà Clinton đề cập khi dự cuộc họp của ASEAN tuần này ở Campuchia.

Đài này nhấn mạnh: “Sau cuộc hội đàm với Ngoại trưởng Phạm Bình Minh ở Hà Nội hôm 10-7, bà Clinton nói Washington ủng hộ nỗ lực của Việt Nam nhằm giải quyết tranh chấp ở Biển Đông”.

“Hoa Kỳ đánh giá rất cao sự đóng góp của Việt Nam để có giải pháp ngoại giao hợp tác cho các tranh chấp và giảm căng thẳng ở Biển Nam Trung Hoa.”

“Chúng tôi hy vọng ASEAN sẽ có tiến bộ nhanh chóng với Trung Quốc hướng đến bộ quy tắc ứng xử hiệu quả nhằm bảo đảm khi xảy ra thách thức, chúng được điều chỉnh và giải quyết hòa bình thông qua quá trình thống nhất phù hợp với tiêu chuẩn luật quốc tế,”.

Hoa Kỳ và Việt Nam đang xây dựng quan hệ tốt đẹp hơn. Các báo đài nước ngoài trích lời thông báo của bà Clinton: “Ông bộ trưởng [Phạm Bình Minh] và tôi đã thảo luận về một kế hoạch dài hạn, để có thể nhìn tới không chỉ từng năm, mà nhìn về tương lai,”.

Giới truyền thông quốc tế rất để ý đến một chi tiết: bà Clinton gặp Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Với họ, đây là điều khá “lạ” khi quan chức chính phủ Mỹ gặp lãnh đạo Đảng Việt Nam.

Bản tin của Reuters phát từ Hà Nội vì thế được hầu hết báo đài nước ngoài phát lại: “chính bà Clinton đã yêu cầu, và được chấp thuận, một cuộc gặp với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng”.

“Hôm 10-7, Ngoại trưởng Mỹ đã tiếp xúc với cả Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng”.

Các cuộc gặp được mô tả “hai bên cần tiếp tục nỗ lực tăng cường quan hệ Việt Nam- Hoa Kỳ, trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, bình đẳng cùng có lợi, đóng góp vào hòa bình, ổn định và phát triển trong khu vực và trên thế giới”.
Hai bên khẳng định tranh chấp chủ quyền “cần được giải quyết bằng các biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế”.

Chuyến thăm của bà Clinton cho thấy tuy còn có những bất đồng, Việt Nam và Hoa Kỳ tăng cường hiểu biết lẫn nhau, quan tâm đầu tư, kinh doanh, phát triển kinh tế, giao lưu giữa hai nước, đóng góp tạomôi trường hoà bình ổn định phát triển trong khu vực…

+ Tạo môi trường để tăng cường hợp tác kinh tế

Nói tại Hà Nội, bà Clinton nhấn mạnh Việt Nam “đã trở thành lãnh đạo ở tiểu vùng sông Mekong và Đông Nam Á, nơi Hoa Kỳ và Việt Nam chia sẻ các quyền lợi chiến lược”.

Bà Clinton cho rằng “hai nước có thể sẽ đạt thỏa thuận về Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) trước cuối năm”.

“Các kinh tế gia trông đợi Việt Nam sẽ thuộc số các nước có lợi nhất nhờ TPP.” Bà nói TPP sẽ giảm bớt rảo cản thương mại nhưng tăng tiêu chuẩn về nhiều lĩnh vực như điều kiện lao động, bảo vệ môi trường, bảo hộ tài sản trí tuệ.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng tiếp hơn 20 doanh nghiệp Mỹ đi cùng bà Clinton.

Ngoại trưởng Clinton nói rằng Hoa Kỳ đang tìm cách mở rộng thương mại và đầu tư với Việt Nam.
Từ năm 2010 đến năm 2011, đầu tư của Mỹ vào Việt Nam tăng 17% lên gần 22 tỉ USD. Các thỏa thuận sẽ tiếp tục thúc đẩy thương mại với Hoa Kỳ.

Ðầu tư của Hoa Kỳ tại Việt Nam ngày càng tăng, nhiều doanh nghiệp lớn của Hoa Kỳ đã vào Việt Nam, như công ty GE, Microsoft, Cargill, Exxon Mobil.

General Electric vừa giành được 2 hợp đồng mới: một dự án cung cấp tuabin hơi nước trị giá 36 tỉ USD và một dự án cung cấp tụ điện trị giá 50 tỉ USD.

Với việc “quay lại châu Á”, cùng việc hoàn thiện TPP, nhiều cơ hội tăng cường thương mại, kinh tế đầu tư giữa 2 nước, Hoa Kỳ được hy vọng sẽ trở thành nhà đầu tư số một tại Việt Nam,

+ Mở rộng đối thoại, tăng cường hiểu biết lẫn nhau

Nhiều hoạt động của bà Clinton trong thời gian ở thăm Hà Nội thu hút sự chú ý của truyền thông quốc tế.

Đó là cuộc gặp mặt hơn 200 cựu sinh viên chương trình Fulbright kỷ niệm 20 năm Chương trình Học bổng Fulbright của chính phủ Hoa Kỳ tại Việt Nam. 20 năm qua, chương trình Fulbright đã đưa hơn 1.000 sinh viên, giáo viên và học giả Việt Nam sang Hoa Kỳ học tập và nghiên cứu nâng cao.

+ Xoay trục về phía châu Á

Trong chuyến thăm Việt Nam lần này của bà Clinton, hai bên cũng trao đổi về những diễn biến gần đây ở Biển Đông và hợp tác tiểu vùng sông Mekong, chuẩn bị cho hội nghị lớn của các doanh nghiệp Mỹ – ASEAN tại Siem Reap của Campuchia để bàn thảo thúc đẩy thương mại Mỹ- ASEAN.

Một chuyên gia kinh tế Mỹ chỉ ra rằng “Nếu nhìn vào... danh sách 1.000 công ty hàng đầu ở Mỹ sẽ thấy các công ty nằm ở tốp đầu phần lớn làm ăn ở châu Á”, “Do đó điều chúng tôi muốn khuyến khích các công ty tích cực hơn làm ăn ở châu Á”.

“Chuyến công du của tôi thể hiện ưu tiên chiến lược của ngoại giao Hoa Kỳ vào lúc này,” bà Clinton nói, “Sau 10 năm tập trung rất nhiều vào các cuộc chiến ở Iraq và Afghanistan thì Hoa Kỳ đang tăng cường đầu tư rất nhiều trong các lĩnh vực kinh tế, ngoại giao và chiến lược vào khu vực này của thế giới.”

“Đó là điều mà chúng tôi gọi là xoay trục về phía châu Á,” bà Clinton nói.

+ Obama sẽ đến Việt Nam?

Nhân chuyến thăm Việt Nam của bà Clinton, đài BBC phỏng vấn các chuyên gia, cho thấy một dự báo có thể tổng thống Mỹ Obama sẽ thu xếp một chuyến thăm Việt Nam để thúc đẩy quan hệ kinh tế, thương mại với Đông Nam Á.

Một loạt các chuyến thăm Việt Nam đáng chú ý như chuyến của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta, đặt chân tới thăm cảng Cam Ranh. Việc này được cho là “dấu hiệu cho thấy Mỹ đang quan tâm tới Việt Nam và khu vực châu Á Thái Bình Dương”.

Một số chuyên gia đối ngoại quốc tế dự đoán: nếu ông đắc cử nhiệm kỳ tới, Tổng thống Obama “có khả năng” thăm Việt Nam.

Quan hệ Việt Nam- Hoa Kỳ được nhiều chuyên gia quốc tế đánh giá là đang phát triển tốt đẹp, có nhiều tiềm năng và lợi ích để thắt chặt hơn nữa.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét