Cuộc tiếp xúc giữa các quan chức các ngành liên quan của Việt Nam và Nhật Bản đã diễn ra tại Hà Nội hôm 10-3-2010 để xem xét việc hợp tác phát triển hạ tầng đường sắt tại Việt Nam.
Phía Việt Nam đã giới thiệu quy hoạch tổng thể phát triển giao thông đường sắt, mạng lưới đường sắt và thực trạng cơ sở hạ tầng hiện nay, các dự án trọng điểm đang và sẽ triển khai để gọi vốn đầu tư, nhất là các dự án đường sắt đô thị Hà Nội và TPHCM, dự án đường cao tốc Hà Nội - TP HCM.
+ Tiếp xúc tiềm năng
Tuyến đường sắt cao tốc Hà Nội – TPHCM dài 1570 km với 2 ga đầu cuối và 25 ga dọc tuyến, tốc độ thiết kế 350 km/h, tốc độ khai thác 300 km/h, sử dụng công nghệ tàu Shinkansen.
Dự án dự kiến có mức đầu tư 55 tỷ 853 triệu USD, đang tính các giai đoạn theo hướng làm từ hai đầu và hoàn thiện vào năm 2035. Bộ GTVT sẽ báo cáo Quốc hội vào tháng 5 tới, xin ý kiến về sử dụng nguồn vốn.
Phía Nhật Bản bày tỏ sự quan tâm, ghi nhận dự án và mong muốn có thêm các cuộc tiếp xúc chi tiết. Các cuộc gặp kỹ thuật này cho thấy nỗ lực xúc tiến dự án cải tạo và mở rộng hệ thống đường sắt tại Việt Nam, nối với hệ thống đường sắt châu Á.
Các dự án khôi phục 44 cầu đường sắt Thống Nhất được coi là trọng điểm, có tổng vốn đầu tư trên 2.471 tỷ đồng từ nguồn vốn ODA của Nhật Bản.
+ Nối mạng đường sắt Đông Dương
Cục Đường sắt Việt Nam đang tiến hành lập dự án xây dựng hai tuyến đường sắt nối từ Việt Nam sang Lào và Campuchia.
Đây là hai dự án nằm trong chiến lược phát triển giao thông vận tải và đường sắt Việt Nam đến năm 2020, đồng thời là các đường ngang để kết nối với hệ thống đường sắt xuyên Đông Nam Á, từ Singapore đến Côn Minh (Trung Quốc), gọi tắt là SKRL.
Tuyến Sài Gòn – Lộc Ninh sang Campuchia, có chiều dài khoảng 130km, đang được nghiên cứu xây dựng theo khổ đường sắt 1m, có 12 ga, với điểm đầu là ga Dĩ An (Bình Dương) và điểm cuối là ga biên giới Hoa Lư. Dự kiến tổng mức đầu tư khoảng 3.918 tỷ đồng.
Tuyến đường sắt Vũng Áng – Mụ Gịa (Hà Tĩnh) nối với Lào, có chiều dài khoảng 119km, khổ đường 1m, với 12 ga, 7 hầm và 24 cầu, tổng mức đầu tư khoảng 4.523 tỷ đồng.
Dự án đường sắt cao tốc Hà Nội - Tp.HCM là một trong những dự án chiến lược của ngành đường sắt Việt Nam, dự kiến dài 1.630 km đường sắt đôi, khổ 1.435 mm, điện khí hoá, với tốc độ khai thác trên dưới 300 km/h.
UBND TP.HCM vừa có văn bản trình HĐND TP xem xét về hồ sơ dự án Đầu tư xây dựng đường sắt cao tốc Hà Nội-TP.HCM. TP đang tổ chức quy hoạch, giữ quỹ đất các ga trong khu đầu mối, trong đó có ga Thủ Thiêm là ga cuối.
Theo kế hoạch, tuyến đường mới sẽ được khởi công trong năm 2012 và bắt đầu khai thác từ năm 2020.
+ Đường sắt xuyên Á và xa hơn nữa
Năm ngoái, Thái Lan và Lào đã khánh thành tuyến đường sắt đầu tiên dài 3,5 km, nối thành phố Nong Khai của Thái Lan với thành phố Thanaleng của Lào qua một cây cầu trên sông Mekong.
Tuyến đường sắt này là một phần của một dự án đường sắt được đưa ra vào những năm 1960, đi xuyên châu Á, nối phía tây Thổ Nhĩ Kỳ và Nga đến tận Việt Nam và Triều Tiên.
Tuyến đường sắt này dài 114.000km, có 4 hành lang quốc tế nối liền 28 nước khu vực, trong đó có toàn bộ các nước Đông Nam Á. Nó được xây dựng trên cơ sở các tuyến đường sắt được Liên Xô cũ xây dựng, xuyên Xiberi nối châu Á với châu Âu.
Tại Đông Nam Á, Hội nghị các bộ trưởng Giao thông - Vận tải ASEAN lần thứ 6 ở Brunei (tháng 10-2000) đã thông qua hướng tuyến đi qua bảy nước ASEAN và Trung Quốc.
SKRL từ Singapore qua Malaysia - Tháiland (Bangkok) - Campuchia - Việt Nam (từ Lộc Ninh - TPHCM- Hà Nội - Lào Cai) - Trung Quốc (Côn Minh) cộng thêm tuyến nhánh từ Lào nối với Việt Nam. Tuyến 2 nối Bangkok với Rangoon (Myanmar).
Tháng 3-2002, Ấn Ðộ đã đề nghị nối tuyến SKRL về phía tây với Ấn Ðộ qua Myanmar.
Trung Quốc xác nhận đồng tài trợ cho dự án SKRL và Nhật Bản cung cấp ODA cho SKRL.
Việt Nam đã phê duyệt Quy hoạch phát triển giao thông đường sắt từ năm 2010 đến 2020, trong đó có việc phát triển tuyến đường sắt SKRL trên lãnh thổ Việt Nam.
Trong tương lai không xa, hệ thống giao thông đường bộ, đường sắt sẽ kết nối ASEAN như một cộng đồng kinh tế. Và xa hơn nữa, kết nối với hệ thống đường sắt châu Á và cả châu Âu qua những tuyến “đường sắt tơ lụa”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét